Xây dựng Chiến lược phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam đến năm 2020

Sáng 11/5, tại Hà Nội, Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức cuộc họp “Xây dựng Chiến lược phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam đến năm 2020” nhằm lấy ý kiến đóng lần cuối cho bản dự thảo Chiến lược phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam đến năm 2020 chuẩn bị trình Chính phủ trong tháng này.

Phát biểu tại cuộc họp, TS Chu Tiến Vĩnh, Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản, cho rằng: Việc làm cần thiết nhất hiện nay là xây dựng ngay một chiến lược phát triển ngành thuỷ sản mang tính quy hoạch tổng thể và đồng bộ.

Các chuyên gia ngành Thuỷ sản cho biết, thời gian qua, ngành Thủy sản Việt Nam phát triển còn mang đầy những yếu tố rủi ro cao và không bền vững. Trong khai thác hải sản, số đơn vị thuyền nghề thua lỗ, hòa vốn chiếm tới 3/4. Nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh song nhiều nơi vẫn còn tình trạng tự phát và luôn trong tình trạng "được mùa thì rớt giá". Trong khi đó, chế biến thuỷ sản xuất khẩu phát triển mạnh nhưng tính cạnh tranh chưa cao, đang có sự mất cân đối, cân bằng, thiếu hài hòa giữa các ngành nghề, giữa chủ thể và các môi trường trong quy trình sản xuất – kinh doanh- dịch vụ thủy sản. Bên cạnh đó, sự liên kết và phân công sản xuất còn nhiều vấn đề, việc xây dựng thương hiệu trên thị trường thế giới gần như mới bắt đầu; nguồn nguyên liệu chưa ổn định.

Không những thế, hiện tượng quy hoạch treo vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều địa phương; quy hoạch thiếu căn cứ, cơ sở khoa học và thực tiễn; quy hoạch chi tiết ở các địa phương thường tiến hành trước các quy hoạch phát triển tổng thể, quy hoạch vùng. Khi quy hoạch đã được xây dựng thì phát triển khai thác, nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch. Mặt khác, công tác giám sát, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch ở nhiều nơi không được thực hiện, hoặc có thực hiện cũng chiếu lệ không đủ cơ sở để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tế sản xuất.

Để phát triển ngành Thuỷ sản một cách bền vững, lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ NN&PTNT đều đưa ra ý kiến cần phát triển ngành đi liền với chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với nhu cầu của thị trường, hướng mạnh về xuất khẩu, mở rộng thị trường trong nước. Cơ cấu sản phẩm thương mại phải có bước chuyển mạnh từ các mặt hàng nguyên liệu thô sang các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, sản phẩm ăn liền, thực phẩm chức năng với ngày càng nhiều mặt hàng có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trong 10 năm tới, ngành cần đặc biệt coi trọng điều chỉnh, đổi mới cơ cấu sản xuất thủy sản, nâng cao năng suất và thu nhập trên một đơn vị thuyền nghề, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, trên một ngày công lao động. Cùng với việc mở mang công nghiệp chế biến thủy sản và các ngành nghề dịch vụ khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; phát triển sinh kế mới, ngành còn cần chuyển dịch lao động khai thác hải sản ven bờ dư thừa sang nuôi trồng thủy sản, khai thác hải sản xa bờ và dịch vụ hậu cần, du lịch sinh thái… với phương châm tại chỗ. Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh công tác khuyến ngư áp dụng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ sinh học nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, nâng cao trình độ chế biến, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Với hướng đi này, trước mắt trong giai đoạn từ 2011 đến 2015, ngành Thuỷ sản đặt mục tiêu sản lượng tăng bình quân 2,66%/năm, giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 3,71%/năm. Tổng sản lượng thủy sản đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 6,5 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 7 tỷ USD, tăng trên 55% so với mức thực hiện năm 2008./.

TTXVN