Nguồn: http://rumenasia.org/vietnam/
DẪN NHẬP
Nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu của khoa Chăn nuôi – Thú y hướng theo chuẩn quốc tế là một thách đố lớn, nhưng đang được các thành viên của khoa mong đợi và hưởng ứng. Đây cũng là xứ mạng của khoa trong thời kỳ hội nhập để có đủ tầm, đáp ứng cho sản suất chăn nuôi không chỉ ở tỉnh Thừa Thiên Huế mà còn góp phần thiết thực cho phát triển kinh tế đối ngoại của Miền Trung, cửa gõ hành lang kinh tế phía Tây của nước ta với các nước Lào, Cam Pu Chia và các nước tiểu vùng sông Mê Kông khác.
Khoa Chăn nuôi – Thú y có truyền thống 40 năm xây dựng và phát triển và có số cán bộ khoa học với trình độ chuyên môn cao được đào tạo bài bản ở các nước công nghiệp phát triển, hiện đang công tác tại khoa. Hơn nữa các trang thiết bị hiện có về nghiên cứu Sinh học Phân tử và Công nghệ Sinh học được tài trợ bởi nhà nước trong 3 năm gần đây đã cho phép nâng cấp chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của khoa lên tầm cao mới. Câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để các trang thiết bị hiện đại và nguồn cán bộ giàu tiềm năng hiện có của khoa có thể đào tạo là sinh viên chất lượng cao và các sản phẩm nghiên cứu khoa học chất lượng và được sản suất ứng dụng? Khoa Chăn nuôi Thú y đang trăn trở với câu hỏi đầy thách đố này.
ĐỘNG LỰC ĐỔI MỚI
Sau khi vào WTO, Đảng và nhà nước Việt Nam bằng hành động khẳng định rằng giá trị của sự phát triển quốc gia là Đổi mới và Hội nhập. Đại học Huế trong chiến lược phát triển của mình đã khẳng định vai trò đào tạo và nghiên cứu khoa học chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội khu vực hành lang Phía Tây của đất nước là nhiệm vụ ưu tiên.
Trước mắt là cải tiến chương trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy, cơ sở hạ tầng cho đào tạo và nghiên cứu khoa học để nâng mặt bằng chung về trình độ của các bộ môn trong khoa ngang tầm quốc gia và hướng tới ngang tầm khu vực Asia.
Chúng tôi luôn nhận thức rằng không chỉ lấy số lượng các tiến sỹ hay thiết bị máy móc thí nghiệm hiện đại để đánh giá năng lực của đơn vị, mà còn phải lấy chất lượng sinh viên ra trường với chất lượng cao và các công trình khoa học được ứng dụng trong sản xuất làm thức đo giá trị và thương hiệu của đơn vị.
TRIẾT LÝ ĐÀO TẠO
Sản phẩm đào tạo là sản phẩm đặc biệt và thật khó cân đo đong đếm hết được giá trị thực của nó. Sản phẩm đào tạo cũng có thể làm giả, nhưng giá trị đích thực của nó thì không thể làm giả. Bác hồ đã dạy “Vì sự nghiệp mười năm trồng cây, vì sự nghiệp trăm năm trồng người” và Bác muốn nhắc nhở toàn dân phải coi trọng sản phẩm đặc biệt giáo dục và đào tạo. Vì vậy người kỹ sư chăn nuôi hay bác sỹ thú y ra trường được gọi là chất lượng cao, buộc phải thông qua quy trình 4 bước dưới đây.
– Được trang bị kiến thức đủ mạnh ở giảng đường, thỏa mãn được “tính cơ bản, tính hiện đại và tính bản địa” của ngành nghề. Bước này hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ của người Thầy và tiêu chí này luôn được khoa coi trọng trong bồi dưỡng cán bộ. Thật vậy tiền nhân Việt Nam đã truyền khẩu cho hậu duệ của các vị rằng “Thầy nào trò đó”.
– Được luyện kỹ năng phân tích trong phòng thí nghiệm có liên quan đến nghề nghiệp và cảm giác nghề nghiệp của sinh viên được hình thành và khơi nguồn ở giai đoạn này. Ở các nước tiên tiến như Mỹ, Úc và Hà Lan, người ta đặc biệt đầu tư vào bước then chốt này. Bước này lại là điểm yếu của chúng ta vì nhiều lý do, như thiếu đội ngũ giáo viên thực hành giỏi uyên thâm tay nghề phòng thí nghiệm, thiếu vật tư hóa chất phục vụ các thí nghiệm chuyên sâu như sinh học phân tử và nhất là thiếu kinh phí mua động vật thí nghiệm lớn như lợn trâu bò.
– Được thực hiện các thí nghiệm nhỏ ở trại nghiên cứu dưới sự cố vấn chuyên môn của giáo viên. Đây là bước hình thành và trải nghiệm kiến thức hàn lâm và kỹ năng nghề nghiệp thực thụ. Những nhân cách khác như “tư duy khoa học”, “tính trung thực” và “tư duy sáng tạo” trong đời sống và nghề nghiệp cũng được hình thành vững chắc trong bước đào tạo này. Thực tế, bước này cũng còn là điểm yếu của chúng ta, phần do cơ sở vật chất thiếu, phần do người Thầy trong thời buổi hiện đại thiếu thời gian, nên ít quan tâm đến khâu này và nhiều lý do khác.
– Được tham quan học hỏi field trip và tham gia phục vụ sản xuất implication như chống dịch, tiêm phòng và các hoạt động nghề nghiệp khác ở cơ sở sản xuất. Bước này là bước trải nghiệm và áp dụng kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp vào sản xuất, mà thiếu nó người kỹ sư hoặc bác sỹ thú y ra trường sẽ dễ bị lâm vào hội chứng “ăn ốc nói mò”. Bước này cũng còn yếu và cũng do vấn đề kinh phí đi lại tốn kém.
Muốn có chất lượng sinh viên cao thì phải đầu tư và nâng cấp chất lượng hoạt động của vào bốn địa bàn kể trên. Đầu tư thế nào thì cho kết quả như đã đầu tư. Nói khác đi, chất lượng đào tạo của sinh viên ngành Chăn nuôi – Thú y được đo bởi sự tôn trọng các bước đào tạo kể trên. Mỗi người, các cấp lãnh đạo ngành Chăn nuôi Thú y cần suy ngẫm triết lý trên để có được định hướng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của đơn vị mình. Tránh vội và nâng cao chất lượng theo phong trào là cách phát triển bền vững và giữ được thương hiệu lâu bền của đơn vị.
Đối với giáo viên, thì nhiệm vụ giảng dạy được coi là nhiệm vụ chính. Muốn dạy giỏi và trở thành chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn hẹp do mình đảm trách thì cán bộ giảng dạy còn có nhiệm vụ thứ hai là nghiên cứu khoa học. Đối với những cơ sở đào tạo đại học ở các nước công nghiệp phát triển thì một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá tầm và thương hiệu của họ lại là số nghiên cứu sinh, nhất là nghiên cứu sinh quốc tế có mặt thường xuyên trong các bộ môn. Như vậy đối với mô hình đặc biệt cán bộ giảng dạy lecturer thì nghiên cứu chính là cơ hội để nâng tầm chuyên môn sâu cho cán bộ. Nói cách khác nghiên cứu là nhiệm vụ cấu thành trong giảng dạy. Thật vậy, nhờ các hướng nghiên cứu mạnh chuyên sâu hiện nay mà nhiều môn học và ngành học mới ra đời ví dụ công nghệ nano, công nghệ tế bào.
Tầm của một bài báo khoa học trong thời kỳ hội nhập phải được đăng ở các tạp chí nước ngoài. Vì ban biên tập của các tờ báo này là các nhà khoa khọc lừng danh nên họ chính là trọng tài khoa học giỏi, trung thực. Vì vậy chúng tôi cho rằng việc nâng cao hàm lượng trí tuệ trong các sản phẩm nghiên cứu là việc cần được quan tâm đặc biệt. Đây cũng là điểm mạnh tiềm năng của các cán bộ trong khoa. Thật vậy, khoa đã có những thành viên tham gia biên tập cho một số tờ báo quốc tế.
Các nhà quản lý có tâm lý nóng ruột khi các sản phẩm khoa học của ta còn chưa được ứng dụng trong sản xuất, điều đó đáng được các cán bộ nghiên cứu suy ngẫm. Chúng tôi cho rằng để phát triển khoa học cũng phải có lộ trình, mà lộ trình đó cần có thời gian cần và đủ, để độ chín về trình độ chuyên môn được thăng hoa. Hiện nay các nghiên cứu khoa học của ta chủ yếu là tạo cơ hội cho cán bộ nâng cao năng lực và tiếp cận, còn để có sản phẩm khoa học như mong đợi, thì việc định hướng, tập trung đầu tư và chế tài cho nghiên cứu cần được chú trọng. Thật vậy, không thể có sản phẩm công nghệ khi mà đầu tư cho một nghiên cứu với ý nghĩa là hỗ trợ nghiên cứu.
Nguồn kinh phí cho nghiên cứu của ta cần cải tiến từ chính phủ cung cấp sang dạng đặt hàng của các công ty hay cơ sở sản suất, để giải quyết các vấn đề trong sản xuất của họ đặt ra. Hợp đồng nghiên cứu công nghệ với mức đầu tư lớn nên đặt dưới sự kiểm soát của luật pháp và trọng tài kinh tế. Làm được như vậy chắc sẽ hạn chế được những cán bộ không có nhu cầu nghiên cứu thực thụ, lại muốn nhận tham gia hay chủ trì các đề tài nghiên cứu tầm cỡ.
TẦM NHÌN 2020
Sản suất chăn nuôi sẽ có sự chuyển dịch cả về quy mô và phương thức sản suất do những sự thay đổi chính sau:
– Giá dầu mỏ và các năng lượng hóa thạch khác sẽ tăng cao vì trữ lượng dầu mỏ của thế giới sẽ cạn kiệt trong 50 năm nữa. Vì vậy giá phân bón và nông dược sẽ tăng giá rất cao và hoàn toàn phụ thuộc vào giá dầu mỏ.
– Giá lương thực thực phẩm và thức ăn chăn nuôi tăng cao còn do xu thế thế giới sử dụng ethanol chế từ ngũ cốc (ngô) pha vào xăng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Giá ngũ cốc hay giá năng lượng sinh học biomass energy sẽ tăng rất cao cho tới khi ngang với mặt bằng giá thế giới.
– Dịch bệnh nhất là các bệnh truyền lây từ gia súc sang người như bệnh cúm gà type A (H5N1) bird flue, bệnh bò điên mad cow disease và nhiều bệnh nguy hiểm khác có nguy cơ bùng phát với diễn biến phức tạp không thể lường trước được. Điều này buộc nhà nước phải có quy hoạch nuôi gia súc gia cầm tập trung ở những vùng mật độ dân cư thưa để kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho dân chúng.
– Hội nhập WTO đồng nghĩa với các công ty chăn nuôi nước ngoài sẽ được vào làm ăn và đầu tư chăn nuôi công nghiệp bình đẳng như những công ty khác trong nước và chăn nuôi tập trung quy mô lớn sẽ là xu thế tất yếu.
– Khí hậu thời tiết trong nhiều năm tới còn biến động do ảnh hưởng của hiệu ứng trái đất nóng lên globle warming và hậu quả là thiên tai như hạn hán hoặc bão lụt sẽ xuất hiện với tần suất và cường độ khó lường, làm cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi thêm bội phần khó khăn và là yếu tố tăng giá hàng nông sản bất thường.
Câu hỏi đặt ra là giá lương thực thực phẩm đang và sẽ tăng cho tới khi nào ngang với mặt bằng giá quốc tế mới dừng, thì đối sách trong nghiên cứu và phát triển nông nghiệp sẽ như thế nào? Trong hoàn cảnh phần lớn các nông hộ chăn nuôi của ta là còn nhỏ lẻ và trình độ chăn nuôi thấp, thì làm thế nào hạn chế được ảnh hưởng của toàn cầu hóa đến đời sống của nông dân nghèo? Chúng tôi cho rằng đối với nông nghiệp cơ hội nhiều hơn thách thức, nhất là cơ hội cho nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong chăn nuôi trong tương lai. Giá lương thực và thực phẩm tăng và lao động rẻ là cơ hội cho bất cứ ngành nghề nào trong nông nghiệp đang muốn phát triển.
Khi cuộc khủng khoảng nguồn cung cấp năng lượng hóa thạch và dầu mỏ đạt đến đỉnh cao trong 10 năm tới, thì Thế giới thứ 3 hay các nước đang phát triển developing countries sẽ có cơ hội phát triển hơn các nước Âu Mỹ. Vì sao vậy? Vì lúc đó nước nào giàu ánh nắng mặt trời, số gờ nắng trong năm nhiều sẽ ít bị ảnh hưởng của khủng khoảng năng lượng hóa thạch. Sử dụng năng lượng mặt trời trong nông nghiệp để sản xuất biomass là yếu tố bền vững, nhà nông ít bị ảnh hưởng nhất bởi toàn cầu hóa. Các nước đang phát triển đều nằm gần xích đạo, trước đây và hiện nay còn nghèo, nhưng sẽ giàu khi nguồn năng lượng hóa thạch dầu mỏ cạn kiệt.
Những năm tới đối với chăn nuôi và ngành nông nghiệp ở nước ta vẫn cần phải có hai cách tiếp cận độc lập đó là:
– Tiếp cận với công nghệ tiến tiến của các nước để phát triển chăn nuôi hàng hóa với ý nghĩa là nâng cao chất lượng sản phẩm theo chuẩn thương mại quốc tế và thực phẩm sạch (food safety) để tăng giá bán nông sản. Nói theo ngôn ngữ kinh tế là hàng hóa đủ sức cạnh tranh quốc tế. Xu hướng này đang được nhà nước ưu tiên và đầu tư lớn. Điều này giải thích tại sao các nhà quản lý đang nóng lòng chờ đợi các sản phẩm nghiên cứu khoa học của các trường viện đủ tầm để đăng ký bản quyền và thương mại hóa. Hiện nay đây được coi là điểm yếu, nếu không nói là tụt hậu của chúng ta vì làm theo cách tiếp cận này cần có đầu tư lớn, liên tục và tập trung.
– Tiếp cận phát triển chăn nuôi bền vững với ý nghĩa tận dụng tài nguyên lao động và nguyên liệu bản địa để phát triển chăn nuôi và coi chăn nuôi như một công cụ để xóa nghèo (food securety). Khía cạnh này là thế mạnh của khoa vì trong những năm qua nhờ hợp tác nghiên cứu với Thụy Điển và nhiều nước khác chúng ta đã có kinh nghiệm.
Điểm mạnh trong nghiên cứu phát triển bền vững của khoa sẽ tiếp tục phát huy và điểm yếu trong tiếp cận với tiêu chí chất lượng và thực phẩm sạch đang là thách đố và sẽ được khoa tập trung tài lực nghiên cứu phục vụ hội nhập.
MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG NGHIÊN CỨU MỚI TỚI NĂM 2020
Tiêu đề bài viết này đã nói lên chủ đề đang được quan tâm đó là: nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học phục vụ hội nhập, nên những khía cạnh liên quan đến tiêu chí chất lượng sinh viên ra trường và chất lượng nông sản và an toàn thực phẩm food quality and safety được nhấn mạnh.
– Đào tạo chất lượng cao advance training được tập trung ưu tiên dựa vào tiềm năng cán bộ được đào tạo bài bản ở các nước công nghiệp hiện đại và thiết bị nghiên cứu Sinh học Phân tử và Công nghệ Sinh học hiện có của khoa. Vấn đề quan yếu nhất là cần đầu tư xây dựng trại trường (địa bàn 3) đạt mức chuẩn quốc gia để nó là cầu nối quan trọng cho chuyển giao kỹ thuật công nghệ vào sản xuất. Nếu không có trại tốt thật khó có được sản phẩm sinh viên ra trường đạt chất lượng cao. Vì chất lượng sinh viên không chỉ thể hiện bởi kiến thức hàn lâm mà còn là kỹ năng nghề nghiệp như đã trình bày ở phần triết lý đào tạo.
– Nâng cao hàm lượng trí tuệ trong các nghiên cứu khoa học chuyên ngành sẽ được đặc biệt quan tâm trong thời gian tới. Muốn vậy ngoài yếu tố con người là thầy giỏi, còn cần đến thiết bị nghiên cứu chuyên sâu như các công cụ nghiên cứu sinh học phân tử và công nghệ sinh học đủ mạnh. Hai yếu tố chính trên là điều kiện cần và đủ để các đấu thầu nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế thắng lợi. Người ta thường thêm yếu tố thứ 3 là kinh phí cho nghiên cứu nữa, nhưng chúng tôi lại cho rằng thầy giỏi là đủ, vì thầy giỏi sẽ biết tìm nguồn tài chính phục vụ nghiên cứu. Kinh nghiệm ở các nước phát triển đã cho thấy: tiễn sỹ giỏi đồng nghĩa với giỏi tìm nguồn tài chính phục vụ cho nghiên cứu của đơn vị.
Một số định hướng nghiên cứu mới từ nay đến 2020 của khoa Chăn nuôi thú y, Đại học Nông lâm Huế được tập trung vào hai chủ đề chính dưới đây.
Nghiên cứu nâng cao chất lượng thịt phục vụ tiêu dùng cao cấp và xuất khẩu dựa vào dụng công cụ genomics và proteomics
– Bước 1: Xác định tiềm năng các gene quy định tính trạng chất lượng của tập đoàn gia súc nền bản địa như bò vàng, heo móng cái, gà ri và các giống vật nuôi khác, để từ đó có kế hoạch nuôi thuần hay lai tạo. Thật vậy nếu chúng ta không biết tiềm năng di truyền tính trạng chất lượng thịt của các giống vật nuôi bản địa của ta, thì con đường nghiên cứu truyền thống như hiện này sẽ khó giải quyết được tiêu chí chất lượng thịt đạt chuẩn chất lượng nhanh. Đi tắt đón đầu trong nghiên cứu chính là triết lý nghiên cứu đủ mạnh để định hướng nghiên cứu. Do đó việc làm cần đi trước trong nghiên cứu là thẩm định chất lượng giống bằng phương pháp mới phi truyền thống, công cụ genomics và proteomics. Xét theo khía cạnh thẩm định giá trị giống thì đây là chủ đề khoa học còn bị lãng quên hiện nay ở nước ta. Công cụ genomics và proteomics sẽ là công cụ căn bản cho hướng đi này.
– Bước 2: Dự báo nhanh việc thể hiện hiệu ứng tương tác của các gene kiểm soát chất lượng thịt ở các điều kiện nuôi dưỡng khác nhau bằng phương pháp proteomics. Đây cũng là phương pháp mới, phi truyền thống vì nó ra đời nhờ sự phát triển nhanh của các kỹ thuật phân tích protein hiện đại.
– Bước 3: Được coi là sự kết hợp hai yếu tố gene và môi trường trong việc tối ưu hóa tiềm năng di truyền các tính trạng chất lượng thịt để có sản phẩm thịt có chất lượng mong đợi. Thật vậy, khi có tiềm năng gene chất lượng thịt quý nào đó (ví dụ gene kiểm soát tính trạng thịt mềm tenderness) nhưng không có môi trường thích hợp (chủ yếu là dinh dưỡng) thì chưa chắc gene đó hoạt động. Hơn nữa thịt mềm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tuổi giết mổ, stress vận chuyển xuất hiện khi vận chuyển gia súc giết mổ, quy trình đông lạnh v.v. Nhưng nếu chúng ta cho rằng có quá nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thịt và không cần đến phương pháp nghiên cứu genomics và proteomics thì chúng ta mầy mò đến bao giờ mới có được chất lượng thịt mong đợi để xuất khẩu. Kinh nghiệm của các nước tiên tiến về làm chất lượng như Mỹ, Úc và các nước khác thì phương pháp mới, không truyền thống kể trên đã không chỉ ứng dụng trong nghiên cứu và đã áp dụng rộng rãi trong sản xuất của các công ty. Thật vậy, các công ty ngoại quốc đã sử dụng DNA marker với giá 60 USD/kit để đánh giá nhanh tính trạng chất lượng thịt của gia súc mà họ giống định mua hay đầu tư làm ăn với các nước.
Nâng cao năng lực nghiên cứu để kiểm soát các bệnh lây nhiễm từ vật nuôi sang người
Các bệnh lây nhiễm từ gia súc sang người đang là vấn đề rất lớn của không chỉ đối với nước ta mà còn là vấn đề mà nhân loại đang phải đối mặt. Thật vậy nếu bệnh dịch sảy ra, ví dụ như cúm gà type A sẽ có thể làm nhiều người chết và dẫn đến những rối loạn về kinh tế – xã hội. Trước những đỏi hỏi cấp thiết đó chúng tôi định hướng cho nghiên cứu về chủ đề này bao gồm các nội dung chính sau:
– Xây dựng chiến lược kiểm soát an toàn dịch bệnh, đóng góp cùng các cơ quan hữu quan nhà nước và địa phương để ngăn ngừa và giảm thiểu mức độ lan tràn của dịch bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ vật nuôi.
– Phối hợp với các tỉnh Miền Trung xây dựng bản đồ dịch tễ và phần mềm cảnh báo sự lây lan của bệnh dịch ở khu vực.
– Nâng cao năng lực chẩn đoán chuyên sâu trong phòng thí nghiệm để hỗ trợ các tỉnh nghèo phòng và xây dựng kế hoạch chủ động dẹp dịch.
– Định dạng và tinh chế kháng nguyên nhằm cung cấp những type kháng nguyên mới xuất hiện do đột biến cấu trúc của vi trùng vi rút, nhằm cung cấp ngân hàng kháng nguyên cho cơ quan sản suất vaccine sản suất
– Xây dựng mô hình thí điểm về an toàn dịch ở các địa phương có các cộng đồng dân cư nghèo
Hai định hướng mới trên cũng là chủ đề hội nhập trong nghiên cứu lâu dài của khoa. Các hướng nghiên cứu trước đây của khoa vẫn tiếp tục và hoàn thiện với quyết tâm có được nhiều sản phẩm công nghệ chất lượng phục vụ hội nhập.
Để thay cho lời kết của bài viết này chúng tôi giới thiệu phương châm hành động của khoa là “Chia sẻ thông tin, tương thích năng lực và hài hòa quyền lợi”. Phương châm này còn có thể hiểu là triết lý hành động của đơn vị nhằm khai thác tiềm năng con người và trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, hiện có của khoa, nhằm tạo ra động lực mới, phát triển khoa Chăn nuôi Thú y xứng với tầm vóc vĩ đại của công cuộc Đổi mới – Hội nhập mà Đảng và nhà nước ta đang tiến hành.