Bài IV: Nông dân là trung tâm
Đột phá từ quê hương "khoán hộ"
Không chỉ là địa phương đi đầu về thu hút đầu tư phát triển công nghiệp và xây dựng, gần đây, Vĩnh Phúc còn tiên phong trong việc khoan sức dân, xây dựng một loạt chương trình, đề án nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân với phương châm: "Giảm đóng góp, tăng đầu tư, phát triển nông nghiệp toàn diện". Trong 6 chương trình, đề án được thông qua, nổi bật là đề án miễn thuỷ lợi phí cho sản xuất trồng trọt. Với sự thống nhất của cơ quan quản lý chuyên ngành, từ 1/1/2007, tỉnh đã miễn thuỷ lợi phí cho tất cả các hộ dân sản xuất trồng trọt, kể cả các hộ là cán bộ, công nhân viên nông trường, trạm trại. Nhờ đó, mỗi năm, nông dân Vĩnh Phúc giảm được gánh nặng khoảng 45 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chính sách giúp họ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, có điều kiện đầu tư thâm canh, tăng năng suất. Các HTX dịch vụ thuỷ lợi có nguồn kinh phí ổn định hơn nhờ được cấp bù để trang trải hoạt động. Chương trình kiên cố hoá kênh mương đi trước một bước với mục tiêu hoàn thành toàn bộ kênh mương các loại, với tổng chiều dài 674km, để đến năm 2010, toàn tỉnh cơ bản giải quyết được vấn đề nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.
"Tạo cần câu hơn cho con cá" là chương trình được nông dân Vĩnh Phúc quan tâm hơn cả trong thời hội nhập. Đó là đề án bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, huấn luyện nghề ngắn hạn, cung cấp thông tin cho nông dân. Nội dung bao trùm của Nghị quyết 03/NQ-TU của Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc về vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân là giảm đóng góp, tăng đầu tư, trong đó vấn đề đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho nông dân được đặc biệt chú trọng. Theo đó, sẽ tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện, cập nhật kiến thức cơ bản về pháp luật, cơ chế, chính sách, kỹ thuật sản xuất, thị trường, cách thức làm ăn cho 200.000 – 220.000 nông dân /năm (trung bình mỗi hộ 1 người); kinh phí dự kiến 12 tỷ đồng /năm. Các điểm tư vấn cho nông dân sẽ được xây dựng, nhằm cung cấp thông tin, hướng dẫn kỹ thuật, giải đáp thắc mắc về cơ chế, chính sách; giao lưu trực tuyến với nông dân. Kinh phí thực hiện năm 2007 – 2008 là 9 tỷ đồng /năm; từ năm 2009 trở đi là 3 tỷ đồng /năm.
Sau khi Vĩnh Phúc triển khai thí điểm việc miễn giảm thuỷ lợi phí, vấn đề này "nóng" lên tại kỳ họp thứ 11, QH khoá XI. Sau đó, HĐND tỉnh Hưng Yên cũng có Nghị quyết 190 về việc miễn giảm 50% tiền phí thuỷ lợi, tuỳ theo mức thu thực tế của từng hộ dân sử dụng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng năm và 100% thuỷ lợi phí gieo trồng cây vụ đông. Trước đó, TP. Đà Nẵng cũng đã thông qua nghị quyết miễn thuỷ lợi phí cho nông dân trên địa bàn thành phố, với mức hơn 3 tỷ đồng /năm.
Những cú hích đầu tiên
Miễn thuỷ lợi phí (TLP) cho các hộ gia đình, cá nhân có đất, mặt nước dùng vào sản xuất nông, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và làm muối trong hạn mức và diện tích đất 5% công ích do địa phương quản lý mà hộ gia đình, cá nhân được giao hoặc đấu thầu chuyển quyền sử dụng từ 1/1/2008 được coi là cú hích đầu tiên để nông nghiệp, nông thôn phát triển và giảm dần các khoản đóng góp cho nông dân. Theo đại diện Bộ Tài chính, việc thu TLP không còn phát huy tác dụng. Cụ thể: năm 2006, cả nước chỉ thu được hơn 900 triệu đồng TLP; trong khi tổng nợ đọng TLP trên toàn quốc lên tới 377 tỉ đồng. ước tính, mỗi năm nông dân sẽ được hưởng lợi hơn 1.000 tỷ đồng nhờ chính sách này.
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội năm 2007, nhiệm vụ năm 2008 tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XII, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khẳng định, Chính phủ đã công bố bãi bỏ 340 loại lệ phí không nằm trong danh mục theo quy định của Pháp lệnh Phí, lệ phí; tiếp tục yêu cầu các địa phương nếu có các khoản thu ngoài danh mục phải bỏ ngay. Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng cũng khẳng định: "Một khó khăn, thách thức vốn có của nước ta là đi lên từ một nước nghèo, nông nghiệp, nông thôn kém phát triển. Ưu tiên của Chính phủ là tập trung đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp và nông thôn. Trái phiếu Chính phủ và đầu tư của ngân sách Nhà nước sẽ tập trung trong các năm 2008, 2009, 2010 hoàn thành toàn bộ các tuyến đường đến huyện, xã, để đảm bảo lưu thông cho kinh tế phát triển". Phó thủ tướng nhấn mạnh: "Về chất lượng xoá đói giảm nghèo và nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chúng ta phải thấy đây là vấn đề lớn, gắn với tăng trưởng bền vững và công bằng xã hội, gắn với mục tiêu phát triển và định hướng xã hội chủ nghĩa".
Nông dân là trung tâm
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát, trong 3 vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân, thực tế khó có thể tách rời hoặc chú trọng một vấn đề nào mà cần có giải pháp tổng thể, toàn diện, trong đó lấy nông dân là trung tâm, động lực để giải quyết vấn đề tam nông hiện nay. "Một mặt phải có những biện pháp mạnh để phát triển nông nghiệp ở trình độ cao hơn; mặt khác phải giải quyết rất nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra, đó là khả năng cạnh tranh của nền nông nghiệp, giải quyết công ăn việc làm, xoá đói giảm nghèo cho nông dân và tổ chức phát triển nông thôn một cách hài hoà, bền vững" – Bộ trưởng Phát nhấn mạnh.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong khuôn khổ thực hiện các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Chính phủ cần tiến tới một phương án mang tính cơ bản, lâu dài đối với nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Nội dung cốt lõi của chiến lược này phải bao hàm các vấn đề: khắc phục nếp nghĩ, cách làm còn nhỏ lẻ, manh mún của người nông dân; xây dựng hệ thống chính sách khuyến khích phát triển tam nông; chính sách phục vụ mục tiêu công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; chính sách về tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, phát triển nông nghiệp sinh thái, làng nghề,…
Vấn đề nổi cộm của nông nghiệp nước ta hiện nay là phải thay đổi tập quán sản xuất, phải làm cho tập quán sản xuất – kinh doanh của nông dân phù hợp với các điều khoản đã cam kết với WTO. Phải nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp và đòi hỏi nông dân có biện pháp giữ gìn, bảo vệ thương hiệu nông sản, gắn thương hiệu với tiêu chuẩn môi trường. Để làm được điều đó, bắt buộc phải nghiên cứu, chọn tạo các giống có chất lượng cao, chú trọng công nghệ sinh học hiện đại; và trước tiên phải đổi mới cơ chế quản lý khoa học, quản lý tài chính. Nếu khoa học công nghệ là cơ sở để đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả thì đổi mới cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn lại quyết định toàn bộ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách và hệ thống chế tài phù hợp, giúp người nông dân muốn làm giàu trong tiến trình hội nhập tự thấy phải thay đổi cách nghĩ cách làm, tức là thay đổi tâm lý tiểu nông để thích nghi với thời thế. Nhìn từ góc độ kinh tế, nét đặc trưng của tâm lý tiểu nông là tư duy manh mún, tầm nhìn hẹp; tính thụ động, ỷ lại, yên phận; tâm lý ăn xổi, kinh doanh chụp giật, không dám mạo hiểm, sợ rủi ro; tác phong làm ăn tùy tiện, kỷ luật kém; tư tưởng bình quân chủ nghĩa. Tất cả những đặc trưng đó không phù hợp với tư duy kinh tế, tác phong công nghiệp của kinh tế thị trường.
Có một thực tế là, thu nhập và mức tiêu dùng bình quân của nông thôn thấp hơn 2 lần thành thị và sự chênh lệch ngày càng gia tăng. Dự kiến trong 2 thập niên tới sẽ có 1/4 dân số nông thôn đổ về thành thị tìm cơ hội việc làm. Nông thôn sẽ "tuột xích", bị bỏ lại đằng sau với một vực sâu ngăn cách giàu nghèo. Trước nhu cầu bức thiết của cuộc sống, đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đặc biệt đến vấn đề tam nông trên tất cả các mặt: đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nông thôn mới và đặc biệt phải giảm dần sự cách biệt quá lớn, bất bình đẳng hiện nay giữa nông thôn với thành thị, tạo ra thiết chế pháp lý và trách nhiệm của cộng đồng đối với nông thôn.
Bài cuối: Tín hiệu vui