Nói đến giải pháp 3 giảm 3 tăng hầu như bà con nông dân nào ở ĐBSCL cũng đều biết, giải pháp đã được 3 nhà khoa học của Việt Nam đề nghị trong hội nghị Quốc tế “Quản lý dinh dưỡng và sâu bệnh trong hệ thống thâm canh lúa” tổ chức tại Viện nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI từ ngày 20-22 tháng 05 năm 2005.
Lịch sử 3 giảm 3 tăng
Nói đến giải pháp 3 giảm 3 tăng hầu như bà con nông dân nào ở ĐBSCL cũng đều biết, giải pháp đã được 3 nhà khoa học của Việt Nam đề nghị trong hội nghị Quốc tế “Quản lý dinh dưỡng và sâu bệnh trong hệ thống thâm canh lúa” tổ chức tại Viện nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI từ ngày 20-22 tháng 05 năm 2005.
Tất cả đều nhất trí cao về cơ sở khoa học đã được thảo luận trong hội nghị về đề xuất cần có một dự án mang tên “3 giảm 3 tăng” nhằm giúp cho bà con nông dân của Việt Nam giảm đi phần nào thiệt hại do áp dụng các phương pháp không đúng.
Tháng 11 năm 2005 dự án đã nhận được sự tài trợ của tổ chức Quốc tế (SDC), Switzerland, phát động lần đầu tiên tại Sở NN-PTNT Cần Thơ với các tỉnh vùng ĐBSCL, sau đó là Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang. Một số nhà khoa học của Viện nghiên cứu lúa ĐBSCL và Trường Đại học Cần Thơ, Trung tâm BVTV phía Nam cùng tham dự tập huấn cho bà con nông dân. Kết quả nghiên cứu từ 2 tỉnh Cần Thơ và Tiền Giang cho thấy thuốc trừ sâu sử dụng giảm từ 13 đến 33%, trong khi đó hộ nông dân sử dụng thuốc trừ sâu cũng giảm 11%.
Năng suất tăng từ 4,6 đến 5,6 tấn/ha (22%) ở tỉnh Cần Thơ và 4,5 đến 5,0 tấn (11%) ở Tiền Giang. Từ những kết quả trên, giải pháp 3 giảm 3 tăng sau đó được Bộ NN-PTNT công nhận là tiến bộ kỹ thuật, đồng tác giả giải pháp gồm có một số nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Trung tâm Bảo vệ Thực vật phía Nam và nhiều cá nhân là cán bộ lãnh đạo các Sở NN-PTNT các tỉnh.
Năm 2008, 3 giảm 3 tăng được nhận giải thưởng của tổ chức Quốc tế DIABP (Dubai International Award for Best practices) là một trong 100 giải pháp tốt nhất về nông nghiệp của các nước. Giải pháp này đang được bà con nông dân chọn lựa cho canh tác thâm canh bền vững.
Giảm giống
Theo dõi trong nhiều năm cho thấy mật độ sạ của nông dân là quá dày, bình quân 200 – 220 kg lúa giống/ha, thậm chí nhiều hộ mật độ sạ lên tới 250 kg/ha. Việc nông dân gieo sạ dày có tính lịch sử, vì trước đây, nhất là những ruộng mới khai hoang, phục hóa thì mặt bằng ruộng chưa tốt, chỗ khô chỗ nước, chỗ sâu chỗ cạn nên tỷ lệ mọc và đồng đều thấp nên buộc nông dân phải sạ dày lên. Mặt khác, ĐBSCL trước đây rất nhiều cua, ốc mà số lúa bị cua ốc cắn phá là rất lớn nên cũng là tác nhân thúc giục sạ dày. Đấy là chưa kể đến những ruộng buộc phải sạ ngầm thì lượng giống sử dụng còn cao hơn. Sạ dày, ban đầu chỉ là bởi hoàn cảnh nhưng dần dà trở thành thói quen, quen đến nỗi khi các điều kiện để sạ dày trên không còn nữa nhưng nông dân vẫn cứ sạ dày.
Mật độ sạ hiện nay được khuyến cáo 80 – 100 kg/ha, tính ra mỗi m2 có 10gr hạt giống – khoảng 400 hạt. Trong số này chỉ khoảng một nửa sinh trưởng phát triển được, mỗi mét vuông có 200 cây lúa. Ở vụ ĐX, thời tiết thuận lợi hơn nên mỗi m2 sẽ có 700 bông, bình quân có 60 hạt chắc/bông, tính ra năng suất lý thuyết đạt 10 T/ha, nhưng năng suất thực tế chỉ đạt 7-8 T/ha. Vụ hè thu thời tiết không thuận lợi bằng nên số bông chỉ đạt 500 bông/m2, năng suất lý thuyết đạt 7,25 T/ha nhưng năng suất thực tế chỉ đạt 4-6 T/ha.
Trên thực tế sản xuất trên diện rộng cho thấy tính toán trên của các nhà khoa học là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn.
Giảm phân đạm
Các khảo sát tại VN cho thấy kỹ thuật bón phân của nông dân VN thường bị thừa đạm. Thừa đạm theo cả 2 nghĩa, nghĩa tính giá trị tuyệt đối của phân đạm và nghĩa giá trị tương đối của phân đạm trong mối tương quan với lân và kali. Nhiều hộ nông dân bón tới 130, thậm chí 150, 170 kg N/ha. Việc bón thừa phân đạm và thiếu cân đối cũng có tính lịch sử, vì trước đây độ phì đồng ruộng cao hơn, lại chỉ làm lúa dài ngày, một vụ, không có đê bao nên hàng năm được bồi bổ phù sa. Trong điều kiện như thế thì chỉ cần một lượng nhỏ phân đạm để “rước” thì cũng đã đủ cho cây lúa tươi tốt. Khi độ phì giảm đi, đặc tính giống cần nhiều phân hơn vậy là người nông dân cứ từ từ tăng phân đạm tới ngưỡng gây hại cho lúa, làm cho cây lúa có sức chống chịu kém, tạo điều kiện cho sâu bệnh tấn công mà người nông dân vẫn chưa nhận biết.
Lượng phân bón tối ưu phụ thuộc vào đặc tính giống, đặc tính đất và thời vụ. Trên đất phù sa ngọt, với giống lúa cứng cây, lượng phân bón được khuyến cáo là 100 – 110 kg N + 30 – 40 kg P2O5 + 30 kg K20 cho mỗi ha. Với giống mềm cây, lượng phân đạm cần giảm xuống chỉ còn 90-100 kg N/ha. Trên đất phèn nhẹ, lượng đạm cần giảm xuống còn 80-100 kg N/ha, nhưng tăng lân lên 40-50 kg P2O5/ha. Trên đất phèn trung bình giữ nguyên đạm nhưng tăng lân lên 50-70 kg P205/ha. Trên đất phèn nặng, tăng lân lên 70-90 kg P2O5/ha. Hiệu lực kali trên đất phèn chỉ thấy rõ khi dùng 30 kg K2O dùng bón rước đòng. Việc xác định liều lượng phân bón tối hảo cho một vùng cũng cần thực nghiệm kiểm tra gia giảm theo khuyến cáo qua sử dụng ô trống theo phương pháp IRRI.
Giảm thuốc BVTV
Như đã phân tích ở trên, việc sử dụng thái quá thuốc BVTV đã gây nên những tác hại khôn lường cho sản xuất, môi trường và sức khỏe cộng đồng. Để đạt được hiệu quả trong việc sử dụng thuốc BVTV, người nông dân và cán bộ kỹ thuật cần có ưu tiên trong việc lựa chọn giải pháp đối với việc sử dụng các biện pháp sinh học, thuốc BVTV sinh học. Trong trường hợp bất khả kháng cần phải sử dụng thuốc hóa học thì ngoài tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng, cần ưu tiên sử dụng những loại thuốc thế hệ mới, ít độc hại, chỉ cần dùng với hàm lượng rất nhỏ nhưng hiệu quả đạt được cao.
PGS.TS Phạm Văn Dư – nongnghiep.vn