Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế gửi đến toàn thể sinh viên, CBVC&LĐ các thông tin về Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Đường dây nóng Ban chỉ đạo phòng dịch của trường khi có các vấn đề liên quan như sau:
- PGS.TS. Trần Thanh Đức – Phó Hiệu trưởng phụ trách: 0914.202.428
- TS. Nguyễn Tiến Long – Phó trưởng phòng phụ trách TCHC: 0914.415.198
- ThS. Trần Võ Văn May – Trưởng phòng CTSV: 0979.467.756
- ThS. Lê Chí Hùng Cường – Bí thư Đoàn TN: 0906.534.222
- ThS. Nguyễn Thanh Long – Trưởng phòng CSVC: 0914.114.861
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc. Đến nay dịch bệnh đã lây lan ra 21 Quốc gia, vùng lãnh thổ. Đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra cảnh báo dịch đã ở cấp độ rất cao tại Trung Quốc, là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Vì vậy, nhận biết sớm những biểu hiện bệnh cụ thể cùng các biện pháp phòng tránh là những điều cần làm ngay lúc này.
Tính đến 05/02/2020 số người mắc bệnh trên thế giới là: 23.858 trường hợp, 492 tử vong. Tại Việt Nam, số người mắc bệnh là 10 trường hợp. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế tính đến thời điểm 10 giờ 30 phút ngày 05/02/2020, chưa ghi nhận ca bệnh nào.
Tuy nhiên Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của nCoV là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A. Bệnh có biểu hiện giống cúm thông thường như: Chảy nước mũi, đau mỏi cơ khớp, sốt, ho, khó thở, có trường hợp nặng, có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp tính, suy đa tạng và dẫn đến tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch kèm theo sống hoặc đến vùng có người mắc bệnh do nCoV mới trong vòng 14 ngày trước khi có triệu chứng. Một số người nhiễm nCoV có thể có biểu hiện lâm sàng nhẹ không rõ triệu chứng nên gây khó khăn cho việc phát hiện.
Khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế về phòng chống virus Corona mới (30.01.2020). Theo đó người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh
– Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
– Người có các triệu chứng sốt, ho, khó thở không nên đi du lịch hoặc đến nơi tập trung đông người. Thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có các triệu chứng kể trên.
– Vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên dưới vòi nước chảy bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ít nhất 20 giây; súc miệng, họng bằng nước xúc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để phòng lây nhiễm bệnh.
– Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
– Đảm bảo an toàn thực phẩm, chỉ sử dụng các thực phẩm đã được nấu chín.
– Không đi du lịch đến các vùng có dịch bệnh. Hạn chế đi đến các nơi tập trung đông người. Trong trường hợp đi đến các nơi tập trung đông người cần thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân như sử dụng khẩu trang, rủa tay với xà phòng…
– Tránh mua bán, tiếp xúc với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.
– Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức khỏe bằng ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt hợp lý, luyện tập thể thao.
– Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.
– Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.
a) Những người từ Trung Quốc trở về
– Những người từ Trung Quốc trở về Việt Nam cần tự cách ly tại nhà và theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Cần khai báo với cơ quan y tế sở tại nơi gần nhất để được hỗ trợ khi cần thiết.
– Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thởphải đeo khẩu trang bảo vệ, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.
b) Những người đi đến Trung Quốc
– Nếu không có việc cần thiết hoặc công việc đột xuất, không nên đến Trung Quốc trong thời gian xảy ra dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới.
– Trường hợp bắt buộc, phải hạn chế ra khỏi nhà, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
– Nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở phải đeo khẩu trang, thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời. Gọi điện cho cơ sở y tế trước khi đến để thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ đúng.
2. Một số biện pháp để phòng, chống lây nhiễm 2019-nCoV cho giảng viên, sinh viên:
a) Đối với môi trường nhà trường, giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng học:
– Vệ sinh sạch sẽ các phòng học, giảng đường, phòng thí nghiệm. Luôn mở cửa cho thoáng.
– Lau sạch hành lang, bề mặt sàn bằng dung dịch khử khuẩn Javel 2% hoặc dung dịch Chloramin 1.5%.
– Có đủ các thùng thu gom rác theo quy định được bố trí nhiều nơi thuận tiện trong khuôn viên nhà trường và các hành lang, giảng đường.
– Phân công chuyên gia và nhân viên thu gom rác thải và xử lý đúng quy định.
b) Đối với cá nhân cán bộ, giảng viên và sinh viên:
– Không hoặc tránh (tốt nhất là tránh) tiếp xúc quá gần người đang bị sốt hay bị ho.
– Phải rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch; hoặc các loại nước rửa tay có chứa cồn (dung dịch khử khuẩn tay nhanh).
– Tránh chạm tay vào mắt, mũi hay miệng.
– Phải có khẩu trang và sử dụng khẩu trang ý tế đúng cách.
– Kho ho hay hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau khi sử dụng khăn giấy, vứt khăn giấy vào thùng rác. Rửa tay sạch ngay lập tức.
– Chỉ sử dụng các loại thực phẩm được nấu chín và đảm bảo an toàn thực phẩm.
– Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
– Tránh tiếp xúc quá gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã, dù là động vật sống, bị ốm hay đã chết./.