Đề án tốt nghiệp thạc sĩ: Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại đất đai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Ngành: Quản lý đất đai
Mã số: 8850103
Tác giả: Nguyễn Hữu Phi Hùng
Người hướng dẫn khoa học: TS. Dương Thị Thu Hà
Đề tài: “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại đất đai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” được tiến hành nhằm làm rõ thực trạng khiếu nại đất đai và công tác giải quyết khiếu nại đất đai tại tỉnh Lâm Đồng trong giai đoạn 2019-2023, từ đó đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác giải quyết khiếu nại đất đai trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Đề tài đã sử dụng ba phương pháp nghiên cứu chính: (1) Điều tra thu thập số liệu (2); Phân tích xử lý số liệu; và (3) Phương pháp đánh giá bằng thang đo Likert. Kết quả nghiên cứu cho thấy:
– Về công tác khiếu nại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng: trong giai đoạn 2019-2023, tổng số đơn khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh là 903 đơn. Trong đó, có 854/903 đơn đã thụ lý, chiếm tỉ lệ 94,57% và 49/903 đơn tồn đọng, chiếm tỉ lệ 5,43%. Đáng chú ý, số lượng đơn thư khiếu nại có xu hướng tăng qua các năm. Các khiếu nại về đất đai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chủ yếu liên quan đến cấp GCN, đòi lại đất; bồi thường, GPMB; chuyển mục đích SDĐ. Một số khu vực thường xuyên xảy ra các vụ khiếu nại về đất đai tại tỉnh Lâm Đồng gồm: thành phố Đà Lạt, thành phố Bảo Lộc, huyện Lâm Hà, huyện Đức Trọng, Di Linh, Đam Rông.
– Về công tác giải quyết khiếu nại:
(i) Kết quả hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác giải quyết khiếu nại: công tác này luôn được triển khai và thực hiện nghiêm túc trên địa bàn. Tính đến cuối năm 2023, UBND tỉnh và các cơ quan có liên quan đã ban hành 151 văn bản cụ thể hóa công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại gắn với việc triển khai thực hiện;
(ii) Kết quả giải quyết khiếu nại: trong giai đoạn 2019-2023, UBND tỉnh tiếp nhận, xử lý, giải quyết 854 vụ việc. Trong đó, giải quyết lần đầu 558 vụ, giải quyết lần hai vụ 296 vụ. Tỷ lệ đơn thư giải quyết lần hai (của Chủ tịch UBND tỉnh) có xu hướng ngày càng giảm. Khiếu nại đúng 52/854 đơn, chiếm tỷ lệ 6%. Đơn khiếu nại sai chiếm hơn 50% trong tổng số đơn khiếu nại đã giải quyết, với 65,8% (562/854 đơn). Số đơn giải quyết đúng một phần 25/854 đơn chiếm tỷ lệ 2,9%. Tỉ lệ giải quyết đơn thư đúng hạn tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng khá cao, 82% với 701/854 đơn. Tuy nhiên, tình trạng giải quyết trễ hạn không đúng thời gian vẫn tồn tại, chiếm tỉ lệ 18% với 153/854 đơn. Nguyên nhân chính là do một số cán bộ thụ lý đơn được giao nhiều đơn nên chưa xử lý kịp thời, số lượng biên chế tại các sở, ngành còn ít chưa đáp ứng được công việc giải quyết đơn thư, khiếu nại. Đơn giải quyết khiếu nại nhiều nhất là bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (374/854 đơn, chiếm tỉ lệ 43,8%); công nhận quyền sử dụng đất, cấp GCN (275/854 đơn, chiếm 32,2%); chuyển mục đích sử dụng đất (40/854 đơn, chiếm 4,7%) và các khiếu nại khác (165 đơn, chiếm 19,7%).
(iii) Kết quả công tác xử lý, giải quyết các vụ việc khiếu kiện, đông người, phức tạp, kéo dài: trong giai đoạn 2019-2023, trên địa bàn tỉnh có 21 vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài. Trong đó, có 9/21 vụ việc đã xử lí dứt điểm, 10 vụ việc đã được chỉ đạo giải quyết nhưng vẫn tiếp tục khiếu nại; 2/21 vụ việc phức tạp mới được phát sinh. Đây thường là các vụ việc khiếu nại liên quan đến tính toán bồi hường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để xây dựng có dự án thủy điện Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, thủy điện Đại Ninh tại địa bàn huyện Đức Trọng, huyện Lâm Hà, huyện Di Linh và việc đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất của Nông trường Eaktur tại huyện Đam Rông.
(iv) Kết quả thanh tra đối với công tác giải quyết khiếu nại: trong giai đoạn 2019-2023, có 272 cuộc thanh tra có liên quan đến công tác giải quyết khiếu nại đất đai đã được các cơ quan chuyên môn thực hiện.
(v) Kết quả phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và các cơ quan thông tin, báo chí trong công tác giải quyết khiếu nại: trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang triển khai mô hình Hội Luật gia tỉnh (thành viên Hội Luật gia có các luật sư) tham gia tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân tỉnh. Mô hình này đã góp phần nâng cao nhận thức của công dân, từ đó hạn chế được các vụ khiếu nại sai phát sinh trên địa bàn tỉnh.
(vi) Kết quả kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu giải quyết khiếu nại: tính đến 31/12/2023 toàn tỉnh có 35 cán bộ, công chức chuyên trách tham mưu giải quyết khiếu nại, 205 cán bộ, công chức kiêm nhiệm tham mưu việc giải quyết khiếu nại. Trình độ chuyên môn 01 tiến sỹ, 17 thạc sỹ Luật và 222 cử nhân chuyên ngành khác.
– Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra được những thuận lợi và khó khăn trong công tác giải quyết khiếu nại trên địa bàn vùng nghiên cứu. Đồng thời, đánh giá được mức độ hài lòng của người dân về công tác giải quyết khiếu nại đất đai. Đáng chú ý, mức độ hài lòng của người dân về công tác giải quyết khiếu nại đất đai trên địa bàn vùng nghiên cứu chỉ ở mức trung bình, với điểm đánh giá bình quân là 3,0 điểm. Trong đó, có 1/5 tiêu chí được đánh giá ở mức không hài lòng là Kết quả giải quyết thủ tục giải quyết khiếu nại đất đai. Kết quả nghiên cứu cũng đã trình bày được ý kiến đánh gía của cán bộ chuyên môn về công tác giải quyết khiếu nại đất đai tại địa bàn vùng nghiên cứu. Trong đó, cả 5 nhóm đưa ra đánh giá gồm: hệ thống thể chế; vận dụng chính sách; năng lực kinh nghiệm; cộng đồng; và điều kiện vật chất đều có ảnh hưởng đến công tác giải quyết khiếu nại đất đai.
Từ thực trạng kết quả nghiên cứu, đề tài đã rút ra 6 giải pháp chính, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại đất đai tại địa bàn vùng nghiên cứu.