Với nhiệm vụ đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật nông lâm ngư nghiệp cho khu vực miền Trung và cả nước, Trường Đại học Nông Lâm Huế có nhiều thành quả đáng ghi nhận trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Tuy vậy, ở một số ngành khi sinh viên (SV) ra trường khó tìm việc làm, đây cũng là vấn đề phổ biến hiện nay trong giáo dục đại học. Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn An, Phó Hiệu trưởng nhà trường.
Câu chuyện “thừa thầy thiếu thợ” không mới, nhưng chưa bao giờ là cũ, bởi thực tế nó đã và đang tạo áp lực cho nhiều sinh viên trước nỗi lo tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
– Tôi hoàn toàn đồng ý với câu chuyện thực tế SV tốt nghiệp ở các trường đại học hiện nay ra trường khó tìm được việc làm, trong khi đó nhu cầu của xã hội đòi hỏi những lĩnh vực chuyên môn mà các trường đại học chưa đáp ứng được. Sinh viên tốt nghiệp từ các ngành quản lý thì nhiều nhưng các lĩnh vực kỹ thuật phục vụ cho sản xuất còn thiếu, nhất là đào tạo nghề, đào tạo ở các bậc học cao đẳng, trung cấp hay dạy nghề. Đây là vấn đề cần xem xét trong định hướng nghề nghiệp cho học sinh trong quá trình học tập. Hiện nay, việc thi vào đại học và phải học đại học là một yêu cầu bức thiết của học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông. Yêu cầu này xuất phát từ tâm lý của phụ huynh và của xã hội, thậm chí các em còn phải học ở các ngành, các trường đại học danh tiếng. Áp lực đó dồn cho học sinh ai cũng phải dồn hết sức lực vào kỳ thi đại học. Bên cạnh đó, sự bùng nổ các trường đại học trong thời gian qua làm cho người học và cả phụ huynh đều phải vươn đến mục đích là vào bằng được trường đại học.
Mặt khác, điểm hạn chế ở nhiều trường đại học là phương pháp tiếp cận trong xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo. Có thể nói, nhiều trường vẫn xây dựng chương trình đào tạo dựa trên cái mà nhà trường có (về con người và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo) chứ không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo các trường công khai chuẩn đầu ra cho các ngành đào tạo. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều vấn đề. Trước hết, mỗi ngành đào tạo phải xác định thị trường lao động của SV tốt nghiệp yêu cầu những kiến thức, kỹ năng và thái độ gì? Để xác định được các yêu cầu này đòi hỏi nhà trường phải có mối liên hệ gần gũi và thường xuyên với thị trường lao động. Từ chỗ xác định được chuẩn đầu ra của ngành đào tạo, khung chương trình phải thể hiện nội dung đào tạo đạt được các chuẩn đó ở mức độ từ thấp đến cao. Hệ thống các môn học cần được bố trí, xây dựng phù hợp để sau khi học xong người học được trang bị đầy đủ yêu cầu của chuẩn đầu ra. Thị trường việc làm thay đổi do tiến bộ kỹ thuật sản xuất, nhu cầu phát triển của xã hội thay đổi, thì chuẩn đầu ra cũng phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.
Từ thực tiễn đó cho thấy khi đào tạo không gắn liền với yêu cầu của thị trường lao động thì người học sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ khó tìm được việc làm.
Nhiều năm làm công tác giảng dạy, nghiên cứu và quản lý, ắt hẵn ông còn có điều kiện quan hệ và hợp tác với các trường đại học trong và ngoài nước. Vậy theo ông, từ thực tiễn của các trường đại học đó, chúng ta có thể tiếp cận để đề ra những giải pháp gì cải thiện vấn đề này?
– Theo tôi, để bắt kịp sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học của thế giới và khu vực, các trường đại học phải chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Nâng cao chất lượng đào tạo liên quan đến nhiều yếu tố. Ở đây tôi chỉ đề cập đến các yếu tố nội tại, tức là yếu tố chủ quan của trường đại học. Theo tôi có 4 nhóm giải pháp chính để nâng cao chất lượng đạo tạo hiện nay:
Một là: Không ngừng cải tiến chương trình đào tạo. Giải pháp này như tôi đã nêu ở trên. Chương trình đào tạo là yếu tố cốt lõi của một trường đại học, phải xuất phát từ nhu cầu thị trường lao động, nếu không người học sẽ khó đáp ứng được yêu cầu thực tiễn sản xuất sau khi ra trường. Nhiều trường hiện nay tuyên bố tiến đến là trường đại học hang đầu, hay đại học nghiên cứu nhưng trong quá trình thực hiện chương trình đào tạo của mình không cụ thể hóa chiến lược đó bằng các bước đi, hành động cụ thể.
Hai là: Xây dựng đội ngũ, nhất là đội ngũ cán bộ giảng dạy có đủ khả năng đảm nhận chương trình đào tạo thường xuyên cập nhật và quốc tế hóa. Ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thông qua chuẩn hóa về mặt bằng cấp, cần chú ý năng lực thực hiện chương trình đào tạo và gắn nội dung chương trình đào tạo với yêu cầu của thực tiễn. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần có kiến thức về phương pháp đào tạo ở đại học và khả năng thành thạo ngoại ngữ.
Ba là: Xây dựng CSVC phục vụ đào tạo. Đặc biệt đối với các ngành đào tạo kỹ thuật như ở các trường đại học Nông Lâm, đó là hệ thống các phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiên cứu, thực hành nghề nghiệp. Truyền thống của Trường ĐH Nông Lâm Huế (mà trước đây là trường ĐH Nông nghiệp 2) từ những ngày đầu đã xác định 4 địa bàn đào tạo kỹ sư nông nghiệp là (1) giảng đường, (2) phòng thí nghiệm, (3) trại nghiên cứu thực hành, (4) thực tiễn sản xuất ở xã hội. Ở mỗi địa bàn đòi hỏi về CSVC khác nhau để người học vừa hiểu biết lý thuyết, vừa có năng lực nghiên cứu và thực hành nghề nghiệp.
Bốn là: Việc tổ chức thực hiện quá trình đào tạo ở nhà trường phải đồng bộ và thường xuyên cải tiến, nâng cao. Đó là khả năng quản trị đại học để thể hiện cả hệ thống trong nhà trường đều phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Bộ GD&ĐT đã có khung chương trình để nâng cấp, làm mới chương trình đào tạo hàng năm với tỷ lệ 30%. Điều này có tạo được khả quan gì không, thưa ông?
– Bộ đã ban hành khung chương trình đào tạo cho các ngành. Dựa trên khung cơ bản đó, các trường có thể điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn từng trường. Khung chương trình phải thường xuyên được cải tiến để chuẩn đầu ra của sinh viên tốt nghiệp phù hợp với yêu cầu thường xuyên thay đổi của thực tiễn sản xuất. Tuy nhiên việc này phụ thuộc vào sự năng động của các trường đại học vừa bảo đảm tính ổn định, vừa đáp ứng sự thay đổi của yêu cầu xã hội trong giáo dục.
Được biết những năm gần đây, tỷ lệ học sinh chọn thi vào Trường ĐH Nông Lâm Huế cao, vì theo nhiều em các ngành học của trường phù hợp với nhu cầu xã hội đang cần, như: Chăn nuôi, Thủy sản, Thú y… giúp các em có cơ hội tìm được việc sau khi ra trường. Là một trong những lãnh đạo của trường, ông có thể chia sẻ vấn đề này với bạn đọc?
– Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế của thế giới và ở trong nước có nhiều biến động do ảnh hưởng của sự khủng hoảng kinh tế thế giới. Mặc dù vậy, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhu cầu thị trường lao động vẫn còn cao. Một số ngành đào tạo như Chăn nuôi, Thú y, Nuôi trồng thủy sản, Trồng trọt,… tỷ lệ SV có việc làm ngay sau khi ra trường vẫn cao, có ngành đến 100%. Một số ngành, trường không cung cấp đủ lượng SV tốt nghiệp cho các công ty, các tổ chức sản xuất đến tuyển dụng. Chính vì điều này mà số lượng SV thi vào Trường ĐH Nông Lâm Huế ngày càng nhiều. Năm 2014 có trên 13.000 hồ sơ đăng ký dự thi vào trường, trong kế hoạch tuyển chọn 1.700 SV. Trường Đại học Nông Lâm Huế còn rất chú trọng đến xây dựng mối quan hệ gần gũi và thường xuyên với các công ty, các cơ sở sản xuất và các địa phương nơi tiếp nhận sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp.
Trường đang phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực cho nhu cầu của xã hội, cũng như sự phát triển của nhà trường trong thời gian tới.
Xin Cảm ơn ông.
Nguyễn Thanh Huế (Thực hiện)
Bài phỏng vấn đã được đăng trên Báo Giáo dục & Thời đại, Chủ nhật số 30 và trên Báo Thừa Thiên Huế ngày 14/7/2014