Kết quả một cuộc thí nghiệm đăng trên tờ Tạp chí Y học của Anh số ra mới đây cho thấy nọc ong có thể ngăn chặn và làm giảm quá trình phát triển của tế bào ung thư.
<!–
–>
Đây được cho là một phương pháp điều trị khả quan, đầy hứa hẹn trong tương lai đối với căn bệnh chết người này.
Các nhà khoa học đã cấy nọc độc của ong vào các phân tử trung gian rồi tiêm vào cơ thể của hai nhóm chuột thí nghiệm, trong đó một nhóm có tế bào ung thư da và nhóm còn lại có tế bào ung thư vú.
Các phân tử trung gian này, được đặt tên là "nanobee", tấn công và tiêu diệt các tế bào ung thư. Sau 4 – 5 lần tiêm, các khối u ung thư vú đã co lại 25% và ung thư da giảm 88%.
Kết quả thí nghiệm cho thấy "nanobee" cũng tỏ ra hiệu nghiệm với các tế bào tiền ung thư.
Các nhà khoa học cho biết nọc ong khi xâm nhập trực tiếp vào cơ thể theo cách thông thường sẽ tấn công và hủy diệt các tế bào hồng cầu. Tuy nhiên, khi được đưa vào cơ thể gián tiếp qua các phân tử trung gian, chúng vô hại đối với các tế bào máu cũng như các bộ phận khác.
Trên thực tế, "nanobee" đã được cấp phép cho một vài ứng dụng trong ngành y. Các nhà khoa học dự tính sẽ đăng ký thử nghiệm phương pháp điều trị này trên cơ thể người bệnh trong năm tới.
Theo các nhà khoa học, có thể "nanobee" sẽ thay thế các phương pháp điều trị truyền thống đối với một số bệnh ung thư nhất định vì nó nhằm vào một số mục tiêu cụ thể. Chính vì vậy, phương pháp này ít gây tác dụng phụ hơn so với phương pháp hóa trị liệu hiện nay.