Trong số hơn 1,6 triệu sinh viên hiện nay, sinh viên các ngành nông nghiệp chiếm 3,32%, lâm nghiệp là 1,13% và ngư nghiệp chỉ chiếm 0,31%, tức chỉ có 4,76% sinh viên học các ngành nông – lâm – ngư nghiệp tại các trường Đại học, Cao đẳng. Thứ trưởng thường trực Bộ Giáo dục & Đào tạo Bành Tiến Long cho biết số liệu trên tại hội thảo quốc gia đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội đối với các ngành chế biến nông – lâm – thủy sản do hai bộ Giáo dục & Đào tạo và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức sáng 5-11.
Số sinh viên này theo học tại 28 trường Đại học, Cao đẳng khối nông – lâm – ngư và còn có 55 trường Đại học, Cao đẳng khác có đào tạo ngành nghề liên quan đến chế biến nông – lâm – thủy sản. Đối với đào tạo ở trình độ trung cấp chuyên nghiệp, tỉ lệ HS học các ngành nông – lâm – ngư nghiệp còn thấp hơn nữa, chỉ đạt 4%. Theo đánh giá của Bộ Giáo dục & Đào tạo, so với nhu cầu nhân lực đào tạo của các ngành nông – lâm – ngư nghiệp, những con số này là một tỉ lệ thấp.
Ngoài ra, số liệu cũng cho biết thêm trong số hơn 30 triệu lao động lĩnh vực nông nghiệp mới chỉ có 17% được đào tạo (chủ yếu thông qua các lớp tập huấn khuyến nông sơ sài). Còn trong số hơn 16,5 triệu thanh niên nông thôn, chỉ có 12% tốt nghiệp THPT, 3,11% có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ trung cấp trở lên. Con số này thấp hơn bốn lần so với thanh niên đô thị.
"Để đáp ứng các mục tiêu đào tạo nhân lực, phát triển nông nghiệp và nông thôn thì cần phải quy hoạch hợp lý hệ thống các trường Đại học, Cao đẳng, các viện nghiên cứu đủ mạnh, đủ khả năng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, cung ứng nhân lực trình độ cao, có khả năng dẫn dắt nông – lâm – ngư nghiệp theo hướng hàng hóa, công nghệ cao". Đó là đánh giá chung của hai bộ Giáo dục & Đào tạo, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cũng như đại diện các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp tham gia hội thảo.
Thứ trưởng Bành Tiến Long khẳng định: "Các chương trình đào tạo khối ngành nông – lâm – ngư nghiệp cần phải đánh giá, tham khảo các chương trình đào tạo của các nước có nền nông nghiệp tiên tiến, phát triển chương trình theo hướng hiện đại nhưng phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, thiết kế lại chương trình đào tạo với hình thức đào tạo theo tín chỉ, tăng số lượng các môn tự chọn".
Theo đó, để tăng cường thu hút sinh viên theo học các khối ngành nông – lâm – ngư nghiệp, phải có các hình thức hỗ trợ học phí cho sinh viên và chính sách phụ cấp lương cho đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật làm việc trực tiếp tại nông thôn. Đồng thời khuyến khích học sinh khu vực nông thôn, vùng cao, miền núi theo học các ngành học này.
Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng dự kiến sẽ yêu cầu các trường Đại học, Cao đẳng, trong đó có các trường khối nông – lâm – ngư nghiệp công bố chuẩn nghề nghiệp sinh viên cần phải đạt được sau khi tốt nghiệp ra trường ở mỗi trình độ, ngành đào tạo. Đồng thời hai bộ Giáo dục & Đào tạo và Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ phối hợp xây dựng một website cho các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chia sẻ, trao đổi thông tin về năng lực đào tạo của các trường, nhu cầu nhân lực, việc làm của doanh nghiệp…