Trò đánh giá thầy có chi là xấu

(Dân trí) – Trong Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2008-2020, việc nâng chất lượng đội ngũ giáo viên được xem là giải pháp có tính đột phá, trong đó có việc học sinh được đánh giá thầy cô giáo.

Nhiều ý kiến phản ứng điều này, vì cho rằng truyền thống tôn sư trọng đạo của Việt Nam qua bao đời nay, không có việc trò đi chấm điểm hay đánh giá thầy cô. Quan niệm "quân, sư, phụ" thấm vào máu rồi, nay lại cho phép học trò làm cái việc phán xét thầy mình thì phản giáo dục quá. Chưa kể nhiều học sinh không ngoan, ham chơi bời thì lại thường ghét thầy cô nghiêm khắc, nên việc đánh giá đôi lúc bị thiên lệch, không chính xác. Nếu như lấy kết quả đánh giá đó để  bình xét giáo viên thì có khi người tốt thành người xấu như chơi.

Nhưng cũng có ý kiến đồng tình, cho rằng cần thiết phải có sự nhận xét của học sinh, sinh viên. Học sinh là đối tượng đào tạo, các em phải có quyền được nhận xét về người đào tạo mình, chương trình mình được học. Công bằng mà nói, khi vào các trường đại học, sinh viên chọn ngành học để chuẩn  bị cho tương lai cuộc đời, phải đóng tiền để đi học. Vậy thì sinh viên phải có quyền lựa chọn người thầy dạy tốt, đảm bảo chất lượng chuyên môn. Một phần quan trọng khác là đạo đức, sinh viên học sinh đến trường  ngoài thu nhận kiến thức, còn phải được giáo dục thẩm mỹ, rèn luyện nhân cách và phẩm chất. Cho nên người thầy đứng trên bục giảng, ngoài truyền đạt tri thức, còn phải có phẩm chất đạo đức. Thầy cô giáo nào không gương mẫu thì học trò có quyền phản ánh và từ chối không theo học.

Chúng ta tôn trọng truyền thống và sẵn sàng phát huy những giá trị của nó. Tuy nhiên có những giá trị mới phù hợp với tiến bộ xã hội thì cũng cần phải được đề cao và thay đổi những cái cũ không còn phù hợp. Tính dân chủ được thể hiện từ trong nhà trường là cách thức giáo dục bản lĩnh công dân cho con em khi ra xã hội, tham gia gánh vác trọng trách nước nhà. Học sinh phải tự tin đón nhận hay khước từ những điều tốt hay xấu, đánh giá được các giá trị.   Trên thực tế, đây đó vẫn còn giáo viên chưa xứng đáng là người thầy, về khả năng chuyên môn cũng như tư cách đạo đức, tại sao lại bắt các em phải tuân phục theo kiểu "ngu trung". Và thực ra, những người thầy chân chính, có tài năng và lương tâm nghề nghiệp thì không bao giờ lo sợ ai đánh giá thấp mình. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng nói rõ: "Nhận xét của người học sẽ là một trong những động lực cho giáo viên tự thay đổi mình theo hướng tích cực. Và đây cũng là vấn đề mà các thầy cô giáo phải chuẩn bị về mặt tâm lý cho một sự đổi mới về chất lượng dạy học".

Lê Chân Nhân