20% trường mới thành lập chưa thực hiện đúng cam kết

TPO – Ngày 29/10, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân gửi Chính phủ báo cáo về sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học và đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học Việt Nam. Theo đó, 20% trường mới thành lập, hoặc nâng cấp chưa thực hiện đúng cam kết.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sau 23 năm đất nước đổi mới và 9 năm thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2001 – 2010, giáo dục đại học nước ta còn bộc lộ nhiều yếu kém, chất lượng đào tạo còn thấp, chưa có chuyển biến trên diện rộng.

"Thực tế, gần 30 năm chúng ta chưa thực sự quản lý được chất lượng giáo dục đại học vì chưa có chuẩn đầu ra của các trường đại học, cao đẳng (chuẩn năng lực của người tốt nghiệp); chưa giữ được chuẩn của nhiều yếu tố đầu vào (giáo viên, chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất); chưa có cơ quan chuyên trách quản lý chất lượng; hàng năm chưa có đánh giá thực tế và có báo cáo về chất lượng đào tạo của các trường và cả hệ thống giáo dục đại học" – ông Nhân cho biết thêm.

Báo cáo của Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận, trong công tác thành lập trường, triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng cũng còn bộc lộ những hạn chế.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT chưa có quy định bắt buộc về kiểm tra thực tế các điều kiện cần thiết khi cho phép mở ngành đào tạo và tuyển sinh (chỉ kiểm tra dựa theo hồ sơ). Chế tài xử lý đối với các trường không thực hiện đúng cam kết về các điều kiện mở ngành và tuyển sinh chưa đủ mạnh.

Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, hiện tại chưa có quy định các trường phải xây dựng chuẩn năng lực người tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) nên chưa có cơ sở đánh giá đúng chất lượng đào tạo. Hệ thống quản lý chất lượng trong giáo dục đại học chậm được hình thành (năm 2004 Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục mới được thành lập).

Để nâng cao chất lượng và chuẩn hoá các đầu vào của hệ thống giáo dục đại học, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần thực hiện quy hoạch đào tạo giảng viên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đến 2020 ở tất cả các trường cao đẳng, đại học, từ năm 2010 mỗi năm cử khoảng 1.000 giảng viên làm tiến sĩ ở trong nước, 1.000 giảng viên làm thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.

Từ năm học 2009 – 2010, thực hiện sinh viên tham gia đánh giá giảng dạy của 100% giảng viên. Các giảng viên đại học đều có kế hoạch đến năm 2012 mỗi giảng viên sử dụng tốt một ngoại ngữ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Đổi mới quy chế đánh giá

Báo cáo cho hay, trong số khoảng 20% trường đại học, cao đẳng (12 trường) được thành lập mới hoặc nâng cấp lên đại học từ năm 2005 trở lại đây chưa thực hiện đầy đủ các cam kết như trong Đề án khả thi thành lập trường và mở ngành tuyển sinh, chưa chuẩn bị đồng bộ 4 yếu tố về: đất đai xây dựng trường; đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng; vốn đầu tư và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác (chương trình đào tạo, thư viện, giáo trình, trang thiết bị thí nghiệm, …).

Bản báo cáo của Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ đổi mới quy chế đánh giá và cho phép mở ngành tuyển sinh. Kiểm tra tại cơ sở giáo dục trước khi được mở ngành ba tháng; ba năm sau đó mỗi năm kiểm tra lại một lần; Hoàn thành quy chế mới vào tháng 12/2009.

Từ năm học 2009 – 2010, trường đại học, cao đẳng không thực hiện ba công khai theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT vào tháng 1/2010, sẽ không được phép tuyển sinh năm học 2010 – 2011.

Bộ GD&ĐT hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của nhà trường (các quy chế, quy định về đào tạo, tuyển sinh, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, quản lý tài chính, tuyển dụng…), xong trước tháng 6/2010.

Các trường đại học, cao đẳng thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về phát triển của trường: Rà soát và hoàn thiện tất cả các quy định, quy chế của nhà trường, thực hiện ba công khai, thực hiện tuyển dụng theo hợp đồng, trả lương gắn với hiệu quả đóng góp, kiện toàn các cơ quan quản lý của nhà trường, xong trước tháng 9/2010.