Trong buổi triển lãm ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa trong hoạt động sản xuất kinh doanh HTX tại trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH) có nhiều sản phẩm thu hút được sự quan tâm của người tham quan, đặc biệt có 02 sản phẩm đến từ sinh viên ngành Kỹ thuật cơ điện tử – Khoa Cơ khí công nghệ.
Với những băng khoăn về thực hiện cơ giới hoá trong lĩnh vực Nông Lâm nghiệp, giảm bớt sức lao động của người nông dân, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế; Các bạn sinh viên đã vận dụng sức sáng tạo của bản thân bên cạnh đó là sự dìu dắt, hướng dẫn của các thầy cô để chế tạo ra những sản phẩm của riêng mình phục vụ cho ngành Nông nghiệp.
- Xe phun thuốc bảo vệ thực vật cho ruộng lúa – điều khiển từ xa với năng suất 3 ha/h
Đây là sản phầm từ đề tài khóa luận tốt nghiệp của sinh viên Nguyễn Văn Đức – Ngành Kỹ thuật Cơ điện tử – K50 dưới sự hướng dẫn của NGƯT.TS Đinh Vương Hùng. Sau gần 5 tháng miệt mài nghiên cứu và chế tạo, máy phun thuốc bảo vệ thực vật cho ruộng lúa đã được thiết kế và chế tạo thành công. Máy được điều khiển từ xa qua hệ thống điều khiển bằng sóng RF với khoảng cách điều khiển lý tưởng lên đến 2000m. Máy được vận hành bằng hệ thống thủy lực và động cơ chính là động cơ xăng 7 hp. Hệ thống phun thuốc sử dụng các béc phun chuyên dụng với hệ thống bơm pittông tạo áo suất cao cho hệ thống phun.
2. Máy đóng bầu ươm cây keo tự động năng suất 500 bầu/h
Hiện nay, các bầu đất dùng để ươm cây thường được đóng bằng phương pháp thủ công nên tốn nhiều công sức, năng suất thấp và không đảm bảo tính đồng bộ về hình dáng, khối lượng và thẩm mĩ của bầu ươm. Từ thực tế đó, việc thiết kế chế tạo ra máy đóng bầu ươm cây tự động được hình thành nhằm tăng năng suất sản phẩm, giảm chi phí nhân công được đặt ra nhằm kiểm soát và chủ động chất lượng đầu ra. Sau thời gian khoảng 4 tháng từ khi hình thành ý tưởng, máy đóng bầu ươm cây keo tự động năng suất 500 bầu/h đã được sinh viên Võ Văn Thông và Nguyễn Tiến Sĩ chế tạo thành công dưới sự hướng dẫn của TS. Khương Anh Sơn. Máy có khả năng làm việc hoàn toàn tự động từ khâu lấy túi bầu, định lượng giá thể, nén ruột bầu cho đến khâu gieo hạt.
Trên đây 2 trong số nhiều đề tài nghiên cứu mà sinh viên cũng như giảng viên ngành Kỹ thuật cơ điện tử đã, đang và sắp thực hiện.
Vậy ngành Kỹ thuật cơ điện tử là gì?
Ngành Kỹ thuật cơ điện tử là sự kết hợp của kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện tử và kỹ thuật máy tính; nhằm mục đích phát triển tối đa tư duy hệ thống trong việc thiết kế và phát triển, tạo ra những sản phẩm mới có những tính năng vượt trội. Robot chính là một sản phẩm tiêu biểu của ngành Kỹ thuật cơ điện tử.
Ngành Kỹ thuật cơ điện tử cho ra đời những sản phẩm thông minh ứng dụng công nghệ cao, không những sử dụng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp mà còn phát triển mạnh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Giúp tăng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, giảm thiểu lao động thủ công, giảm giá thành sản phẩm và giảm ô nhiễm môi trường.
Thông tin tuyển sinh ngành Kỹ thuật Cơ điện tử – Khoa Cơ khí và Công nghệ – Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế năm 2021.