LTS: Trả lời về vai trò giám sát chất lượng giáo dục đại học, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nói: Vì lợi ích của mình và xã hội, trước hết sinh viên hãy phản ánh ngay ở trường những yếu kém, không đạt chuẩn của quá trình đào tạo, của điều lệ trường, và nhà trường phải trả lời những chuyện đó. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều SV cho biết họ đã từng nhiều lần gửi thắc mắc đến giáo viên chủ nhiệm, phòng đào tạo, văn phòng khoa, Đoàn – Hội… nhưng đều không nhận được những phản hồi thỏa đáng.
Khi những bài báo về học phí của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Kinh tế – Kĩ thuật – Công nghiệp, ĐH Công nghiệp TP.HCM… được đăng tải, hơn 800 email của SV các trường này đã gửi về VietNamNet cùng chung một tâm trạng: đã "cắn răng chịu đựng" rất lâu, nay nhờ bài báo mới có cơ hội được "lên tiếng" giãi bày những bức xúc về chất lượng đào tạo của nhà trường.
Trả lời trên báo chí, Hiệu trưởng, Chủ tịch hội SV của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội lại khẳng định trường có nhiều kênh phản ánh nhưng không nhận được ý kiến của SV. Hiệu trưởng HV Ngân hàng TP.HCM trong buổi đối thoại với 500 SV cách đây không lâu cũng kêu: không thể giải quyết các bức xúc của SV vì các em nói qua báo chí mà không nói trực tiếp với nhà trường.
Vì sao trước các vấn đề liên quan đến quyền lợi "sát sườn" của bản thân, SV lại im lặng? Để rồi những bức xúc được dồn nén và "bùng nổ" trên các diễn đàn và báo chí thông qua những nick ảo thay vì trực tiếp bày tỏ công khai với nhà trường?
Cho đến một ngày, như lời cảnh báo của nhà văn Phan Thị Vàng Anh về hiện tượng bài văn lạ của Nguyễn Phi Thanh: "Với cơ chế giáo dục không để cho trẻ con sống thật, thì không biết bao nhiêu phần trăm trò ngoan, trò giỏi, trông lúc nào cũng tươi cười lễ phép như Thanh đó, mà thực ra đang âm thầm thủ một gói bức xúc ở sau lưng"…
Trong khi Bộ GD-ĐT đang ráo riết yêu cầu các trường ĐH thực hiện chủ trương "3 công khai" và xác định không nên đặt vấn đề chỉ có nhà nước quản lý trường đại học mà tự mỗi trường phải quản lý lấy, chính giáo viên trong trường phải tham gia quản lý nhà trường, chính SV trong trường là chủ thể chứ không phải tất cả cứ đổ lên "trên", VietNamNet thử đi tìm lời giải cho vấn đề khá quen thuộc: tại sao sinh viên chưa tham gia làm chủ chính công việc hàng ngày ở nơi mình học tập và làm việc.
Các SV hăng hái tham gia hoạt động tình nguyện tiếp sức mùa thi giúp đỡ thí sinh thi ĐH. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Bài 1: Hội và Sinh viên "chê" lẫn nhau
Mới biết cái tên… "Sinh viên có thể phản ánh với tư cách cá nhân nhưng cũng có thể thông qua tổ chức của mình như Đoàn, Hội sinh viên hoặc lấy ý kiến đánh giá bằng phiếu", Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói vậy khi được hỏi "nếu sinh viên khi phản ánh chất lượng giáo dục của chính trường mình đang học mà sợ bị trù úm". Thực tế thì sao?
Cuộc phỏng vấn "bỏ túi" với 20 SV các trường ĐH Hà Nội, ĐH Công đoàn, ĐH Đông Đô, ĐH Mở, ĐH Công nghiệp Hà Nội mà phóng viên thực hiện trong tháng 10 vừa qua cho kết quả: 6 SV chưa một lần nghe đến hội SV, 14 SV có biết đến hội SV nhưng chưa tham gia hoạt động nào, 2 SV đã từng phản ánh những bức xúc lên Hội SV nhưng không nhận được phản hồi.
Đã từng là bí thư Đoàn, N.N.H, SV lớp Cơ Điện tử, khoa Cơ Khí, ĐH CN Hà Nội đã từng tham gia nhiều cuộc họp với Ban chấp hành liên chi Đoàn và liên chi Hội SV trường.
"Cứ bàn đến các hoạt động thể thao, ca nhạc, hội hè thì không khí rất sôi nổi. Nhưng thi thoảng, khi đề cập đến những bức xúc về học phí thì cả bí thư liên chi lẫn bí thư Đoàn trường ngồi đó không nói gì".
Đoàn, Hội "nhiệt tình" tổ chức các hoạt động văn nghệ |
H nhớ lại: "Những lần bầu BCH liên chi Hội SV mới, các bạn hứa rất nhiều là sẽ tiếp nhận ý kiến đóng góp để chuyển tới nhà trường, nhưng chờ mãi cũng không thấy có gì biến chuyển".
Còn Đỗ Minh Hiền – Chủ tịch Hội SV ĐH Công nghiệp Hà Nội thì kể rằng đã nhiều lần đứng lên trong các buổi sinh hoạt chính trị đầu khóa hoặc các hội nghị SV khẳng định: Hội là nơi phản ánh nhu cầu, nguyên vọng của SV, là tổ chức đại diện, bảo vệ các quyền lợi chính đáng của SV.
Nhưng chưa một lần, Hiền nhận được một lời phàn nàn hay bức xúc của các SV về vấn đề học phí.
Chủ tịch Hội SV Đại học Điện Lực – Khương Minh Phương cũng cho biết, mức học phí cao của trường được SV phản ánh qua báo chí, nhưng ở trường, hội SV không nhận được bất cứ một thư, đơn, từ nào lên tiếng về vấn đề học phí. Nếu có, cũng chỉ là một vài ý kiến lẻ tẻ của một vài cá nhân rồi lại thôi. Còn lại, hoạt động chủ yếu của hội là tổ chức các phong trào, hoạt động chăm lo đến đời sống tinh thần của các bạn SV.
SV đang có "một gói bức xúc ở sau lưng"?. Ảnh minh họa: K.O |
Ở một số trường có số lượng SV lớn như ĐH Bách khoa, ĐH Xây dựng… hay một số trường phải thuê địa điểm bên ngoài để học như ĐH Mở, ĐH Đông Đô, nhiều SV cho rằng: mới chỉ biết đến cái tên, còn Hội hoạt động cái gì, tham gia như thế nào… thì không ai hay.
N.T.H, SV Cao đẳng Quản trị Kinh doanh của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đang học tại địa điểm thuê tại Mỹ Đình kể: học đến năm thứ 3 nhưng nhiều bạn ở cơ sở này chưa tham gia một hoạt động nào của hội SV, dù là cấp khoa.
"Nhà trường "chèn ép" học phí và các khoản thu không minh bạch, chủ nhà trọ chèn ép giá, tình trạng mất an ninh, nước bẩn, thiếu các sân chơi lành mạnh, thái độ quan liêu của các phòng ban hành chính… và rất nhiều vấn đề bức xúc của SV cần tiếng nói của Hội, nhưng chúng tôi hoàn toàn cô độc"- H phản ánh.
Trong buổi đối thoại với thầy Hiệu trưởng ĐH Thăng Long, Phan Huy Phú, một SV cũng lên tiếng gay gắt khi thấy trong nội bộ SV có nhiều bức xúc nhưng không thấy hội SV có "động tĩnh" gì.
"Biết rồi, khổ lắm, nói mãi"
Đối thoại với hiệu trưởng, họp định kỳ ban giám hiệu với cán bộ lớp, hòm thư SV, diễn đàn, lịch tiếp SV, thăm dò bằng các phiếu điều tra… là những cách thức được nhiều trường ĐH chọn làm kênh đối thoại với SV trong thời gian qua.
Khi học phí của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đang trở thành vấn đề nóng bỏng của dư luận, TS Hoàng Văn Điện, hiệu trưởng nhà trường cho hay trường cũng mở nhiều kênh đối thoại với SV, nhưng không nhận được ý kiến phản ánh.
Chủ tịch hội SV Đỗ Minh Hiền cho biết thêm, các buổi họp với ban giám hiệu được tổ chức định kỳ tổ chức 3 tháng/lần, nhưng "không thấy SV nào lên tiếng về học phí".
Và Hiền cho rằng: "Có lẽ đa số các bạn đều cảm thấy mức học phí như vậy là phù hợp, chỉ có vài trường hợp đặc biệt muốn làm "to chuyện", hoặc một vài người "rỗi hơi" ngồi phản ánh bức xúc lên các diễn đàn"- Hiền nói.
Tuy nhiên, một SV năm cuối trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đã là lớp trưởng trong 4 năm lại cho hay, mỗi lần họp với đại diện nhà trường (thường là hiệu phó hoặc hiệu trưởng), SV luôn có thắc mắc về mức học phí cao hơn bình thường nhưng đại diện nhà trường thường lảng tránh câu hỏi này.
N.N.H, SV lớp Cơ điện tử Khoa Cơ khí nói đã nhiều lần thắc mắc với giáo viên chủ nhiệm hoặc cán bộ Khoa thì đều nhận được câu trả lời chung chung: "Trường theo chủ trương xã hội hóa giáo dục, tự cung tự cấp nên phải thu học phí cao để đầu tư cơ sở vật chất và chất lượng".
"Ngay cả giáo viên chủ nhiệm khi xuống phòng Hành chính để hỏi về các khoản phụ phí thì cán bộ cũng trả lời: "Các khoa đóng thế nào thì khoa TA đóng như thế". Một SV khoa TA "chậc lưỡi": Thế thì SV có lên tiếng cũng chả giải quyết được gì.
Thậm chí: "Sau khi chuyện học phí của trường bị báo chí đưa tin, các thầy cô chủ nhiệm đã cảnh báo chúng tôi là không được nói gì trước các phóng viên, nếu không sẽ bị kỷ luật và đuổi ra khỏi trường, liệu như thế chúng tôi còn dám làm gì nữa?" – 1 sinh viên gửi thư về VietNamNet bức xúc.
Trả lời phỏng vấn VietNamNet, ông Phạm Hữu Đức Dục, Hiệu phó của Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội còn cho rằng, một bộ phận SV có vẻ gì đó thích phản ứng nhằm gây nên sự không ổn định trong môi trường SV.
Có lẽ, với quan niệm này của thầy hiệu phó, thì việc tiếp nhận các ý kiến phản đối của SV thật không dễ dàng.
"Liệu các ý kiến của SV có mang lại thay đổi gì không? Hay là cũng như các năm trước, báo chí nói nhiều nhưng các ngành, các cấp vẫn làm ngơ, trường cũng không thay đổi. Điều này cũng khiến SV nản không muốn nói thêm nữa". Một SV lớp Công nghệ Ô tô ngao ngán nói.
Nhiều SV cho rằng: sợ bị "trù úm" nên đã chọn thái độ im lặng hoặc tặc lưỡi cho qua dù rất bức xúc. Phản ánh nhưng không nhận được phản hồi, hoặc nếu có cũng chỉ là những "ậm ừ" cho qua chuyện đã trở thành việc thường ngày và "biết rồi, khổ lắm, nói mãi".
Để rồi, những ấm ức này sẽ được gửi đến báo chí, hoặc "bung xả" trên diễn đàn, forum ẩn danh như một giải pháp xả "stress" hữu hiệu.