Đề án tốt nghiệp thạc sĩ: Đánh giá việc thực hiện các quyền sử dụng đất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngành: Quản lý đất đai
Mã số: 8850103
Tác giả: Nông Văn Long
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Trần Thị Phượng
Đề tài “Đánh giá việc thực hiện các quyền sử dụng đất nông nghiệp của đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế” được tiến hành với mục tiêu chính là mục tiêu đánh giá việc thực hiện các quyền sử dụng đất và mức độ hài lòng của đồng bào DTTS tại huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế về thủ tục hành chính trong quá trình thực hiện quyền của họ. Trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng thực hiện các quyền sử dụng đất của đồng bào DTTS tại vùng nghiên cứu.
Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, đề tài đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu chính gồm phương pháp thu thập số liệu thứ cấp và phương pháp thu thập số liệu sơ cấp (phỏng vấn hộ bằng bảng hỏi bán cấu trúc, phương pháp tham vấn chuyên gia), phương pháp đánh giá mức độ hài lòng của người dân bằng thang đo Likert, và phương pháp xử lý số liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy:
Nam Đông là huyện miền núi nằm về phía Tây – Nam của tỉnh Thừa Thiên Huế, có 09 xã và 01 thị trấn. Theo kết quả thống kê năm 2023, tổng diện tích tự nhiên của huyện Nam Đông là 64.782,12 ha, trong đó nhóm đất nông nghiệp có 61.930,84 ha chiếm tỷ lệ 95,60%. Biến động sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn 2019 – 2023 của huyện Nam Đông theo chiều hướng giảm, cụ thể là giảm 65,71 ha ở năm 2023 so với năm 2019 do chuyển sang đất giao thông và đất xây dựng trụ sở cơ quan, khu bảo tồn làng văn hóa truyền thống dân tộc Cơ Tu.
Kết quả đánh giá thực trạng thực hiện các QSDĐ của hộ gia đình, cá nhân người DTTS ở Nam Đông trong giai đoạn 2019 – 2023 cụ thể như sau: Trong giai đoạn 5 năm, tổng số hồ sơ đăng ký chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân là người DTTS trên địa bàn huyện Nam Đông là 1.362 hồ sơ với diện tích chuyển nhượng là 3.989.857.7 m2. Năm 2020 là năm có tỷ lệ số lượng hồ sơ đăng ký chuyển nhượng được giải quyết nhiều nhất, trong khi đó năm 2022 lại là năm có số lượng diện tích chuyển nhượng chiếm tỷ lệ lớn nhất trong giai đoạn 5 năm với hơn 902.756,9 m2. Năm 2023 là năm có số lượng hồ sơ đăng ký và hoàn thành thủ tục chuyển nhượng thấp nhất trong giai đoạn năm 5. Có sự chênh lệch lớn về số lượng hồ sơ đăng ký thực hiện quyền chuyển nhượng của đồng bào DTTS tại hai xã lựa chọn nghiên cứu. Xã Thượng Quảng có số lượng hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân là người DTTS đăng ký thực hiện quyền chuyển nhượng lớn hơn nhiều lần so với xã Thượng Long. Đáng chú ý là ở năm 2022, số lượng hồ sơ đăng ký thực hiện quyền chuyển nhượng của các hộ đồng bào DTTS của xã Thượng Quảng cao hơn gấp 8 lần so với số lượng hồ sơ của xã Thượng Long. Có 1.081 hồ sơ đăng ký thực hiện quyền cho thuê và đã hoàn thành các thủ tục để thực hiện quyền cho thuê với diện tích là 2.353.375,0 m2. Số lượng hồ sơ của hộ gia đình người đồng bào DTTS của xã Thượng Quảng thực hiện quyền cho thuê cao gấp 2,3 lần so với hồ sơ ở xã Thượng Long. Năm 2023 là năm mà cả hai xã đều có số lượng hồ sơ và cả diện tích đất đăng ký thực hiện quyền cho thuê nhiều nhất. Có 522 hồ sơ đăng ký và đã hoàn thiện các thủ tục để thực hiện chuyển QSDĐ theo quy định của pháp luật theo hình thức thừa kế với diện tích là 2.081.045 m2. Mặc dù số lượng hồ sơ đăng ký thực hiện quyền thừa kế của xã Thượng Quảng chỉ cao gấp 1,2 lần so với xã Thượng Long, nhưng diện tích đăng ký thực hiện quyền này lại có sự chênh lệch rất lớn (lên đến 4,08 lần). Có 2.612 hồ sơ đăng ký thế chấp QSDĐ nông nghiệp, tuy nhiên chỉ có 2.563 hồ sơ đã hoàn thành thủ tục, chiếm 98,1% so với số lượng hồ sơ đăng ký thế chấp. Năm 2022 là năm có tỷ lệ hồ sơ hoàn thành thủ tục so với hồ sơ đăng ký cao nhất trong 5 năm với 99,2%. Năm 2019 là năm có số lượng hồ sơ đăng ký thế chấp thấp nhất và cũng là năm có tỷ lệ số hồ sơ được hoàn thành thủ tục so với hồ sơ đăng ký thấp nhất trong giai đoạn nghiên cứu của đề tài. Tổng số hồ sơ đăng ký thực hiện thế chấp QSDĐ nông nghiệp của hộ gia đình người DTTS ở xã Thượng Long là 115 hồ sơ, ở xã Thượng Quảng là 123 hồ sơ. Năm 2022 là năm cả hai xã đều có số lượng hồ sơ đăng ký thực hiện quyền thế chấp nhiều nhất trong giai đoạn nghiên cứu của đề tài. Số lượng hồ sơ đăng ký thực hiện quyền thế chấp của các hộ gia đình người DTTS ở xã Thượng Long thấp nhất là vào năm 2023, trong khi đó ở xã Thượng Quảng thì số lượng hồ sơ thế chấp thấp nhất lại ở năm 2019.
Đánh giá ý kiến của các hộ gia đình, cá nhân về mức độ hài lòng của họ đối với thủ tục hành chính trong quá trình họ thực hiện các QSDĐ nông nghiệp ở xã Thượng Long và Thượng Quảng thông qua phiếu phỏng vấn hộ. Kết quả số phiếu thu về ở xã Thượng Long là 68 phiếu trả lời phỏng vấn, xã Thượng Quảng là 70 phiếu. Tỷ lệ người tham gia trả lời là phụ nữ nhiều hơn nam giới, trình độ học vấn của người trả lời phỏng vấn cũng có sự chênh lệch đáng kể ở hai xã lựa chọn nghiên cứu. Hoạt động tạo thu nhập chính của các hộ gia đình người DTTS tại xã Thượng Long chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp (chiếm 73,53%), trong khi đó nguồn thu nhập chính của các hộ ở xã Thượng Quảng là từ hai nguồn chính bao gồm hoạt động sản xuất nông nghiệp (với tỷ lệ 41,43%) và hoạt động làm thuê (với tỷ lệ 35,71%). Mức độ hài lòng của người dân trong quá trình họ thực hiện các quyền của người sử dụng đất dựa trên 05 nhóm tiêu chí: Thủ tục hành chính, thái độ phục vụ của cán bộ, năng lực phục vụ của cán bộ, quy trình giải quyết công việc, và cơ sở vật chất. Điểm trung bình đánh giá sự hài lòng của các hộ gia đình người DTTS ở địa bàn nghiên cứu đối với các tiêu chí trong quá trình họ tham gia thực hiện quyền của người SDĐ tại cơ quan nhà nước ở địa phương đa số có giá trị nằm trong khoảng từ 2,62 đến 3,49. Với giá trị trung bình này cho thấy các yếu tố nằm trong khoảng Trung bình/Trung lập) và Hài lòng/Đồng ý, chỉ có 2 tiêu chí được đánh giá là Không hài lòng/Không đồng ý ở xã Thượng Quảng bao gồm: Tiêu chí thời gian giải quyết công việc đúng quy định, và tiêu chí tại địa phương đã có Hệ thống lấy số tự động được sử dụng hiệu quả.
Đề tài đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện QSDĐ nông nghiệp của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Nam Đông nói chung và hai xã lựa chọn nghiên cứu nói riêng, bao gồm 03 nhóm giải pháp, cụ thể là: Nhóm giải pháp về tổ chức quản lý hoạt động thực hiện các QSDĐ; Nhóm giải pháp về đầu tư cơ sở vật chất và giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ; và Nhóm giải pháp về chính sách.
Xem file tại link: https://huaf.edu.vn/wp-content/uploads/2024/12/FILE-IN_23.9.2024_NONG-VAN-LONG.pdf