Khả năng ứng dụng cao ở các dự án khởi nghiệp từ nông nghiệp

    Sau gần 1 năm phát động vào sáng 30/3, trường Đại học Nông lâm (Đại học Huế) đã tổ chức chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp từ Nông nghiệp 2017”. Theo đánh giá chung từ Ban tổ chức, các dự án rất mới lạ và mang tính thực tế cao.

    Hiện nay, ở Việt Nam hay trên thế giới khởi nghiệp ở giới trẻ đã không còn là một vấn đề xa lạ, thế nhưng khởi nghiệp từ nông nghiệp lại rất mới mẻ và ít được quan tâm. Nắm bắt được điều này, trường Đại học Nông lâm Huế (Đại học Huế) đã tổ chức cuộc thi “Khởi nghiệp từ nông nghiệp năm 2017” nhằm mục tiêu phát huy tính sáng tạo, khơi dậy đam mê nghiên cứu khoa học, phong trào lập thân lập nghiệp của sinh viên; tạo điều kiện để các cá nhân, các nhóm sinh viên có điều kiện tiếp xúc, trải nghiệm cùng các chuyên gia, tổ chức về khởi nghiệp, sáng tạo khoa học kỹ thuật. Từ đó nhà trường sẽ phát hiện, bồi dưỡng những ý tưởng có tính khả thi cao, có khả năng ứng dụng trong cuộc sống, tạo cơ sở tìm kiếm các quỹ tài trợ phát triển các dự án cũng như tham gia các cuộc thi trong và ngoài nước.

    Qua nhiều vòng sơ loại, lọt vào chung kết cuộc thi “Khởi nghiệp từ Nông nghiệp 2017” là 7 dự án gồm: Thương mại hóa dầu đậu phộng; Sản xuất, phân phối bộ điều khiển nông nghiệp công nghệ cao; Sản xuất viên giá thể đất sét nung; Thức ăn đặc dụng cho thỏ trước và sau sinh sản; Nghiên cứu trồng nấm tràm; Hệ thống phun sương – phun tiêu độc khử trùng tự động; Nông nghiệp trực tuyến – Đa dạng hóa phương thức mua bán, tư vấn về nông nghiệp.

    Các nhóm tác giả thuyết trình dự án của mình trước hội đồng ban giám khảo
    Các nhóm tác giả thuyết trình dự án của mình trước hội đồng ban giám khảo

    Với lợi thế là các thành viên trong nhóm đều sinh ra và lớn lên ở vùng đất Hải Lăng, Quảng Trị nơi có nhiều hộ gia đình nuôi thỏ. Do hiểu được những khó khăn các hộ chăn nuôi gặp phải, với sản phẩm “Thức ăn đặc dụng cho thỏ trước và sau sinh sản”, em Lê Văn Cường, Trưởng nhóm chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất là chúng mình không có kinh phí nhiều để đi thực tế vùng xa để thực nghiệm. Vì mới là sinh viên năm thứ 2, kiến thức chuyên môn còn hạn hẹp nên sản phẩm đưa ra vẫn chưa thực sự được tốt nhất. Tuy nhiên cả nhóm vẫn cố gắng hết sức để hoàn thiện sản phẩm”.

    Về sản phẩm “Sản xuất, phân phối bộ điều khiển nông nghiệp công nghệ cao”, xuất phát từ nhu cầu cần thiết từ các trang trại mà các bạn trong nhóm đang làm việc và cũng là những người đam mê công nghệ đã tạo ra sản phẩm bộ điều khiển nông nghiệp công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu làm việc của bản thân.

    Sản phẩm viên giá thể đất sét nung đã được các bạn thử nghiệm trồng và cho ra sản phẩm
    Sản phẩm viên giá thể đất sét nung đã được các bạn thử nghiệm trồng và cho ra sản phẩm

    PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết: “Cả bảy dự án vào vòng chung kết năm nay có chất lượng rất tốt, khả năng áp dụng vào thực tế rất cao. Tuy mới tổ chức nhưng các dự án đã thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp và các nhà đầu tư về phong trào khởi nghiệp”.

    Chung cuộc, Ban giám khảo đã trao giải Nhất cho sản phẩm “Sản xuất, phân phối bộ điều khiển nông nghiệp công nghệ cao”; giải Nhì cho sản phẩm “Sản xuất viên giá thể đất sét nung” và giải Ba cho sản phẩm “Nông nghiệp trực tuyến – Đa dạng hóa phương thức mua bán, tư vấn về nông nghiệp”. Hai Giải khuyến khích là sản phẩm “Thương mại hóa dầu đậu phộng” và “Hệ thống phun sương, phun tiêu độc khử trùng tự động”.

    Ban tổ chức trao các giải Nhất cho nhóm tác giả dự án “Sản xuất, phân phối bộ điều khiển nông nghiệp công nghệ cao”
    Ban tổ chức trao các giải Nhất cho nhóm tác giả dự án “Sản xuất, phân phối bộ điều khiển nông nghiệp công nghệ cao”

    Sản phẩm hệ thống bộ điều khiển nông nghiệp công nghệ cao
    Sản phẩm hệ thống bộ điều khiển nông nghiệp công nghệ cao

    Nguồn: http://dantri.com.vn/khoa-hoc-cong-nghe/kha-nang-ung-dung-cao-o-cac-du-an-khoi-nghiep-tu-nong-nghiep-20170331063051282.htm