Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững (Bài 2)

Bài 2: Nâng cao chất lượng con giống, điều kiện tiên quyết.

Trăn trở chất lượng

Năm 2007, hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (còn gọi là bệnh tai xanh) xảy ra lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khiến lợn ốm, chết hàng loạt, đặc biệt, đàn lợn nái giảm đáng kể. Sau dịch, lợn giống trở nên khan hiếm nên giá tăng đến 50-60%. Các hộ chăn nuôi quy mô trang trại còn tự chủ được nguồn giống, với hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều này thực sự không dễ dàng. Chị Nguyễn Thị Hệ ở thôn Guột, xã Việt Hùng (huyện Quế Võ) cho biết: "Trước đây, muốn mua lợn giống chẳng khó khăn gì, cứ đến chợ thấy con nào to, khoẻ, lông mượt thì mua, hoặc bắt ngay của các hộ có lợn nái trong thôn. Bây giờ thì khác, rất ít gia đình mang lợn giống ra chợ bán, bởi thương lái đặt mua trước cả đàn rồi đem bán cho người chăn nuôi với giá cao hơn; nhiều khi gặp phải lợn còi cọc, xấu xí vẫn phải nhắm mắt mua".

Trong thời điểm khan hiếm con giống như hiện nay, chọn được con giống đạt yêu cầu về trọng lượng, dáng vóc đã khó nói gì đến phẩm cấp, nguồn gốc bố mẹ ra sao. Theo ông Vũ Thái Ninh, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh), ngoài nguyên nhân từ bệnh tai xanh còn do trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở giống bảo đảm chất lượng. Hiện, nhu cầu về giống của người chăn nuôi khoảng 850.000 con/năm, trong khi tỉnh chỉ có 1 xí nghiệp, 2 cơ sở gia công cho Công ty cổ phần CP và 5 cơ sở tư nhân sản xuất giống lợn hướng nạc với tổng số 5.000 nái ông bà, bố mẹ. Số lợn giống mà các cơ sở trên cung ứng được khoảng 100.000 con/năm. Mặt khác, số liều tinh lợn ngoại chất lượng cao mà các cơ sở truyền giống sản xuất mới đáp ứng khoảng 65% nhu cầu, còn lại được nhân giống từ đàn lợn nuôi tự do trong dân. Việc chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng bệnh, khai thác giống không theo đúng quy trình kỹ thuật nên chất lượng truyền giống kém.

Tương tự như đàn lợn, chất lượng bò giống của Bắc Ninh cũng còn nhiều vấn đề phải bàn. Thực tế cho thấy, bò lai Zê-bu có ưu thế hơn hẳn bò vàng địa phương. Tuy nhiên, việc nhân rộng đàn bò lai dù đã thực hiện nhiều năm nhưng vẫn không cho kết quả như mong muốn. Nguyên nhân do số liều tinh bò lai thụ tinh nhân tạo chỉ dừng ở mức khoảng 10.000 liều/năm, đáp ứng 80% nhu cầu, phần còn lại được nhân giống từ đàn bò cóc địa phương. Trong khi đó, bê lai Zê-bu ra đời hầu hết được bán làm bò thịt, ít hộ giữ lại để thay thế bò cóc. Theo số liệu của Phòng Chăn nuôi, bò lai Zê-bu trên địa bàn Bắc Ninh mới chiếm 78% tổng đàn.

Nguồn giống kham hiếm

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời gian qua, người dân các tỉnh miền Trung phải lao đao vì con giống khan hiếm, đẩy giá lên cao khiến nỗ lực khôi phục đàn gia súc-gia cầm bị ảnh hưởng. Tại Phú Yên, đàn lợn đang giảm mạnh, việc phát triển đàn gặp khó khăn. Thế nhưng, đến nay, một chương trình sản xuất lợn giống đủ mạnh vẫn chưa được hình thành, và nhiều nông dân dù muốn nuôi nhưng đành để chuồng trống. Năm 2007, toàn tỉnh có hơn 129.000 con (chưa kể lợn sữa) nhưng nay, chỉ còn hơn 39.000 con, bằng 1/3 so với mọi năm. Nguyên nhân là do người chăn nuôi gặp khó khăn trong việc phát triển đàn trở lại vì con giống quá hiếm. Hiện, giá lợn giống đã tăng lên 39.000-40.000 đồng/kg, gấp 2 lần so với năm trước.

Trong khi nguồn giống khan hiếm, người dân khó khăn trong việc tìm con giống để khôi phục đàn thì dự án xây dựng trung tâm giống lợn tại Phú Yên vẫn chưa thể triển khai, mặc dù đã được tỉnh đồng ý về chủ trương xây dựng với vốn đầu tư khoảng 5 tỉ đồng, quy mô 200 lợn nái giống siêu nạc. Thực tế cho thấy, những năm qua, trung tâm chỉ đủ khả năng cung cấp 100-200 con lợn giống và trên dưới 5.000 liều tinh/năm cho người chăn nuôi.

Cần giải pháp chặt chẽ

Giai đoạn 2000-2005, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đầu tư 1.040 tỷ đồng cho 129 dự án xây dựng trung tâm giống ở các địa phương. Tuy nhiên, đến nay, nhiều trung tâm giống vẫn trong tình trạng thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật và kinh phí nên các dự án phải kéo dài và chưa hoàn thiện hệ thống quản lý. Theo đó, chất lượng con giống chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), để có giống vật nuôi tốt, cần thiết phải có một giải pháp chặt chẽ hơn. Trong Chiến lược phát triển ngành đến năm 2020, Cục sẽ tiếp tục triển khai các nội dung của Chương trình giống và nuôi giữ giống gốc, đảm bảo đến năm 2010, có trên 70% con giống đã được chọn lọc và đánh giá bình tuyển.

Về giống bò, cần triển khai trên diện rộng chương trình cải tiến, nâng cao tầm vóc đàn bò theo hướng Zê-bu hoá trên cơ sở phát triển nhanh mạng lưới thụ tinh nhân tạo phục vụ nhân giống và sử dụng bò đực giống đã qua chọn lọc ở những nơi chưa có điều kiện làm thụ tinh nhân tạo; chọn lọc và nhập nội một số giống bò có khả năng thích nghi với điều kiện sinh thái trong nước để tạo đàn cái nền phục vụ cho lai tạo giống bò sữa và bò thịt chất lượng cao; nhân thuần các giống bò Zê-bu, bò sữa cao sản nhập nội đã thích nghi với điều kiện chăn nuôi trong nước; khuyến khích bảo tồn và phát triển các giống bò địa phương ưu tú như bò U, bò đầu rìu, bò Mông,… ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La,… nhằm từng bước nâng cao chất lượng các giống bò và tăng cường độ đa dạng sinh học.

Đối với các giống vật nuôi khác, cần chọn lọc đàn trâu, dê, cừu trong sản xuất tạo đàn cái nền và đực giống tốt, thực hiện giải pháp đảo đực giống giữa các vùng; quản lý giống lợn, gia cầm theo hình tháp gắn với từng vùng sản xuất, thương hiệu sản phẩm; chọn lọc, cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng các giống lợn, gia cầm địa phương có nguồn gien quý; nhập nội các giống lợn, gia cầm cao sản trong nước chưa có hoặc còn thiếu; xây dựng và sử dụng các công thức lai giống phù hợp cho mỗi địa phương.

Mở rộng mạng lưới và tiêu chuẩn hoá các cơ sở, chất lượng đực giống của hệ thống thụ tinh nhân tạo lợn, hạn chế việc nhân giống lợn. Cần tổ chức đánh giá bình tuyển, loại thải lợn đực giống kém chất lượng trong sản xuất.

Về kỹ thuật nuôi, các cơ sở phải có chuồng trại được quy hoạch khoa học, thiết kế phù hợp với các điều kiện sinh trưởng, phát triển của vật nuôi; nhất thiết phải có hệ thống vệ sinh phòng dịch thú y và xử lý môi trường. Đối với các cơ sở chăn nuôi trang trại, công nghiệp, cần áp dụng công nghệ tự động hoá từng khâu và toàn bộ quá trình sản xuất; các cơ sở chăn nuôi phải có sổ sách theo dõi quản lý, lưu giữ số liệu về giống, thuốc thú y và dịch bệnh; áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý; cơ sở giống nhất thiết phải có sổ theo dõi, phần mềm tin học quản lý được các cơ quan chức năng công nhận.

Nếu làm được như vậy, ngành chăn nuôi nước ta sẽ tránh được dịch bệnh, và nông dân không phải "rơi nước mắt" vì thua lỗ.

PGS-TS. Lê Thanh Hải, Phó chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam:

Muốn chăn nuôi bò hiệu quả phải có giống tốt

Giống là khâu quan trọng quyết định sự thành bại trong chăn nuôi. Điều đó càng đúng với bò sữa. Đây là vấn đề thời sự hiện nay. Nước ta không có truyền thống nuôi bò sữa, nguồn giống phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Tuy nhiên, chúng ta đã nhận được nhiều bài học do nhập con giống không phù hợp với điều kiện khí hậu và trình độ của người chăn nuôi.

Để ngành chăn nuôi bò sữa phát triển, cần đầu tư chiều sâu về con người, kỹ thuật, thiết bị máy móc chuyên dùng có trọng điểm; đủ kinh phí ổn định; có chính sách phù hợp cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật tâm huyết, đầy trách nhiệm theo mục tiêu dài hạn và ngắn hạn của chương trình cải thiện giống có chu kỳ.


 

Bài 3: Nguyên liệu, "nỗi khổ" của thức ăn chăn nuôi