“Mâu thuẫn lớn nhất trong thời gian qua là quy mô lớn quá nhanh nhưng chất lượng có vấn đề”, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh tại buổi thảo luận tổ ngày hôm qua 24.10 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Đại biểu trình bày ý kiến tại buổi thảo luận – Ảnh: Káp Thành Long |
Tổng bí thư chia sẻ: "Trong tất cả các điều thì tôi quan tâm nhất tới việc hợp tác quốc tế và quản lý chương trình hệ thống sách giáo khoa". Về hợp tác quốc tế, Tổng bí thư lưu ý: "Chúng ta khép kín lại mà không mở ra thì không đúng. Chúng ta phải hội nhập để tiếp cận được dòng chảy chung của thế giới, nhưng quản lý giáo trình, giáo khoa phải như thế nào?".
Tổng bí thư lo lắng: "Đúng, hiện nay có chuyện giáo viên đăng ký thỉnh giảng ở 4 – 5 trường, chạy sô như ca sĩ. Thỉnh giảng nhiều nơi nên không có thời gian để nghiên cứu nâng cao trình độ". Tổng bí thư đặt câu hỏi: "Tôi không biết những luận án tiến sĩ của ta có bao nhiêu phát minh mới?". Tổng bí thư đề nghị: "Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) phải tính toán, đề ra được các tiêu chí, tiêu chuẩn cho đàng hoàng. Trước mắt hãy rà soát lại hệ thống trường ĐH một cách chặt chẽ".
Truy tố hành vi gian dối để lập trường đại học
Theo thống kê của Bộ Giáo dục – Đào tạo, từ 1998 đến tháng 9.2009, cả nước có 87 ĐH mới thành lập. Trong đó, thành lập mới là 33 trường, nâng cấp là 54 trường. Như vậy bình quân trong 1 năm có 7,2 trường ĐH mới ra đời trên cả nước. Cũng trong thời gian đó, có 35 tỉnh có thêm ĐH mới, 28 tỉnh không có thêm ĐH nào, hai địa phương thành lập nhiều là Hà Nội và TP.HCM; (chiếm gần 1/2 số ĐH thành lập mới). Tỷ lệ sinh viên ĐH/vạn dân ở VN là khoảng 100, phấn đấu 2010: 200 – 2020: 400. Thái Lan cách đây 3 năm là 350 sinh viên/vạn dân, Nhật Bản 500 sinh viên/vạn dân. |
Phó trưởng đoàn ĐB QH Thanh Hóa Lê Văn Cuông cho biết, thời gian vừa qua có những trường hợp thành lập trường, để đủ điều kiện đã lấy danh của nhiều giáo viên rồi ghi vào hồ sơ, khi hỏi những giáo viên có tên trong danh sách của trường đưa lên thì những người này nói họ không hề biết, không có liên hệ gì với trường. Với thực tế như vậy, ĐB Cuông nói: "Luật quy định tách việc thành lập trường thành hai bước là quyết định cho thành lập, và quyết định cho phép hoạt động giáo dục còn quá chung chung". ĐB này đề nghị, luật phải ghi thật rõ và chi tiết quy định này và phải có chế tài xử lý đối với người quyết định thành lập và người quyết định cho phép hoạt động những trường không đủ điều kiện. Với những trường hợp gian dối trong việc lập danh sách giáo viên tham gia công tác thì phải truy tố trước pháp luật về tội gian dối, ĐB Cuông nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận (Quảng Nam) tán đồng với dự luật quy định phân cấp cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định việc thành lập trường ĐH (hiện nay là Thủ tướng – PV). "Thủ tướng điều hành chung, không phải cái gì cũng đưa lên Thủ tướng", ĐB Thuận nói.
ĐB Lê Văn Cuông lại có quan điểm khác: "Chưa nên giao cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định thành lập và cho phép hoạt động. Thủ tướng quyết định việc thành lập trường, Bộ trưởng cho phép hoạt động". Còn ĐB Vũ Thị Phương Anh (Quảng Nam) thì cho rằng, để cho ra một trường ĐH có chất lượng thì khâu thẩm định là quyết định. ĐB Phương Anh kiến nghị: "Giao cho Bộ GD-ĐT quyền thẩm tra và phải gắn trách nhiệm vào đó".
ĐB Trịnh Thị Giới (Thanh Hóa) nói: "Tôi thống nhất với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH là phải quy định trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc tổ chức biên soạn nội dung sách giáo khoa, phải ghi trách nhiệm chứ nếu không thì cứ hòa cả làng thôi".
"Có một nghịch lý: tiến sĩ của ta không ít nhưng tiến sĩ nghiên cứu ở các trường thì thiếu mà tiến sĩ ở cơ quan quản lý cấp huyện trở lên thì nhiều. Rất nhiều chủ tịch tỉnh đi học tiến sĩ, vừa đi học vừa chỉ đạo thì làm gì có thời gian, cuối cùng cũng chỉ có cái mác thôi" – ĐB Lê Văn Cuông – Phó trưởng đoàn ĐB QH Thanh Hóa "Khi thẩm định thành lập trường là phải rõ ràng, phải có ý kiến của bộ chuyên ngành. Tiêu chuẩn thành lập cũng phải rất cụ thể, nếu quy định chung chung thế này thì ĐH còn mở ra như nấm. Tôi đồng ý với việc để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt việc thành lập mới trường ĐH" – ĐB Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế "Chúng ta tin Bộ trưởng thì nên giao thẩm quyền thành lập trường cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, tránh việc cái gì cũng phải đưa lên Thủ tướng. Số lượng các trường ĐH của ta vẫn chưa phải là nhiều nếu so với các nước" – ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) |
GS Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk): Toàn đại học dạy đại học! "Các tỉnh muốn mở ĐH thì tốt quá, nhưng học cái gì mới là quan trọng. Tôi được phản ánh, có em phải mất 40 triệu, có em mất 70 triệu mới xin được việc làm để rồi lương có 1,5 triệu đồng. Mở trường như hiện nay là quá tràn lan vì chưa đủ điều kiện. Vào học đại học là quan trọng, nhưng phải có đủ điều kiện, nếu không thà học ngoại ngữ còn hơn. Tôi mở danh sách giảng viên của một trường ĐH thấy năm sáu chục giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ. Nhưng được biết hiện chỉ có 1 phó giáo sư giảng dạy, không có tiến sĩ, không có thạc sĩ. Khi thành lập trường rồi, lãnh đạo trường này mời toàn những người có trình độ đại học về giảng dạy. Tôi nói chuyện này với Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, Bộ trưởng nói sẽ chỉ đạo cho người xuống thẩm tra. Tốt quá, tôi hỏi Bộ trưởng: thế Bộ trưởng có thẩm tra được hết các trường không, Bộ trưởng bảo không thể thẩm tra hết, bởi vì nhiều quá. Bộ trưởng nói với tôi công tác hậu kiểm như vậy là có vấn đề và sẽ phải tìm cách khắc phục". |