Trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH) tiền thân là Trường Đại học Nông nghiệp II là trường Đại học đào tạo lĩnh vực Nông – Lâm – Ngư nghiệp hàng đầu trong cả nước. Với sứ mạng là: “Đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học – công nghệ tiên tiến, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn cho miền Trung, Tây Nguyên và cả nước theo hướng hội nhập và phát triển”. Trải qua 55 năm hình thành và phát triển, trường đã có những đóng góp lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển nền nông nghiệp và nông thôn đặc biệt trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Với sứ mạng đó, ngay từ những năm đầu mới thành lập tại Việt Yên, Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang), Nhà trường đã chú trọng công tác nghiên cứu khoa học (NCKH), với hai mục đích: phục vụ phong trào cải tiến kỹ thuật thâm canh của các cơ sở sản xuất và nâng cao chất lượng đào tạo. Hai đề tài lớn được Nhà trường tập trung nghiên cứu và đạt được thành tựu to lớn, được lãnh đạo và nhân dân nhiều địa phương hoan nghênh, đó là: Nghiên cứu cơ cấu cây trồng trên đất bạc màu Hà Bắc và lai tạo giống lợn. Và công trình nghiên cứu về lợn lai của Giáo sư Trần Đình Miên đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.
Trong giai đoạn từ 2015 đến nay, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) đã phát triển và đạt được nhiều kết quả tốt về mặt số lượng và chất lượng. Hoạt động KHCN đã có đóng góp đáng ghi nhận trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu của đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, nâng cao uy tín khoa học và xây dựng thương hiệu của Trường trong nước và quốc tế. Từ đó, nhiều nghiên cứu có giá trị ứng dụng thực tế để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế – xã hội của địa phương khu vực miền Trung Tây nguyên và cả nước. Hoạt động NCKH đã hỗ trợ rất lớn trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ, cụ thể Nhà trường hiện có: 37 GS, PGS; 119 tiến sĩ.
Quy mô hoạt động KHCN đã tăng đáng kể về số lượng và kinh phí thực hiện. So với giai đoạn 2010-2014, tổng kinh phí giai đoạn 2015-2022 là 84 tỷ đồng, cao hơn 56 tỷ đồng so với giai đoạn 2010-2014. Giai đoạn từ năm 2015 – 2022, nhà trường đã thực hiện trên 60 đề tài từ cấp Bộ đến các Tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định. Trong đó tập trung tại các tỉnh như: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi …. Và đây hầu hết là những đề tài mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội rất lớn cho địa phương.
Về bài báo khoa học xuất bản: Giai đoạn 2015-2022, số lượng bài báo xuất bản trong nước và quốc tế tăng gấp 04 lần so với giai đoạn 2010-2014. Từ năm 2018 đến nay, trường ĐHNL là một trong các đơn vị trong Đại học Huế có số lượng bài báo quốc tế nhiều nhất thuộc danh mục WoS và Scopus được Bộ GD&ĐT và ĐHH khen thưởng. Tạp chí Khoa học và Công nghệ nông nghiệp Trường ĐHNL, ĐHH xuất bản số đầu tiên vào 3/2017 và đã nhanh chóng khẳng định được uy tín, chất lượng. Cụ thể, ngày 06 tháng 07 năm 2022, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước vừa ký Quyết định số 42/QĐ-HĐGSNN về phê duyệt Danh mục tạp chí khoa học được tính điểm năm 2022. Trong đó, Tạp chí Khoa học và Công nghệ nông nghiệp, trường ĐHNL, ĐHH được tính điểm cụ thể như sau: Hội đồng liên ngành Nông nghiệp-Lâm nghiệp: 0,75 điểm, Hội đồng liên ngành Chăn nuôi-Thú y-Thủy sản: 0,5 điểm; Hội đồng liên ngành Hóa học – Công nghệ thực phẩm: 0,25 điểm; và Hội đồng ngành Sinh học: 0,25.
Lĩnh vực ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT), chuyển giao công nghệ (CGCN) là một trong những hoạt động giúp khẳng định thương hiệu và gắn kết với các địa phương. Giai đoạn 2015 -2022, Nhà trường đã có 25 đề tài chuyển giao thành công các quy trình công nghệ cho các địa phương và doanh nghiệp; 65 quy trình công nghệ đã được áp dụng và chuyển giao và 126 quy trình công nghệ đã được hoàn thiện, có khả năng chuyển giao để áp dụng trong thực tiễn. Thông qua các đề tài nghiên cứu, dự án sản xuất thử nghiệm, Nhà trường đã tiến hành thương mại hóa, xây dựng sản phẩm có thương hiệu của Trường như Trà hoa Sen Huế, Măng muối chua, nấm Sò, nấm Vân Chi, giống cá Dìa, hoa Chuông và mô hình hoa Hướng Dương kết hợp du lịch nông nghiệp, Phân bón hữu cơ HUAF, Dưa lưới HUAF ….
Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên đã được gắn kết với các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (KN&ĐMST). Từ năm 2017 đến nay, nhà trường đã tổ chức thành công 04 cuộc thi ”Ý tưởng khoa học & Khởi nghiệp nông nghiệp”. Và đã có nhiều nhóm đạt giải cao tại các cuộc thi của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Tỉnh Thừa Thiên Huế, Đại học Huế và 01 nhóm tham gia cuộc thi khởi nghiệp quốc tế tại Thái Lan năm 2022. Từ đó, nhiều sản phẩm KN&ĐSMT đã được hình thành từ những mô hình khởi nghiệp sinh viên.
Tầm nhìn đến năm 2030, Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế là trường đại học theo định hướng nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ đạt trình độ khu vực. Với các mục tiêu cụ thể gồm (i) Đảm bảo trung bình mỗi năm có tối thiểu 01 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia, 02 cấp Bộ, 03 nhiệm vụ địa phương, 08 đề tài cấp Đại học Huế, 50 đề tài cấp cơ sở Trường; 5 đề tài nghiên cứu, dự án hợp tác quốc tế. (ii) Mỗi năm có ít nhất 01 nhóm nghiên cứu mạnh được Đại học Huế công nhận, tăng số lượng nhóm nghiên cứu mạnh từ 06 lên 11 nhóm vào năm 2025 và thành lập được 10 nhóm nghiên cứu mạnh cấp trường. Tăng tỷ trọng nguồn thu từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm và hợp tác quốc tế trong cơ cấu các nguồn thu của Trường lên 25% vào năm 2025 (iii) Tăng số xuất bản trên hệ thống tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (Web of Science và Scopus) bình quân 20% năm và đạt 100 bài vào năm 2025. Tạp chí Khoa học và Công nghệ nông nghiệp được tính điểm từ 0,5-1,0 theo quyết định của Hội đồng Giáo sư Nhà nước.
Thực hiện thành công Kế hoạch chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, Nhà trường hướng đến mô hình trường đại học nghiên cứu, là một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học; NCKH và CGCN đa ngành, chất lượng cao, đạt trình độ tiên tiến, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội theo hướng hội nhập khu vực và thế giới.