Làm gì để “hút” sinh viên học ngành nông nghiệp?

KTNT- Chất lượng nguồn nhân lực thấp đang là lực cản lớn trong quá trình phát triển của ngành nông nghiệp. Càng đáng báo động hơn là tỷ lệ sinh viên theo học ngành này có xu hướng giảm hằng năm. Làm gì để thu hút sinh viên theo học ngành nông nghiệp là vấn đề đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các trường đặt ra cho kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay.

Đỏ mắt tìm kỹ sư

Nhận xét về tỷ lệ sinh viên đăng ký theo học các ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, một chuyên gia cho biết, mặc dù nhu cầu lao động trong ngành chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông thôn, kinh doanh nông nghiệp, chế biến bảo quản nông sản… rất lớn nhưng đa phần thí sinh lại thờ ơ, không quan tâm. Nhiều ngành số người đăng ký rất ít như kinh doanh nông nghiệp, phát triển nông thôn và khuyến nông, cơ khí nông -lâm (Đại học Nông -Lâm TP. Hồ Chí Minh). Hầu như năm nào các ngành này cũng phải xét tuyển nguyện vọng 2 nhưng chỉ đáp ứng được 2/3 chỉ tiêu.

PGS.TS Trần Thị Thanh, Trưởng khoa Cơ khí công nghệ (Trường Đại học Nông – Lâm TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngành cơ khí chế biến nông sản – thực phẩm là một trong những ngành đào tạo truyền thống của trường, 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp đều có việc làm, vậy mà liên tục gặp khó về đầu vào.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhu cầu nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn là rất lớn, mỗi năm cả nước cần tới trên 1 triệu lao động, nhưng đội ngũ cán bộ làm nông nghiệp, nông thôn chỉ có khoảng 9% có trình độ đại học, cao đẳng; 39,4% trung cấp và 9,8% sơ cấp… Tính đến tháng 7/2008, cả nước có trên 1, 6 triệu sinh viên đại học, cao đẳng, trong đó sinh viên ngành nông nghiệp chỉ chiếm 3,32%, lâm nghiệp 1,13%, ngư nghiệp 0,31%.

Ngành nông nghiệp rất cần nhiều kỹ sư có trình độ cao để chuyển giao KHKT cho nông dân.

Hỗ trợ học phí?

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bành Tiến Long, nước ta có mạng lưới các trường

Tính đến hết tháng 8/2008, cả nước có 369 cơ sở giáo dục đại học, trong đó có 163 trường đại học, 206 trường cao đẳng, riêng khối nông – lâm – ngư có 28 trường, chiếm 7,5%; 55 trường đại học, cao đẳng có đào tạo ngành nghề liên quan đến chế biến nông, lâm, thủy sản, chiếm 14,9% tổng số trường trong toàn hệ thống.

đào tạo chuyên về lĩnh vực nông nghiệp tương đối lớn, trải dài từ Bắc vào Nam như Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Đại học Nông -Lâm (Đại học Thái Nguyên), Đại học Nông -Lâm Huế, Đại học Nông -Lâm TP. Hồ Chí Minh… Đó là chưa kể hệ thống các viện nghiên cứu khoa học với các ngành nghề đào tạo phong phú, đa dạng. Số lượng các trường phục vụ cho việc đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp rất lớn nhưng thí sinh lại không hào hứng với ngành này. Có rất nhiều nguyên nhân khiến sinh viên không quan tâm như ngành học không hấp dẫn, việc làm cũng như thu nhập không cao, việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, để giải quyết tình trạng này, Thứ trưởng Bành Tiến Long yêu cầu các chương trình đào tạo khối ngành nông – lâm – ngư nghiệp cần đánh giá, tham khảo chương trình đào tạo của các nước có nền nông nghiệp tiên tiến. Để tăng thêm tính hấp dẫn, thuyết phục trong các bài học, phải đào tạo theo hình thức tín chỉ, tăng số lượng các môn tự chọn. Ngoài ra, cần phải quy hoạch hệ thống các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu mạnh, có đủ khả năng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, ứng dụng nhân lực trình độ cao, tạo nền tảng để nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, công nghệ cao.

Có thể thu hút sinh viên theo học các khối ngành nông – lâm – ngư nghiệp bằng hình thức hỗ trợ học phí cho sinh viên và chính sách phụ cấp lương cho đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật làm việc trực tiếp tại nông thôn. Đồng thời khuyến khích học sinh khu vực nông thôn, miền núi theo học các ngành này. Đây là lực lượng được đánh giá có số lượng đăng ký theo học đông nhất và đang có xu thế tăng. Năm 2003 có 122.000 thí sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng thì có đến 62,7% thí sinh thuộc khu vực ưu tiên. Năm 2007, trong số 400.000 thí sinh trúng tuyển có 67,88% thí sinh thuộc khu vực ưu tiên.

Là nước nông nghiệp với nhiều lợi thế từ các sản phẩm nhiệt đới nhưng để biến tiềm năng đó thành hiện thực, làm động lực cho phát triển nền nông nghiệp hàng hóa lớn, sản phẩm có khả năng cạnh tranh thì việc đầu tư vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực là cần thiết. Trước mắt, một số ngành học thuộc khối nông nghiệp không hấp dẫn nhưng tương lai đây sẽ là nghề tạo ra cơ hội việc làm lớn nhất. Các bạn thí sinh trước khi lựa chọn ngành học nên cân nhắc, tính toán thật kỹ vấn đề này.

Thúy Nga