Nông lâm nghiệp và thủy sản được định hướng là lĩnh vực đào tạo trọng điểm tại khu vực miền Trung

Phó Chủ tịch quốc hội Lê Minh Hoan (nguyên Bộ trưởng NN&PTNT) và Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Phương trong một chuyến thăm và làm việc với Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế
Phó Chủ tịch quốc hội Lê Minh Hoan (nguyên Bộ trưởng NN&PTNT) và Chủ tịch UBND thành phố Huế Nguyễn Văn Phương trong một chuyến thăm và làm việc với Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM
LẦN THỨ XII, NHIỆM KỲ 2025 – 2030

Ngày 27 tháng 02 năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 452/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch này, Đại học Quốc gia tại Huế, Đà Nẵng được xác định là một trong những cơ sở giáo dục đại học trọng điểm với quy mô đào tạo dự kiến từ 140.000 đến 150.000 người học. Đáng chú ý, lĩnh vực Nông lâm nghiệp và thủy sản được định hướng là một trong năm lĩnh vực đào tạo trọng điểm. Bên cạnh đó, danh mục các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư cũng đã được xác định, bao gồm việc đầu tư, nâng cấp phát triển Đại học Quốc gia tại Huế, Đà Nẵng. Trong bối cảnh này, trường Đại học Nông Lâm (ĐHNL), Đại học Huế (ĐHH) được xem là một cơ sở đào tạo chính, sở hữu nhiều tiềm năng và lợi thế để đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành.

Định hướng phát triển quy mô đào tạo và lĩnh vực trọng điểm của các đại học quốc gia, đại học vùng
Định hướng phát triển quy mô đào tạo và lĩnh vực trọng điểm của các đại học quốc gia, đại học vùng

Trường ĐHNL với sứ mạng là đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học – công nghệ tiên tiến, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn cho miền Trung, Tây Nguyên và cả nước theo hướng hội nhập và phát triển. Nhà trường có thế mạnh về đội ngũ nhân lực chất lượng cao với tỷ lệ Tiến sĩ/ tổng số giảng viên đạt 51% và tỷ lệ Giáo sư, Phó Giáo sư/ tổng số Tiến sĩ đạt 32%. Đây cũng là sự khẳng định, đảm bảo cho chất lượng đào tạo cũng như nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của nhà trường. Ngoài ra, Nhà trường sở hữu hệ thống cơ sở vật chất nghiên cứu hiện đại, bao gồm các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu chuyên sâu và các trang trại thực nghiệm, giúp sinh viên và giảng viên ứng dụng lý thuyết vào thực hành một cách hiệu quả.

Công bố và trao Quyết định bổ nhiệm chức danh PGS
Công bố và trao Quyết định bổ nhiệm chức danh PGS

Về chất lượng đào tạo, trường ĐHNL là trường ĐH đào tạo lĩnh vực nông nghiệp đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học (2017) và đã hoàn thành đánh giá kiểm định chu kỳ thứ 2 (2023). Hiện nay, Nhà trường đang tổ chức quản lý đào tạo 19 ngành bậc đại học, 11 ngành bậc thạc sĩ và 9 ngành bậc tiến sĩ. Đây đều là những ngành đào tạo mà xã hội đang có nhu cầu rất lớn. Trong giai đoạn 2020 – 2025, mỗi năm, nhà trường hoàn thành đào tạo và cung cấp cho xã hội hơn 1.000 nhân lực lao động trình độ cao từ bậc Đại học đến Tiến sĩ. Tuy nhiên, nguồn nhân lực này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, doanh nghiệp. Bên cạnh đó,

Mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo
Mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo

Hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) của nhà trường đã phát triển mạnh mẽ trên nhiều phương diện, thu được nhiều kết quả nổi bật. Trong giai đoạn 2020 – 2025, trung bình mỗi năm, nguồn thu từ KHCN đạt 13 tỷ đồng, từ chuyển giao công nghệ đạt 1,2 tỷ đồng, với hơn 6 sản phẩm được ứng dụng thực tiễn. Bên cạnh đó, hoạt động xuất bản và công bố khoa học là một điểm sáng, góp phần nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của nhà trường. Chỉ tính riêng trong năm 2024, cán bộ, giảng viên đã công bố hơn 250 bài báo khoa học, trong đó 118 bài được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín (WoS/Scopus). Tỷ lệ bài báo trên số giảng viên cơ hữu đạt gần 1,2 bài/giảng viên. Trong giai đoạn tới, thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cùng Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ, hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo của Nhà trường hứa hẹn sẽ tiếp tục có những bước tiến vượt bậc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tham quan gian hàng các sản phẩm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trường ĐHNL
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tham quan gian hàng các sản phẩm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trường ĐHNL

Với những lợi thế sẵn có cùng định hướng của Chính phủ về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, trường ĐHNL, ĐHH có cơ hội lớn để trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu hàng đầu góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành Nông lâm nghiệp và thủy sản trên cả nước. Nhằm tận dụng tối đa cơ hội này, Nhà trường đặt mục tiêu giai đoạn 2025 – 2030 là tái cấu trúc toàn diện, phát triển theo hướng tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học. Và hướng đến trở thành một cơ sở giáo dục có thương hiệu, uy tín cao trong lĩnh vực Nông lâm ngư nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế. Quy hoạch của Chính phủ không chỉ một lần nữa khẳng định vị thế của Nhà trường mà còn mở ra cơ hội để trường ĐHNL phát huy tối đa năng lực trong bối cảnh nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng. Đây là những cơ sở, tiền đề quan trọng để Nhà trường tiếp tục phát triển.