Tiêu thụ nông sản cần những “nhà” chuyên nghiệp (Bài 4)

Bài 4: Nhà khoa học đang đứng ở đâu?


Các bài đã đăng:

Bài 1: Những chuyện buồn trong chuỗi tiêu thụ

Bài 2: Giải pháp khắc phục 

Bài 3: Cửa có mở với nông sản Việt?


Biết chọn giống lúa nào?

Đó là câu hỏi của nhiều nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) khi vụ đông xuân đã cận kề. Ông Sáu Đức ở xã Lương Trà (Tri Tôn – An Giang) cho biết, gia đình có 700 công ruộng (1 công=1.000m2), năm 2008 trồng giống lúa IR 50404 (gọi tắt là 504) và thua đậm vì không bán được. Tới đây, ông sẽ chuyển sang sản xuất các giống lúa hạt dài, ngon cơm như OM 6561, IR 494 và mạnh dạn ký hợp đồng sản xuất 10ha lúa Nhật Bản cung cấp cho các doanh nghiệp. "Hiện, chỉ có khoảng 70% nông dân chủ động được giống, còn lại chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo tìm giống lúa mới", ông Đức cho hay.

Thực trạng lúa 504 khó tiêu thụ cho thấy, các nhà khoa học mới chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu, xác định đặc tính của giống mới mà chưa chú ý tới thị trường tiêu thụ, cũng như đưa ra cảnh báo kịp thời cho bà con. Chỉ khi việc đã rồi, họ mới bắt đầu lên tiếng. Mới đây, TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL đưa ra cảnh báo: "Nông dân đang có xu hướng tăng diện tích trồng lúa thơm nhưng các giống lúa này dễ bị nhiễm sâu bệnh. ở Thái Lan, người ta trồng được nhiều là do chỉ làm 1 vụ/năm, đảm bảo an toàn sinh học, tránh được dịch bệnh nối tiếp từ vụ này sang vụ khác. Trong khi ở ĐBSCL, vụ mùa diễn ra gần như liên tục, có nơi 2 năm bà con canh tác tới 7 vụ. Do vậy, muốn sản xuất lúa thơm hiệu quả và bền vững, nhất thiết phải quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh".

Một số ý kiến cho rằng, nước ta không thiếu các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, cũng không thiếu các nhà khoa học chuyên về lúa gạo nhưng bà con nông dân vẫn không có đủ giống tốt cho sản xuất, dẫn tới việc tiêu thụ nông sản bấp bênh, giảm khả năng cạnh tranh. Phần lớn giống lúa lai nông dân trồng hiện nay được nhập khẩu từ Trung Quốc. Hàng năm, nước ta nhập tới 75% lúa lai giống do khả năng tự sản xuất có hạn. Trong đó, riêng lúa lai F1 phải nhập tới 13.000 tấn/năm, chiếm 76% nhu cầu. "Không hiểu các nhà khoa học tính toán, kiểm nghiệm thế nào mà sản phẩm nông dân làm ra không bán được?" – một nông dân ở ĐBSCL than thở.

Mới đây, Bộ Công Thương đã xem xét khả năng dùng gạo 504 dư thừa ở ĐBSCL để sản xuất thức ăn chăn nuôi thay thế lượng nguyên liệu đang phải nhập khẩu. Nhưng vấn đề ở chỗ, nông dân nước ta chưa giàu tới mức dùng gạo để sản xuất thức ăn chăn nuôi, điều này đã phản ánh phần nào mặt yếu kém của công tác nghiên cứu khoa học.

GS. TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang nhận định, 504 là giống lúa thích nghi với mọi vùng sinh thái, dễ trồng và cho năng suất cao, lại không bị rầy nâu tấn công. Năm 2008, khi nông dân xuống giống, ngành nông nghiệp An Giang đã khuyến cáo, không nên vượt quá tỷ lệ 15 – 20% trên đồng ruộng, nhằm đảm bảo tính đa dạng sinh học, giảm áp lực bùng phát dịch hại, nhất là IR 504 không có khả năng và giá trị xuất khẩu cao. Thế nhưng nông dân vẫn bỏ qua khuyến cáo này và gieo trồng ồ ạt.

Liên kết giữa nhà khoa học và nông dân… chưa có

TS. Tạ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam nhận định: "Chương trình liên kết 4 nhà rất lỏng lẻo, mới dừng lại ở trách nhiệm chứ chưa quan tâm tới lợi ích. Chỉ có một số ít điển hình có đủ mặt 4 nhà hiện nay như Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, còn lại thực chất là liên kết "tay đôi": nhà nông – doanh nghiệp; nhà nông – Nhà nước. Liên kết nhà nông – nhà khoa học hiện chưa phát huy được tiềm năng và sức mạnh". Bên cạnh đó, lý luận về vai trò của 4 "nhà" cũng không rõ ràng. "Ai là người chủ trì trong mối liên kết này? Liên kết để giúp đỡ nông dân hay để cùng chia lợi nhuận, cùng chịu thiệt? Bản thân chúng tôi đang giúp đỡ theo kiểu bao cấp chứ chưa phải là đối tác cùng hưởng lợi ích với nông dân, do vậy, chưa thể khuyến khích được nhà khoa học đến với bà con", ông Sơn cho hay.

Đa phần nông dân vẫn sản xuất và tiêu thụ nông sản theo tập quán lâu đời, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất chưa phổ biến. Bản thân họ chưa nghĩ đến nhu cầu tư vấn của nhà khoa học. Đây chính là nguyên nhân nội tại làm hạn chế sự phát triển của sản xuất nông nghiệp nước ta.

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân khiến liên kết trên kém mặn mà là do tâm lý bị động, theo phong trào của bà con. Đa phần nông dân vẫn sản xuất và tiêu thụ nông sản theo tập quán lâu đời, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất chưa phổ biến. Bản thân họ chưa nghĩ đến nhu cầu tư vấn của nhà khoa học. Đây chính là nguyên nhân nội tại làm hạn chế sự phát triển của sản xuất nông nghiệp nước ta. Ông Lã Văn Lý, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác xã và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho rằng, nhà khoa học giữ vai trò rất quan trọng trong quá trình sản xuất, tiêu thụ nông sản và liên kết với nông dân nhưng việc thiếu một cơ chế rõ ràng khiến vai trò đó không được đề cao. Không ít trường hợp các nhà khoa học đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm, làm lợi hàng chục tỷ đồng… nhưng phần được hưởng hầu như không đáng kể.

Liên kết nhà khoa học – nhà nông trong tiêu thụ nông sản rất khó và chưa có cơ chế, nhưng không phải là không làm được. Điển hình là việc sản xuất thanh long sạch theo tiêu chuẩn EurepGap của HTX Thanh long Hàm Minh (Bình Thuận) hay nho Ba Mọi của ông Nguyễn Văn Mọi ở xã Phước Thuận (Ninh Phước – Ninh Thuận). Họ đã chủ động liên kết với các nhà khoa học, kỹ sư nông nghiệp để triển khai quy trình sản xuất an toàn (chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học, phân bón vi sinh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật an toàn…) nên việc tiêu thụ rất dễ dàng, sản phẩm đạt giá trị kinh tế cao.

Nhà khoa học phải làm gì?

Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam), nhà khoa học không nên bó hẹp hoạt động trong phòng nghiên cứu mà phải năng động, chuyên nghiệp trong việc bắt tay với nhà nông để hỗ trợ họ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản nông sản; cần có tiếng nói tích cực để tham mưu cho các nhà quản lý nhằm có những dự báo, tính toán, quy hoạch cụ thể và chủ động trong chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ.

Mới đây, chương trình "Cùng nông dân ra đồng" của các nhà khoa học thuộc Viện Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang thực hiện ở ấp 4, xã Mỹ Phú (Thủ Thừa – Long An) đã giúp bà con gặt hái được nhiều thành công trong việc đẩy lùi bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa. Thành công của mô hình đã lan rộng ra nhiều địa phương ở ĐBSCL như Bến Tre, Trà Vinh, An Giang… Hiện, các kỹ sư nông nghiệp, nhà khoa học đã triển khai mô hình trên 1.000 điểm trình diễn cùng sự tham gia của 15.000 nông dân. "Với phương châm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, chúng tôi đã góp phần giúp nông dân giải quyết khó khăn trong sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản, giảm chi phí đầu vào, hoàn thiện quy trình sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường. Các nhà khoa học đã trở thành cầu nối giữa bà con với khoa học kỹ thuật, giúp nông dân nâng cao trình độ để tự quản lý đồng ruộng… Bên cạnh đó, bản thân chúng tôi cũng thu được nhiều lợi ích bởi nghiên cứu của mình được ứng dụng vào sản xuất một cách thiết thực", TS. Nguyễn Như Cường, cán bộ của Viện Bảo vệ thực vật tâm sự.

Rõ ràng, liên kết giữa nhà khoa học – nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản có lợi cho cả hai. Vấn đề là, cần thêm sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước để tập hợp lực lượng và đưa ra những giải pháp khoa học công nghệ, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà khoa học hỗ trợ nông dân hiệu quả. Muốn thế, Nhà nước cần nghiên cứu, rà soát và xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi để thúc đẩy công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng thành tựu nghiên cứu khoa học; cải tiến công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học; hỗ trợ chuyển giao theo chiều dọc (công nghệ đi từ cơ quan, tổ chức khoa học đến người sản xuất) và chiều ngang (quảng bá công nghệ giữa những người sản xuất)…

Bài cuối: Kinh nghiệm của thế giới