TTH – Đó là một sự đổi mới mạnh mẽ từ Ban giám hiệu đến các giảng viên, cán bộ tại Trường đại học Nông Lâm Huế, đổi mới từ chương trình đào tạo đến thực hành, thực tế cho sinh viên với một thái độ chủ động. Quyết tâm đổi mới ấy mang lại hiệu quả cụ thể: từ chỗ tuyển không đủ chỉ tiêu trong những năm trước, những năm gần đây, trường này không những tuyển đủ mà còn vượt chỉ tiêu; hơn 80% sinh viên ra trường có việc làm, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
PGS.TS Lê Văn An – Hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm Huế
Đổi mới đầu tiên chính là cải tiến chương trình đào tạo xuất phát từ nhu cầu của xã hội để sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu thị trường lao động hiện nay. “Khác với trước đây, nhà trường trang bị kiến thức cho người học thông qua kiến thức sẵn có của người thầy thì hiện nay, nhà trường trang bị cho người học năng lực để đáp ứng được nhu cầu xã hội, của doanh nghiệp và sản xuất. Điều đó gắn liền sự liên kết giữa nhà trường và xã hội, làm cơ sở cho việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, PGS.TS.Lê Văn An, Hiệu trưởng nhà trường cho hay.
Khóa đào tạo hướng dẫn tìm ý tưởng kinh doanh cho sinh viên
Việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp là một yêu cầu rất lớn hiện nay của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Vì vậy, trường luôn coi trọng và hướng đến mục tiêu phải tạo cơ hội cho sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Thực tiễn cho thấy, ngay từ khi đang học ở trường đại học, nếu sinh viên có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc các tập đoàn, doanh nghiệp, các công ty và các đơn vị sử dụng lao động thì sẽ có động lực học tập, rèn luyện tốt hơn. Với suy nghĩ đó, từ năm 2014 đến nay, năm nào Trường đại học Nông Lâm Huế cũng phối hợp với các doanh nghiệp, công ty, tổ chức Ngày hội việc làm cho sinh viên, thu hút sự hưởng ứng của hơn 50 tập đoàn, công ty, doanh nghiệp với 1.000 chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là một nỗ lực kết nối rất lớn và bước đầu chứng tỏ các doanh nghiệp có sự đánh giá tốt về chất lượng đào tạo của trường. Thông qua ngày hội việc làm, không chỉ hàng trăm sinh viên có cơ hội tìm việc làm phù hợp cho mình mà điều quan trọng là qua ngày hội việc làm này, sinh viên có dịp trao đổi với các nhà lãnh đạo, quản lý ở các doanh nghiệp để hiểu nhu cầu của họ, được tham gia tập huấn khởi nghiệp từ nông nghiệp.
Phỏng vấn tuyển dụng ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường
Không dừng lại, hiện trường này đang có kế hoạch thực hiện chương trình lấy ý kiến doanh nghiệp để có sự thay đổi trong chương trình đào tạo phù hợp. Điều này cũng có nghĩa là chuyển từ đào tạo thụ động sang đào tạo tích cực để sinh viên ra trường có kinh nghiệm, đáp ứng ngay yêu cầu mà không phải đào tạo lại. Trong số 30 chương trình đào tạo của trường, đã có 5 chương trình lấy ý kiến của doanh nghiệp, 25 chương trình còn lại đang có kế hoạch lấy ý kiến.
Hợp tác doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Ban lãnh đạo nhà trường cho hay, phần lớn sinh viên nông lâm đến từ miền Trung và là con em nông dân nên có ưu điểm chăm chỉ không ngại khó, nhưng nhược điểm lại là sự năng động, chủ động còn hạn chế. Một số vấn đề kỹ năng như giao tiếp, diễn giải, ngoại ngữ,… còn chưa tốt. “Những điểm đó trường đang khắc phục dần bằng cách đưa vào nội dung chuyên môn, chú trọng thái độ của người học bởi cũng như các ngành nghề khác, người làm nông nghiệp làm việc phải có trách nhiệm, làm việc hết sức mình”, PGS. Lê Văn An chia sẻ.
Những suy nghĩ tích cực, những việc làm cụ thể, có trách nhiệm với sinh viên và thái độ cầu thị, vì sự phát triển của nhà trường và tương lai sinh viên cùng nhiều đổi mới tích cực sắp tới tại trường này chính là cơ sở để nhà trường ngày càng thu hút người học, định hình cho mình một chỗ đứng vững chắc trong xã hội.
Ảnh : Ngọc Hà, Tân LIC