Ngành mới tuyển sinh 2020: Nông nghiệp công nghệ cao là gì ?

Tuyển sinh năm 2020, Đại học Huế mở ngành mới Nông nghiệp công nghệ cao, đây là ngành đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho xu hướng tất yếu nâng cao sức cạnh tranh cho sản xuất nông sản tại Việt Nam. Vậy nông nghiệp công nghệ cao là gì và nó ảnh hưởng như thế nào đến nền nông nghiệp nước ta?

Sinh viên tại vườn rau thủy canh
Sinh viên tại vườn rau thủy canh

Nông nghiệp công nghệ cao là gì?

Theo Wikipedia, nông nghiệp công nghệ cao là nền nông nghiệp được ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại mới nhằm tạo ra bước đột phá về năng suất, cải thiện chất lượng nông sản. Ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất nông nghiệp hiện đại sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững, bắt kịp xu thế, đáp ứng được nhu cầu về số lượng và chất lượng nông sản của người tiêu dùng.
Hiện nay, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phổ biến nhất: Cơ giới hóa các khâu từ nhân giống, chăm sóc, thu hoạch đến chế biến; Tự động hóa quy trình bằng máy móc, công nghệ thông tin; Đưa công nghệ sinh học vào sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao; Hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến hiệu quả kinh tế cao…

Vai trò của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tại Việt Nam, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế.   Nông nghiệp công nghệ cao nằm trong chiến lược phát triển khoa học công nghệ từ nay đến năm 2030, ứng dụng vào các lĩnh vực như công nghệ cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao. Những thành tựu từ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào trong sản xuất sẽ đóng góp lớn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu giảm thiểu những thiệt hại của thiên tai, sự phá hoại của dịch bệnh bằng những công trình nghiên cứu nguồn giống mới giúp tăng sức đề kháng của cây trồng, vật nuôi; giảm công sức lao động, tăng năng suất, quy mô so với hình thức sản xuất lạc hậu cũ nhờ sự cơ giới hóa, tự động hóa của máy móc; tăng giá trị kinh tế, giá trị sản phẩm, an toàn cho môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhiều đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp công nghệ cao đang có nhu cầu về nguồn nhận lực chất lượng cao. Trên cả nước, hiện đang có khoảng hơn 400 trung tâm, công ty, doanh nghiệp và đơn vi hoạt động liên quan đến lĩnh vực Nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, hàng năm có nhiều đơn vị được thành lập mới hoặc mở rộng quy mô hoạt động. Ngoài ra, nhiều tập đoàn, công ty ở các lĩnh vực công nghệ khác đã bắt đầu triển khai các dự án đầu tư có liên quan đến lĩnh vực này. Do đó, thị trường lao động của ngành Nông nghiệp công nghệ cao luôn tiềm năng và có tính cạnh tranh cao.

Ngành Nông nghiệp công nghệ cao

Ngành Nông nghiệp công nghệ cao là một trong 5 ngành thuộc khoa học Nông nghiệp (Nông nghiệp, Nông học, Bảo vệ thực vật, Khoa học cây trồng, Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan).

Học ngành Nông nghiệp công nghệ cao, sinh viên ra trường sẽ nhận được bằng kỹ sư và cũng có thể trở thành các nhà nghiên cứu, cán bộ giảng dạy, quản lý tại các cơ quan có liên quan đến Nông nghiệp công nghệ cao… làm việc trong các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao; các phòng thí nghiệm chuyên phân tích về các sản phẩm trong nông nghiệp; khởi nghiệp về các lĩnh vực sản xuất Nông nghiệp công nghệ cao; có khả năng làm việc trong các công ty sản xuất giống cây trồng dịch vụ khoa học nông nghiệp; kỹ sư điều hành sản xuất, quản lý và đảm bảo chất lượng nông sản tại các nhà máy…; các trung tâm kiểm nghiệm, cơ quan nghiên cứu về công nghệ sản xuất thực phẩm an toàn; làm việc ở các cơ quan quản lý có liên quan đến sinh học ứng dụng của các ngành (bộ, sở, phòng…); có thể nghiên cứu giảng dạy ở các viện, trường có liện quan đến Nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, rất nhiều cơ hội để sinh viên ra trường có thể tiếp tục học các chương trình sau đại học tại các nước tiên tiến Mỹ, Israel, các nước Châu Âu, Úc, Hàn Quốc, Canada.

Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế có đủ điều kiện để đào tạo kỹ sư ngành Nông nghiệp công nghệ cao dựa trên những tiềm lực về đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu.

Nhóm ngành Trồng trọt và Nông nghiệp công nghệ cao dự kiến xét tuyển 230 chỉ tiêu. Chi tiết xem tại Dự thảo đề án tuyển sinh hệ chính quy vào  Đại học Huế http://tuyensinh.hueuni.edu.vn/News/Detail/du-thao-de-an-tuyen-sinh-dai-hoc-he-chinh-quy-nam-2020-cua-dai-hoc-hue_20200103100352