Ở dải đất Bình Thuận chỉ có gió và những đồi cát mênh mông, nhiều người nghĩ, sẽ không thể có những trang trại VAC xanh tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Thái đang vẽ mô hình VAC trên cát với PV. Báo KTNT. |
Thế nhưng, thật kỳ lạ, bằng sự sáng tạo của nhà vườn cộng với sự giúp sức của Hội Làm vườn (HLV) tỉnh, những mầm cây đã vươn mình trong gió cát; dưới ao, cá vẫn tung tăng bơi lội. Điều đó đủ để chứng minh, ngay ở nơi khắc nghiệt nhất, mô hình VAC vẫn có thể tồn tại và phát triển.
Làm VAC để chống sa mạc hoá
Đó là tham vọng được lãnh đạo HLV tỉnh Bình Thuận đặt ra khi tham gia dự án của Tổ chức Môi trường toàn cầu (GEF). ở nơi khí hậu khắc nghiệt như Bình Thuận, nước tưới là vấn đề sống còn để mô hình VAC phát triển. Nhằm khắc phục tình trạng này, ông Trần Hữu Thái, Chủ tịch HLV tỉnh và các cộng sự đã nghĩ ra một sáng kiến độc đáo: đào ao tích trữ nước ngay trên đồi cát, dưới đáy hồ trải bạt để chống thẩm thấu, kết hợp thả cá. Xung quanh trồng các loại cây công nghiệp, cây lương thực có khả năng chịu hạn tốt như xoan chịu hạn, dầu rai, trôm, dưa lấy hạt, đậu phụng (lạc)… và xây dựng hệ thống chuồng trại để chăn nuôi. Theo ông Thái, mô hình nông – lâm kết hợp theo hướng sinh thái bền vững này là lựa chọn hợp lý cho những vùng đất cát dọc duyên hải miền Trung.
Về hiệu quả kinh tế, nếu chỉ tính riêng cây trôm, với giá mủ 250.000 – 300.000 đồng/kg thì 1ha đã cho thu nhập đáng kể, chưa tính đến khoản thu từ chăn nuôi và các cây trồng khác. Điều quan trọng hơn, mô hình có thể giải quyết được vấn đề thiếu nước tưới, nước sinh hoạt trong mùa khô; cải tạo đất và môi trường, chống hiện tượng cát bay, cát nhảy…
Từ hiệu quả và tính khả thi của mô hình, đến nay, nhiều địa phương trong tỉnh Bình Thuận đã áp dụng cách làm này, bước đầu mang lại giá trị kinh tế – xã hội to lớn. Nếu như năm 2005, toàn tỉnh chỉ có 4 hộ tham gia với diện tích 4ha ở xã Hồng Phong (Bắc Bình) thì đến thời điểm cuối năm 2008, tỉnh Hội đã xây dựng được 24 mô hình, 11 hồ trữ nước, tổng diện tích trên 8ha. Cũng trong các mô hình này, bà con đã trồng được trên 2.000 cây trôm, 2.000 cây xoan chịu hạn… Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ở 2 huyện Tuy Phong, Bắc Bình với khoảng 18 xã tham gia.
Từng bước xây dựng vùng sản xuất hàng hoá
Ngoài việc tham gia xây dựng mô hình VAC trên cát, HLV Bình Thuận còn phối hợp với các ngành chức năng trong tỉnh hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giúp hội viên và nông dân trồng thanh long theo quy trình ViệtGAP, nhằm khai thác hết tiềm năng của loại trái cây đặc sản này.
Ông Thái cho rằng, muốn nâng cao giá trị gia tăng của hàng nông sản thì nông dân phải hợp tác lại để sản xuất ra những mặt hàng đảm bảo chất lượng và số lượng. Nhằm từng bước giúp hội viên và nông dân thay đổi phương thức sản xuất, tỉnh Hội đã đầu tư xây dựng mô hình trồng thanh long an toàn tại thị trấn Phú Long (Hàm Thuận Bắc), diện tích 3ha với 10 hộ tham gia. Trước khi bắt tay vào thực hiện mô hình, bà con được tập huấn kỹ thuật chọn đất, giống; cách bón phân, phòng trừ sâu bệnh… "Quy trình thực hiện trồng thanh long an toàn rất nghiêm ngặt, đòi hỏi nông dân phải thay đổi hoàn toàn thói quen canh tác trước đây. Ví dụ, phải dùng các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh; thuốc bảo vệ thực vật an toàn, nằm trong danh mục cho phép… Thậm chí, ngay cả những điều nhỏ nhặt cũng phải thay đổi như người lao động phải có quần áo bảo hộ lao động, phải ghi nhật ký vườn hằng ngày. Những điều đó có thể bà con chưa quen nhưng là điều bắt buộc của một quy trình sản xuất an toàn", ông Thái nói.
Vì vậy, thành công của dự án không chỉ là tạo ra nông sản sạch, bán được giá mà còn giúp nông dân nhận thức được thế nào là quy trình sản xuất an toàn. Không chỉ được hỗ trợ kinh phí, giống, phân bón, cái được lớn nhất của bà con chính là thay đổi tập quán sản xuất. Ông Thái hy vọng mô hình này sẽ có sức lan toả lớn để ngày càng có nhiều diện tích thanh long của hội viên HLV tỉnh được áp dụng theo quy trình này.
Nói về công tác xây dựng Hội, ông Thái cho biết, chính nhờ những chương trình, dự án thành công mà vị thế, uy tín của Hội ngày càng được nâng cao, được chính quyền địa phương tin tưởng giao cho những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Số người tham gia vào Hội ngày càng đông, toàn tỉnh hiện có 4.500 hội viên, 8/9 huyện, thị xã có tổ chức Hội với 54 chi Hội cơ sở.