Ngày 28/8/2022, tại thành phố Huế, Trường Đại học Nông nghiệp II, nay là Trường Đại học Nông lâm Huế tổ chức Kỷ niệm 50 năm cán bộ, giảng viên, sinh viên lên đường nhập ngũ.
Vào những năm 1970, Đảng và Nhà nước ta huy động một lực lượng lớn cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên toàn miền Bắc lên đường nhập ngũ chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công giải phóng miền Nam, thống nhất nước.
Ngày mùng 03/9/1971, Trường Đại học Nông nghiệp II nay là Trường Đại học Nông lâm Huế tiễn đưa 160 cán bộ, giảng viên, sinh viên lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian huấn luyện, họ vào chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Tiếp sau đó năm 1972, cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường lên đường nhập ngũ lần thứ 2. Cán bộ, giảng viên, sinh viên của nhà trường có mặt chiến đấu khắp các chiến trường.
Một trường đại học luôn là lá cờ đầu trong phong trào học tập, văn thể của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường hăng hái lên đường nhập ngũ. Tất cả đều hứa với nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Anh Vũ Khanh lớp 4C Chăn nuôi – Thú ý đã lấy máu của mình viết tâm thư xin lên đường nhập ngũ. Tinh thần yêu nước của anh Vũ Khanh trở thành một phong trào toàn trường xung phong, hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Vào chiến trường, cán bộ, giảng viên, sinh viên của nhà trường chiến đấu dũng cảm, lập thành tích xuất sắc tiêu biểu. Trong đó có anh Phan Văn Ba lớp Chăn nuôi 3, quê ở xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Anh đã chỉ huy Tiểu đội, Trung đội đánh thắng nhiều trận trên chiến trường Tây Nguyên. Anh là một cán bộ trẻ, có tài năng. Khi đất nước thống nhất chưa được bao lâu thì chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, anh được giao nhiệm vụ chỉ huy Đại đội bảo vệ ở nơi biên giới. Anh đã hy sinh trong một trận chiến đấu quyết liệt giữa ta và địch trên biên giới.
Anh Lê Bá Thoanh lớp Trồng trọt 3B, quê ở xã Lương Ninh, Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, đã ra trận là lập công, đã đánh là thắng. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng của anh Thoanh là tấm gương cho toàn đơn vị học tập. Trong một trận đánh anh giành khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho đồng đội. Anh đã hy sinh.
Anh Nguyễn Phương Nam lớp Chăn nuôi 4, quê ở Quảng Trị, một chiến sĩ luôn dẫn đầu Tiểu đội đánh thọc sâu vào những điểm hiểm yếu của địch, tạo nên thế bất ngờ để toàn đơn vị giành thắng lợi. Trong một trận đánh trên chiến trường Tây Nguyên, anh bị thương rất nặng, mặc dù được quân y hết lòng cứu chữa, nhưng không được, anh đã hy sinh.
Nhiều và rất nhiều đồng chí đã lập công xuất sắc không thể kể hết ra trong khuôn khổ bài viết này. Thống kê chưa đầy đủ có 25 đồng chí đã hy sinh, trong đó nhiều đồng chí đến nay vẫn chưa tìm được phần mộ. Nhiều đồng chí là thương binh, bệnh binh, đau yếu, do hoàn cảnh khó khăn, không ít đồng chí đã mất nên không về gặp mặt được.
Trong số những người lên đường ngày ấy, ngày kỉ niệm 50 năm này chỉ được hơn một phần ba về gặp mặt. Tuy số lượng không được đủ nhưng khi gặp lại nhau ai cũng mừng mừng, tủi tủi.
Anh Lâm Quang Đức lớp Chăn nuôi 3, quê Lệ Thủy, Quảng Bình ở Đại đội 18, Trung đoàn 66, mặt trận Tây Nguyên vào tháng 4, năm 1972 bị thương vào cánh tay phải trong một trận đánh tập kích vào cứ điểm của địch, nhưng kiên quyết ở lại chiến trường tiếp tục chiến đấu. Tháng 5/1973, trong lúc đánh địch lấn chiếm anh bị một quả lựu đạn của địch làm dập đầu gối chân trái, dập xương cánh tay phải, trên mình bị 6 vết thương, thương tật 59%. Hiện nay anh đi lại phải dìu, nhưng khi nghe tin nhà trường tổ chức Lễ kỷ niệm gặp mặt 50 năm lên đường nhập ngũ, anh đã nhờ gia đình đưa ra bến xe quyết tâm về trường để gặp lại đồng đội.
Đến nay, có nhiều người trở thành cán bộ cao cấp trong Quân đội tiêu biểu như: Giáo sư, Tiến sĩ, Đại tá Nguyễn Trung Chính; Đại tá Phan Thanh Sen; Đại tá Nguyễn Xuân Bá; Thượng tá Nguyễn Công Hoàn, Thượng tá Hoàng Hải Hưng.
Đất nước thống nhất, nhiều người trở lại trường tiếp tục học tập, ra trường phấn đấu trở thành lãnh đạo chủ chốt ở địa phương như: Anh Ngô Xuân Cư, Chủ tịch huyện Bố Trạch (Quảng Bình); Bùi Tùng Phong, Chủ tịch huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh); Trần Quốc Hiển, Chủ tịch huyện Nghi Lộc (Nghệ An); Trần Văn Tố, Phó Chủ tịch huyện Hương Hóa (Quảng Trị); Dương Phước Thắng, Phó Chủ tịch huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Đức, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường, thay mặt lãnh đạo nhà trường báo cáo thành tích của nhà trường trong 50 năm qua. Trong những năm mới thành lập tại tỉnh Hà Bắc vô cùng khó khăn, nhà cửa bằng tranh tre, nứa lá, vách xây bằng đất sét đổ khuôn, mái lợp bằng lá cọ, nhưng nhà trường luôn đạt thành tích cao trong dạy và học. Sau khi đất nước thống nhất có hàng trăm sinh viên nhà trường xung phong vào các tỉnh Bình Trị Thiên, Quảng Nam, Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Thuận Hải, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ, Côn Đảo chi viện đắc lực cho các địa phương phục hồi sản xuất, phục hồi kinh tế.
Hiện nay, nhà trường có 4 Giáo sư, 34 Phó Giáo sư, 115 Tiến sĩ, số giảng viên có trình độ Tiến sĩ chiếm 46%. Nhà trường thực hiện phương châm: “Phát triển toàn diện, gắn với thị trường lao động, hội nhập quốc tế”. Nhà trường luôn đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo, chủ động đa dạng hóa và mở rộng quy mô đào tạo một cách hợp lý, nâng cao chất lượng, đào tạo toàn diện, đáp ứng nhu cầu nguồn lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đến nay nhà trường có 28 ngành nghề đào tạo hệ đại học chính quy, 11 ngành đào tạo Thạc sĩ và 9 ngành đào tạo Tiến sĩ, quy mô đào tạo 4.200 sinh viên, học viên.
Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển nhà trường đã đào tạo cung cấp nguồn lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến theo hướng hội nhập và phát triển. Cung cấp cho đất nước 35.000 kỹ sư, 2.700 Thạc sĩ, trên 80 Tiến sĩ.
Nhà trường được Đảng, Nhà nước tặng 2 Huân chương Độc Lập hạng Nhất, 1 Huân chương Độc lập hạng Ba, 2 Huân chương Lao động hạng Nhất.
Trong buổi gặp mặt đầy xúc động và ý nghĩa này, PGS.TS. Trần Thanh Đức, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng thay mặt lãnh đạo và cán bộ, giảng viên, sinh viên toàn trường bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc cựu chiến binh của nhà trường đã về gặp mặt. Nhà trường rất tự hào với lớp cán bộ, giảng viên, sinh viên lên đường nhập ngũ chống Mỹ cứu nước. Đây là tài sản vô giá, để nhà trường giáo dục cho các lớp cán bộ, giảng viên, sinh viên sau này.
Cuộc gặp mặt thời gian không dài nhưng để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc cho các cựu chiến binh, cho lãnh đạo nhà trường và cho cán bộ, giảng viên, sinh viên.