(TNO) Ngày 30.3, tại TP.HCM, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã họp lấy ý kiến cho báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và đảm bảo chất lượng đào tạo đối với giáo dục ĐH” giai đoạn 1998 – 2009, dưới sự chủ trì của Giáo sư – Viện sĩ Đào Trọng Thi – Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó trưởng đoàn giám sát.
Dễ dãi trong việc mở trường, mở ngành
Theo kết quả giám sát của Quốc hội, việc thành lập trường gần đây phát triển theo số lượng và chiều rộng, chưa chú trọng tới chất lượng, hiệu quả đào tạo cũng như chưa phù hợp với năng lực của nền kinh tế và yêu cầu nhân lực của nước nhà. Việc nâng cấp các trường CĐ, đặc biệt là các trường CĐ sư phạm ở địa phương thành trường ĐH và mở rộng cơ cấu đào tạo đa ngành diễn ra phổ biến, làm giảm chất lượng đào tạo chung của cả bậc ĐH và CĐ.
Đồng thời, nhiều trường mới thành lập nhưng đã tuyển sinh với quy mô lớn vượt xa năng lực đào tạo, không đảm bảo chất lượng đào tạo. Nhiều trường sau khi có quyết định thành lập vẫn không đạt được những tiêu chí cơ bản như đất đai, đội ngũ giáo viên, vốn đầu tư… Các trường như ĐH Dân lập (DL) Văn Hiến, ĐH DL Hùng Vương (cùng ở TP.HCM), ĐH DL Đông Đô (Hà Nội)… sau nhiều năm thành lập vẫn chưa có địa điểm xây trường, nên phải đi thuê phòng học, không có diện tích vui chơi và hoạt động thể dục thể thao cho sinh viên (SV).
Một vấn đề nhức nhối là đội ngũ giảng viên các trường ngoài công lập, số giảng viên cơ hữu có trình độ sau ĐH còn thấp so với mặt bằng chung và chủ yếu là cán bộ đã về hưu. Đơn cử trường ĐH DL Đông Đô chỉ có 53 giảng viên cơ hữu mà mở tới 15 ngành đào tạo, trung bình mỗi ngành chưa tới 4 giảng viên cơ hữu, hơn nữa, trường có tới 375 giảng viên thỉnh giảng. Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, từ năm 1987- 2009, số SV cả nước tăng 13 lần, nhưng số giáo viên chỉ tăng 3 lần. Do vậy, tỷ lệ SV/giáo viên quá cao so với quy định (năm 2008- 2009 là 28 SV/giáo viên).
Diện tích phòng học, giảng đường theo quy định là 6m2/SV, nhưng nhiều trường tỷ lệ này rất thấp, như: ĐH Luật Hà Nội chỉ 0,65m2/SV; ĐH Văn hóa Hà Nội là 1m2/SV; ĐH Đại Nam (Hà Nội) là 1,1m2/SV… Cơ sở vật chất phục vụ việc học cũng còn thiếu. Tại trường ĐH Y dược Cần Thơ, trước đây trong giờ giải phẫu mỗi SV được thực hành trên một con ếch, 5 SV thực hành trên một con chó… nay thực trạng này là 10 SV mới có một con ếch, và 30 SV mới có một con chó để thực hành.
Một vấn đề được đoàn giám sát chỉ ra nữa là chất lượng tuyển sinh thấp. Nhiều trường ngoài công lập có tốc độ tăng chỉ tiêu mạnh như ĐH DL Quang Trung (Bình Định) từ năm 2006- 2009 tăng từ 700 lên 3.300 chỉ tiêu; trường ĐH DL Hùng Vương (TP.HCM) tăng từ 1.000 đến 2.100 chỉ tiêu… Nhiều trường liên tục vượt chỉ tiêu do chạy theo nhu cầu thu học phí nhưng chế tài xử lý vi phạm của Bộ quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Tuy nhiên, điều đáng lo lắng nhất là lĩnh vực đào tạo sau ĐH, do việc tuyển sinh còn ít tính sàng lọc hơn nhiều lần so với đào tạo ĐH, CĐ. Có trường hợp khi Bộ tiến hành thẩm định lại 17 bài thi môn tiếng Anh của thí sinh nghiên cứu sinh, chỉ có 2 bài đạt yêu cầu!
Cần có khâu hậu kiểm
Trước thực trạng trên, nguyên nhân quan trọng nhất theo đoàn giám sát là do việc mở ngành, mở trường hiện chỉ dựa trên hồ sơ của trường mà không có khảo sát, kiểm tra thực tế tại trường. Cụ thể, trong 10 năm qua có 347 lượt trường được cho phép mở ngành trong tổng số 355 lượt trường đăng ký mở ngành (chiếm 97,5%) mà không có sự kiểm tra thực tế các điều kiện đăng ký mở ngành có đáp ứng hay không. Từ đó, kiến nghị của đoàn giám sát là cần phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc, có thể giải thể các trường vi phạm quy định, không thực hiện đúng cam kết thành lập trường, đặc biệt với các trường ngoài công lập đã thành lập được hơn 10 năm nay vẫn không có đất xây dựng trường.
Đồng tình với ý kiến trên, PGS.TS Nguyễn Hữu Chí- Vụ trưởng vụ giáo dục, Ban tuyên giáo T.Ư – cũng đặt ra, cần phải có khâu hậu kiểm trong việc thành lập trường. Hậu kiểm sẽ buộc các trường phải theo đuổi mục tiêu đề ra chứ không phải là đưa ra một đằng, làm một kiểu. Tiến sĩ Chí còn nhấn mạnh: “Một vấn đề lệch lạc ghê gớm của nền giáo dục nước ta hiện nay là vẫn loay hoay truyền thụ kiến thức. Những vấn đề nóng bỏng về bạo lực học đường gần đây đã cho thấy, đây chính là kết quả của nhiều năm giáo dục nước ta chỉ tập trung vào việc dạy chữ mà chưa chú trọng dạy người”.
Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH và CĐ ngoài công lập – cũng cho rằng, vấn đề bức xúc nhất hiện nay của giáo dục là chất lượng giáo dục ĐH. Theo Giáo sư Quân, nguyên nhân phải kể ra là sức đầu tư cho giáo dục ĐH còn quá thấp; giáo viên thiếu, nhất là giáo viên giỏi.
“Tỷ lệ giáo viên quá thấp so với tốc độ tăng trưởng của SV trong khi chúng ta chưa có chiến lược cho việc này, mà chiến lược không phải chỉ đề ra chỉ tiêu là con số 20.000 tiến sĩ là được. Thêm nữa, dù Bộ đã có nhiều đổi mới trong quản lý, nhưng theo xu hướng tập trung hóa, đó là xu hướng ngược chiều. Theo tôi, Bộ nên quản lý nhưng không nên làm thay việc của các trường”,Giáo sư Trần Hồng Quân phát biểu.
Cũng theo Giáo sư Quân, không nên có sự phân biệt đối xử giữa trường công và trường tư, trước hết là SV giữa hai loại hình trường này. Sự phân biệt này là bất công, thể hiện trước hết ở chi phí đào tạo: một bên hoàn toàn do SV chịu, một bên chủ yếu là từ ngân sách nhà nước. Do vậy, nên chăng có khoản trợ cấp cho các SV trường ngoài công lập để đóng học phí. Nhà nước có thể đầu tư thêm vào cơ sở vật chất của các trường ngoài công lập, và các trường công lập có thể kêu gọi đầu tư thêm từ bên ngoài để nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo. Về dự án thành lập 5 trường có đẳng cấp quốc tế của Chính phủ, Giáo sư Quân đặt câu hỏi: “Tại sao không bắt đầu từ những trường đang có sẵn? Đó mới là con đường tốt, ngắn và đáng tin cậy!”.
Theo ông Nguyễn Thành Tài – Phó chủ tịch UBND TP.HCM, để giải quyết các vấn đề của giáo dục ĐH đang đặt ra, việc trước hết phải xác định được những nguyên nhân cụ thể trước khi có những giải pháp phù hợp. Vấn đề giáo dục không thể giải quyết theo kiểu “mì ăn liền”, tuy nhiên bên cạnh sự căn bản và lâu dài cần phải có những giải pháp trước mắt. Ví dụ, nên lập lại ngay lập tức trình tự của tuyển sinh. Đồng thời, phải chú trọng đến chất lượng đào tạo ngay từ bậc phổ thông.
Cùng với kiến nghị này, Giáo sư Quân cho rằng: “Trong khi chưa có đủ điều kiện đầu tư cho toàn bộ hệ thống giáo dục, thì trước hết cần quan tâm hơn đến hệ thống giáo dục mầm non, tiểu học và bậc ĐH. Bởi giáo dục mầm non và tiểu học là sự đầu tư hết sức cơ bản, trong khi giáo dục ĐH có nhiệm vụ quan trọng trong việc tạo nguồn lực chất lượng cao cho sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước”.
Hà Ánh