Trong 5 thế kỷ qua đã có hơn 800 loài động và thực vật hoang dã bị tuyệt chủng và gần 17.000 loài hiện đang đứng trước nguy cơ biến mất trên hành tinh Xanh.
Loài bướm Xanh cánh rộng quý hiếm đã bị tuyệt chủng hơn 30 năm trước được tái sinh ở Anh |
Các số liệu này được trích dẫn từ báo cáo của Hiệp hội quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) công bố ngày 2/7.
Trên cơ sở các dữ liệu công bố trong Sách Đỏ của IUCN năm 2008, hiệp hội dự báo về năm cột mốc 2010 và phác thảo mối liên quan giữa khủng hoảng tài chính với các lĩnh vực môi trường.
Ông Jean-Christophe Vie, tác giả bản báo cáo trên, nêu rõ họ "không muốn lựa chọn giữa tự nhiên và kinh tế, mà chỉ muốn đặt thiên nhiên vào đúng vị trí của nó khi phải đưa ra quyết định (về kinh tế)".
Phân tích chi tiết nêu rõ cộng đồng quốc tế sẽ thất bại trong việc đạt mục tiêu hỗ trợ đa dạng sinh học (duy trì sự đa dạng của các loài có sự sống) vào năm 2010 như chính phủ nhiều nước đã cam kết hồi năm 2002.
Với các số liệu cụ thể, báo cáo của IUCN cho biết có 869 loài động-thực vật hoang dã bị tuyệt chủng kể từ năm 1500, trong khi hơn 290 loài đang bị đe dọa nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Ít nhất 16.928 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, bao gồm gần 1/3 số động vật lưỡng cư, hơn 1/8 số loài chim và gần 1/4 số động vật có vú. So với số liệu của năm 2004, danh sách các loài động vật hoang dã bị tuyệt chủng rõ ràng đã dài thêm đáng kể, cụ thể là tăng thêm tới 85 loài.
Tuy nhiên, đây chưa phải là một danh sách hoàn chỉnh vì mới chỉ có 2,7% trong tổng số khoảng 1,8 triệu loài được IUCN nghiên cứu phân tích.
Theo các tác giả của báo cáo trên, số loài bị tuyệt chủng nêu trong Sách Đỏ của IUCN được xác định quá ít so với thực tế song nó cũng giúp cảnh báo điều gì đang xảy đến với sự sống của muôn loài trên Trái Đất.
Ông Jean-Christophe Vie cho rằng nó thậm chí còn "nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng kinh tế hay ‘bão’ tài chính hiện nay".
Theo ông, một quốc gia "có thể mất đi một ngành công nghiệp xương sống đối với nền kinh tế, nhưng trong tự nhiên, nếu mất đi điều tương tự, bạn sẽ mất rất nhiều vốn mà không gì thay thế được".
Cũng theo báo cáo trên, mối hiểm họa chính đối với sự sống của động vật hoang dã là sự phá hủy môi trường sống của sinh thực vật thông qua các hoạt động canh tác, chặt phá rừng và phát triển đô thị.
Biến đổi khí hậu cũng có thể tác động đến môi trường sống của các loài động thực vật. Nghiên cứu 17.000 loài chim, động vật có vú và các loài san hô ngầm, nhóm tác giả báo cáo nhận thấy một tỷ lệ đáng kể loài sinh vật học, tuy hiện chưa bị đe dọa tuyệt chủng, rất dễ bị tổn thương do sự biến đổi khí hậu.