Trải nghiệm nghề xuyên tết

    Giữa không khí rộn ràng của những ngày tết cổ truyền, khi đa phần mọi người đều gác lại việc làm, việc học để sum vầy cùng gia đình thì nhiều sinh viên Trường đại học (ĐH) Nông lâm Huế lại chọn đến những mảnh đất xa để trải nghiệm nghề. Cái tết của họ năm nay cũng thật khác.

    Năm nay, có hơn 50 sinh viên khoa Chăn nuôi Thú y (Trường ĐH Nông lâm) đăng ký đi thực tập, thực tế nghề tại doanh nghiệp ngày tết. Họ xuất phát cùng một chuyến xe tại Huế vào ngày 25 tháng chạp, nhưng được phân chia công việc ở 3 địa phương khác nhau là Bình Phước, Bình Dương và Đồng Nai.

    Sinh viên nhóm họp lần cuối trước khi lên xe đi thực tập, thực tế nghề

    Tết trong trang trại

    Hỏi những sinh viên đang đi trải nghiệm nghề ở các tỉnh phía Nam trong ngày đầu tiên của năm mới Mậu Tuất, hầu hết đều chung một câu trả lời là khó diễn tả. So với các năm trước, đây là lần đầu tiên họ đón tết xa nhà, không người thân và cũng không bánh chưng, bánh tét.

    Minh Thư, trưởng nhóm sinh viên thực tập, thực tế nghề tại Đồng Nai kể, đêm giao thừa chính là khoảnh khắc khiến các sinh viên có cảm giác lạ nhất. Khác với cảnh sum vầy bên gia đình hằng năm, sinh viên cùng công nhân ở trại chăn nuôi chỉ tổ chức bữa tiệc nhỏ cuối năm để chúc nhau cố gắng hơn trong năm mới. “Nói là bữa tiệc đón giao thừa nhưng đến 11 giờ phải nghỉ sớm để ngày sau làm việc. Các anh chị công nhân thì đã quen, nhưng tụi em thấy vui buồn lẫn lộn. Buồn vì nhớ nhà, nhưng vui vì tụi em được sống trong một không khí mới, trải nghiệm tính tự lập và đang dần trở nên năng động hơn. Trước khi đi, tụi em cũng được bố mẹ đồng ý, động viên nên cũng yên tâm”.

    Tiệc nhỏ đón giao thừa của nhóm sinh viên thực tập, thực tế nghề tại Bình Phước

    Những sinh viên đang thực tập, thực tế nghề tai Bình Phước may mắn hơn khi được phía quản lý doanh nghiệp tạo điều kiện đón giao thừa và vui chơi đến gần sáng. Để tạo ra không khí gia đình, các sinh viên đi chợ mua sắm thức ăn rồi cùng đốt lửa trại và hát hò. Trần Đình Thông, sinh viên thực tập tại đây chia sẻ: “Không khí trong trại tách biệt nên chẳng mấy biết bên ngoài rộn ràng thế nào. Có chăng là trong lòng các sinh viên nghe tết đã về. Không có ba mẹ, nhưng có bạn bè, anh em cùng trường với nhau nên xem đó là người thân trong một gia đình. Trong nhóm, sinh viên từ nhiều địa phương, nhưng gần như tỉnh nào cũng có bạn đồng hương nên đỡ nhớ cảnh tết quê”, Việt nói.

    Trải nghiệm nuôi gà tại trang trại của doanh nghiệp

    Công việc ở các trại chăn nuôi (nơi sinh viên thực tập, thực tế) luôn tất bật, vì vậy ngay từ sáng mùng 1 tết, sinh viên vẫn phải bắt tay vào việc. Theo Nguyễn Việt, thực tập tại Bình Dương, công việc của ngày tết cũng giống ngày thường, điểm khác là dù bận rộn, nhưng gặp nhau ai cũng nở nụ cười trên môi, kèm theo những lời chúc. Riêng các sinh viên thì động viên nhau cùng cố gắng. “Đã xác định đi để trải nghiệm nghề thì phải chấp nhận một cái tết lạ, không vui chơi. Ở trang trại, tụi em không gặp bất kỳ khó khăn nào. Nơi ăn, chốn ở và mọi thứ khác đều được doanh nghiệp tạo điều kiện. Thực tế, bận rộn với công việc cũng là một niềm vui và giúp tụi em xua tan cái nhớ nhà”.

    Cơ hội tốt

    Khác với các chương trình thực tập, thực tế nghề thông thường, chương trình dịp tết do sinh viên đăng ký tự nguyện. PGS. TS. Nguyễn Xuân Bả, Trưởng Khoa Chăn nuôi thú y, Trường ĐH Nông lâm chia sẻ, ngày tết các doanh nghiệp cần lao động, giữa phía doanh nghiệp và nhà trường có những hợp tác, tạo cơ hội tốt để sinh viên (chủ yếu là sinh viên năm thứ 2 – 3) thực tập, thực tế nghề. Tại các trại chăn nuôi, họ được tiếp cận và thao tác nghề nghiệp và cũng được hỗ trợ thu nhập (3 ngày Tết khoảng 200.000 đồng/ ngày; các ngày còn lại 100.000 đồng/ngày). Với những sinh viên chọn chuyến đi này để tính thành một học phần thực tế nghề (2 – 3 tín chỉ), khoa và các bộ môn cũng tạo điều kiện, đánh giá. Ngược lại, nếu sinh viên xem đó là cơ hội chỉ để thử sức, khoa sẽ tạo điều kiện để tổ chức các đợt thực tập sau.

     

    Chuyến xe đưa sinh viên đến các điểm thực tập, thực tế nghề

    Minh Thư chia sẻ, đây là cơ hội học tập rất tốt. Bên cạnh kiến thức được học tại trường thì ở doanh nghiệp, sinh viên được thực hành. Những ngày trước tết, người học được doanh nghiệp hướng dẫn và đến tết thì có thể trải nghiệm trực tiếp tất cả các công việc ở trại chăn nuôi từ chăm sóc gà, nghiên cứu các bệnh ở vật nuôi, chế biến thức ăn, vệ sinh chuồng trại… “Mỗi năm có rất nhiều cơ hội thực tập và mong muốn của tụi em là tận dụng càng nhiều cơ hội càng tốt. Ngày tết, nhân công doanh nghiệp sẽ ít hơn nên các doanh nghiệp tạo điều kiện tốt hơn để tụi em thao tác trực tiếp công việc. Phía doanh nghiệp lại có cơ sở vật chất hiện đại nên cũng học tập tốt hơn”.

    Ngày đầu năm tại doanh nghiệp của các sinh viên Trường ĐH Nông lâm

    Theo nhiều sinh viên đang thực tập tại chương trình này, cơ hội từ một chương trình thực tập, thực tế ngày tết là rất nhiều, ngoài được học tập, nếu làm việc tốt, sinh viên còn được phía doanh nghiệp cân nhắc, tạo cơ hội việc làm sau khi ra trường. “Sinh viên Huế vốn cần cù, chịu khó. Khi đi thực tập, thực tế ngày tết, phía doanh nghiệp đánh giá cao hơn bởi ý chí, quyết tâm của người học. Điều này mở ra rất nhiều triển vọng trong thời buổi việc làm sau khi tốt nghiệp đang khó khăn”, một sinh viên đang thực tập tại Bình Dương khẳng định.