2020: Việt Nam sẽ có hai ĐH trong tốp đầu thế giới

(Dân trí) – Dự thảo chiến lược giáo dục 2009 – 2010 đặt ra mục tiêu, đến năm 2020 có ít nhất 5 trường ĐH Việt Nam được xếp hạng trong số 50 ĐH hàng đầu ASEAN và 2 trường được xếp hạng trong số 200 trường ĐH hàng đầu của thế giới.

Ngày 18 và 19/12, Bộ GD- ĐT tổ chức công bố dự thảo lần thứ 13 chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020. Dự thảo sẽ được ra mắt rộng rãi trước dư luận để xin ý kiến đóng góp trong thời gian 2 tháng.

Đại học đẳng cấp quốc tế: "Làm như thế nào sẽ gỡ dần sau"

Trong buổi đầu ra mắt, Dự thảo được đánh giá là định đúng hướng, nhiều sáng kiến hay… tuy nhiên dư luận cũng đòi hỏi ngành cần phải lượng hóa những giải pháp cụ thể để triển khai, phải đi trước một bước như đột phá hẳn trong hệ thống bổ nhiệm, sử dụng cũng như quy trách nhiệm rõ ràng với người đứng đầu để có cơ chế bổ nhiệm đúng, tuyển chọn đúng người…

Đại diện một số cơ quan báo chí đặt vấn đề về mục tiêu "đến năm 2020 có ít nhất năm trường ĐHVN được xếp hạng trong số 50 trường ĐH hàng đầu của khu vực ASEAN và hai trường được xếp hạng trong số 200 trường ĐH hàng đầu của thế giới" thì đâu là những tiêu chí để xây dựng? Đâu là điểm đột phá? Xếp hạng thế nào?…

Giải đáp băn khoăn này, người đứng đầu ngành giáo dục cho hay: "Bộ GD-ĐT xác định là có làm, phải làm, còn làm như thế nào sẽ gỡ dần sau".

Bộ trưởng Nhân dẫn giải: Cũng như thời kháng chiến chống Mỹ, khi quân địch đến, lúc đầu ta cũng chưa xác định ngay được sẽ đánh thế nào mà chỉ quyết tâm là phải đánh và phải thắng, sau theo tình thế mới lập nên thế trận "bám thắt lưng địch mà đánh" và chúng ta cũng đã chiến thắng. Về mục tiêu xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế cũng vậy, chúng ta phải xác định được cái đích để phấn đấu. Định hướng trước mắt của ngành giáo dục trong việc xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế là phải trông cậy nhiều từ phía nước ngoài chứ ngành chỉ tự xây dựng thì chưa thể làm được. Bộ sẽ hợp tác ở cấp chính phủ với các đối tác Mỹ, Pháp, Nga, Nhật… xây dựng một số trường ĐH đẳng cấp quốc tế theo các mô hình tương tự như Trường ĐH Việt – Đức.

Như vậy, mục tiêu đặt ra trong dự thảo chiến lược mới là đích để phấn đấu. Nhưng thực hiện đến đâu còn tuỳ điều kiện thời điểm và hoàn cảnh cụ thể của ngành giáo dục.

Bỏ biên chế giáo viên: Việc làm tất yếu 

Ngày 18/12, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Nguyễn Thiện Nhân gặp mặt các TBT, PTBT các báo đài để báo cáo về hiện trạng nền giáo dục và chiến lược giáo dục giai đoạn 2009-2020. Tiếp ngay sau đó, vào ngày 19/12, Phó Thủ tướng Bộ trưởng gặp mặt Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Cựu Giáo chức … để Bộ tiếp tục báo cáo về chiến lược này.

 

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, dự thảo chiến lược lần thứ 13 này đã phản ánh 6 thành tựu, 5 yếu kém, 6 nguyên tắc vận hành, 3 mục tiêu, 11 giải pháp đột phá đối với giáo dục giai đoạn 2009 – 2020.

Giải thích về vấn đề sẽ xoá bỏ biên chế hàng trăm nghìn giáo viên, GS Nguyễn Hữu Châu, Phó trưởng ban biên soạn Dự thảo chiến lược khẳng định, đây không phải là "sáng kiến" của ngành giáo dục, cũng không phải là giải pháp "giật gân" hay gây "sốc" gì mà là một trong những giải pháp hiện thực nhất.

Phân tích rõ hơn về điều này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD- Đ T Nguyễn Thiện Nhân cho hay: "Vấn đề không còn biên chế giáo viên đáng ra là phải làm từ bây giờ. Từ khi có Nghị định 43, các đơn vị hành chính sự nghiệp không còn biên chế, thay vào đó là hợp đồng dài hạn. Việc này không phải là sáng kiến của ngành giáo dục mà chỉ là triển khai một chủ trương đã có của Đảng, Nhà nước. Sắp xếp, sàng lọc lại đội ngũ trong biên chế là việc mà tất cả các ngành phải làm, không chỉ ngành GD- ĐT. Chính ngành giáo dục đang làm chậm". 

Theo GS Châu, thực tế thì trong hai năm qua, cả nước có hàng nghìn giáo viên đã ra khỏi ngành hoặc làm việc khác sau khi có sự sắp xếp lại đội ngũ. Có tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ sắp xếp lại công việc của 1.000 giáo viên trong vòng chỉ một năm. Hoặc như Nghệ An đã đưa hàng trăm giáo viên ra khỏi ngành nhưng Bộ cũng chưa phải nhận một khiếu nại, tố cáo nào.

Trả lương cao: Muốn hiện thực phải tăng học phí

Một số ý kiến cho rằng Dự thảo chiến lược giáo dục Việt Nam giai đoạn 2009 – 2020 tiếp tục đưa ra các mục tiêu cụ thể về phổ cập giáo dục, các con số này có thể gây áp lực khiến các địa phương chạy theo bệnh thành tích?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Việc đặt mục tiêu phổ cập là vì lợi ích quốc gia, nhiệm vụ của ngành là phải quan tâm hơn nữa tới chất lượng phổ cập. Trong thời gian qua cũng có xu hướng chạy theo thành tích trong công tác phổ cập. Tuy nhiên, khi thực hiện cuộc vận động Hai không, ngành tuyên bố, mục tiêu năm 2010 đạt phổ cập THCS nhưng phải đảm bảo chất lượng. Nếu địa phương nào không thể đạt được chất lượng nên đăng ký lùi lại. Thực tế một số địa phương lùi lại.

Theo kế hoach, trong quý I/2009, Bộ GD- ĐT sẽ làm việc với 7 tỉnh có nhiều nguy cơ không đạt phổ cập THCS để cùng tháo gỡ. Nếu đã nỗ lực rồi mà năm 2010 không đạt được thì chấp nhận thực tế đó, không bất chấp chất lượng để chạy theo thành tích.

Một câu hỏi khác được đặt ra là năm 2009 sẽ thí điểm hiệu trưởng trả lương cho giáo viên. Vấn đề này đã đặt ra đầu năm 2008 và được thí điểm ở ĐH Kinh tế Hà Nội, nhưng đến cuối năm vẫn không thực hiện được. Bộ GD- ĐT sẽ tháo gỡ vấn đề này như thế nào để đó không phải là giải pháp trên giấy?

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giải thích "theo Nghị định 43 thì hiệu trưởng đã có quyền trả lương cho giáo viên. Nhưng nguồn thu hiện nay ít, do đó học phí đại học phải tăng lên đáng kể thì việc trả lương cao cho giảng viên mới có cơ sở. Lương là một yếu tố của đề án về tài chính nhưng Bộ Chính trị chưa thông qua. Khi nào được thông qua thì Bộ sẽ hướng dẫn thực hiện cụ thể. Trả lương theo hiệu quả không là vấn đề mới. Vấn đề là chúng ta vận dụng trong ngành giáo dục như thế nào? Bộ không thể làm thay các cơ sở".