Giá trị có thể bị lấy cắp của rừng không chỉ là gỗ, đất mới là yếu tố quan trọng và ngày một có giá hơn. Việc giữ đất, đặt ra những giới hạn chặt chẽ trong việc chuyển đổi đất rừng là điều tiên quyết.
Mất rừng và các hệ lụy
Sau các trận lụt kinh hoàng vừa qua, gây thiệt hại hàng trăm nhân mạng và hàng nghìn tỷ đồng, việc truy tìm nguyên nhân và giải pháp để tránh lặp lại thảm họa là điều hết sức cần thiết. Ngoài việc đổ lỗi cho thiên tai, do biến đổi khí hậu và các vấn đề bất khả kháng thì còn một nguyên nhân không thể phủ nhận được: đó là nạn phá rừng đầu nguồn.
Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, với tư cách là Đại biểu QH, một nhà lâm nghiệp đã phát biểu trong một buổi thảo luận: rừng chính là những hồ chứa khổng lồ, giúp giảm nhẹ thiên tai, phòng chống bão lũ, hạn hán cho nhân dân. Giữ rừng là nhiệm vụ chiến lược. Phải làm sao cho người dân sống ven rừng có cuộc sống bằng hoặc cao hơn dân trồng lúa thì họ mới yên tâm giữ rừng.
Thế nhưng vì sao rừng vẫn chảy máu, cái hồ chứa khổng lồ ấy đang dần mất đi vai trò của mình?
Trồng cây cao su trên đất rừng. |
Những cánh rừng dù nghèo nhất vẫn còn chứa đựng rất nhiều thứ thiết yếu cho người dân địa phương: hoa quả, măng, nấm, gỗ, củi, thuốc nam, động vật nhỏ… Mất rừng, người dân sẽ buộc phải tìm đến những cánh rừng khác hoặc gia tăng áp lực lên những cánh rừng còn lại.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong vòng 10 năm qua, không kể hàng nghìn khối gỗ bị trộm cắp, mỗi năm chúng ta mất trắng đi 51.000ha rừng, trong đó có khoảng 20 nghìn ha là chuyển sang mục đích khác, phần lớn là rừng tự nhiên ở thượng nguồn. Số rừng trồng hàng năm có tăng lên nhưng chất lượng, độ che phủ và sự đa dạng sinh học không thể so sánh với rừng tự nhiên.
Mất rừng, tăng diện tích đấn nông nghiệp đã làm hạn hán thêm nghiêm trọng ở Tây Nguyên, mực nước ngầm nhiều nơi đã xuống quá thấp, đã và sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các hộ trồng cà phê, tiêu.
Bài học mới nhất là huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, nơi chịu lũ quét kinh hoàng trong cơn bão số 11 vừa qua khiến hàng chục người chết. Trong vòng 2 năm, các công ty tư nhân đã lợi dụng chủ trương trồng rừng kinh tế để xóa sổ 1130 ha rừng đầu nguồn xanh tốt để trồng lại những cây con yếu ớt. Cây chưa kịp bén rễ thì lũ kéo về, cuốn trôi cả một xóm dân cư. Điều đáng nói là các cơn mưa vừa qua tuy có to nhưng không phải là những "cơn mưa lịch sử" nghìn năm mới lập lại.
Ta sẽ phải làm gì, tốn kém, thiệt hại bao nhiêu khi vài năm lại có một cơn bão với lượng mưa như thế kéo vào? Con người thật nhỏ nhoi trước các cơn cuồng nộ của thiên nhiên. Liệu những nỗ lực bao đời nay của người dân các đô thị miền trung nhằm có một cuộc sống sung túc có trở thành dã tràng xa cát? Liệu có mục đích nào, từ an ninh năng lượng, giải quyết việc làm hay phát triển kinh tế có thể biện minh, bù đắp lại những mất mát về sinh mạng người dân?
Mất rừng đã làm thay đổi mọi thông số an toàn đối với các hồ chứa, quy trình vận hành trở nên lạc hậu, đe dọa hạ nguồn. Hồ thủy điện A Vương đã phải xả nước khẩn cấp khi mới chịu lũ cấp II trong vòng 32 giờ, khi mực nước lên đến 380m so với mực nước gia cường 382m để đảm bảo an toàn cho thân đập. Sự bồi lắng cũng sẽ xảy ra nhanh hơn với lòng hồ, lượng nước về hồ trong mùa khô cũng sẽ suy giảm làm giảm khả năng phát điện và ảnh hưởng đến chức năng thủy nông. Sự bất cập của hàng trăm đập thủy điện ở miền Trung đã bắt đầu bộc lộ.
Nhận thủ diện thủ phạm
Lâm tặc hoành hành trong sự bất lực của chính quyền sở tại, nạn di dân tự dó, phá rừng làm rẩy là những thủ phạm phá rừng truyền thống mà chúng ta sẽ bàn ở dịp khác.
Các quy định về quản lý rừng và đất rừng được quy định rất chặt chẽ trong luật Bảo vệ và phát triển rừng, luật Bảo vệ môi trường, luật Đa dạng sinh học, luật đất đai, và nhiều nghị định khác. Theo đó, việc chuyển đổi trên 200 đặc dụng, trên 1000 ha rừng sản xuất sang mục đích khác đã là công trình quan trọng quốc gia do QH quyết định chủ trương. Việc phá rừng tự nhiên bị hạn chế, ràng buộc bởi nhiều quy định rất chặt chẽ.
Tuy nhiên, các văn bản dưới luật lại nới lỏng, nhiều điểm trái với văn bản của QH ban hành như: quyết định số 127/20/TT-BNN ngày 31/12/2008 về việc trồng cao su trên đất lâm nghiệp; Thông tư số 58/2009/TT-BNNPTNT ngày 09/09/2009 về việc hướng dẫn trồng cao su trên đất lâm nghiệp; thông tư số 24/2009/TT-BNN ngày 5/5/2009 về chuyển đổi rừng đặc dụng, phòng hộ sang rừng sản xuất và ngược lại…
Trong đó, trao cho địa phương thẩm quyền chuyển đổi rừng và đất rừng sang mục đích khác, phá rừng tự nhiên để trồng cao su, kể cả rừng giàu có diện tích dưới 3ha nằm trong khu rừng nghèo, cho phép lấy gỗ từ phá rừng, cho phép thu hồi đất rừng đã giao cho các cá nhân và cộng đồng dân cư mà chỉ bồi thường giá trị đầu tư, không bồi thường về giá trị đất…
Việc này đã dẫn đến việc các địa phương vì lợi ích riêng của mình hay một vài doanh ngiệp nào đó mà làm mất rừng và đất rừng gây hại cho hạ nguồn và sự đa dạng sinh học, gây thiệt hại cho người dân địa phương và cộng đồng dân cư. Một diện tích lớn đất đai thuộc quyền sử dụng của nhà nước, của công đồng bỗng dưng biến thành của các tổ chức tư nhân, các ông chủ đất mới.
Phá rừng làm rẫy. |
Mỗi ha rừng gọi là nghèo cũng có vài chục mét khối gỗ công với giá trị quyền sử dụng hoặc thuê đất trị giá hàng trăm triệu đồng chui vào túi ai? nhà nước và người dân địa phương được bao nhiêu trong số không dưới 2000 tỷ đồng cho 20.000ha đất rừng bị chuyển đổi hàng năm?
Để đạt được mục tiêu 800.000ha cao su trong cả nước theo Quyết định 750/QĐ-TTg ngày 3-6-2009 của Thủ tướng chính phủ, các tỉnh từ bắc tới nam sẽ phải trồng mới 200.000ha, trong đó, riêng khu vực Tây Nguyên sẽ trồng mới 100.000ha, phần lớn là từ đất rừng nghèo.
Để vượt qua các quy định chặt chẽ của pháp luật, quá trình chuyển đổi đất rừng thành các đồn điền, trang trại cao su đã được diễn ra âm thầm qua nhiều bước. Đầu tiên là việc giao cho các địa phương quy hoạch lại 3 loại rừng theo một số tiêu chí khá thông thoáng với định hướng chung là thể chuyển một số diện tích từ rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ và sản xuất, rồi chuyển đất rừng sản xuất ra khỏi đất lâm nghiệp nếu thấy cần thiết. Bộ Nông nghiệp và PTNT sau đó đã công nhận cây cao su là cây đa mục đích (vừa lâm nghiệp vừa nông nghiệp). Thoạt nhìn thì quyết định này chỉ mang tính kỹ thuật, có vẻ vô hại nhưng với việc cho phép chuyển mục đích từ rừng tự nhiên là rừng nghèo sang trồng cao su thì bản án khai tử cho nhiều cánh rừng đã được ký xong.
Đến đây lại xuất hiện một khó khăn mới là tuy diện tích rừng gọi là nghèo của chúng ta khá lớn nhưng không phải chỗ nào cũng có thích hợp với việc lập các đồn điền cao su, do bị người dân địa phương phản đối, đất xấu, độ dốc cao, hạ tầng kém… Bộ NN-PTNT đã phải ra 3 thông tư trong vòng một năm để nâng chuẩn nghèo cho rừng có trữ lượng từ 60- 80m3/ha lên 150m3/ha rồi lại trở về 110m3/ha đối với rừng thường xanh lá rộng. Đặc biệt là những cánh rừng giàu có diện tích nhỏ hơn 3ha nằm xen kẽ với rừng nghèo thì cũng được phép phá bỏ cho "liền khoảnh".
Với chuẩn nghèo mới và cho phép phá những đám rừng giàu nằm xen kẽ trong đó, theo ý kiến của TS Nguyễn Chí Thành, nguyên phân viện trưởng Phân viện điều tra và quy hoạch rừng Nam Bộ, một chuyên gia trong ngành lâm nghiệp, hầu như tất cả diện tích rừng Việt Nam đều có thể chuyển đổi sang thành rừng cao su được.
Trở ngại cuối cùng có lẽ là việc thực hiện chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng của QH, nhiều diện tích rừng đã được giao cho các tổ chức, cộng đồng và cá nhân quản lý. Nay muốn giao cho các doanh nghiệp, công ty cao su thì phải thực hiện việc thu hồi rừng để giao cho chủ mới. Điều này đã được giải quyết tại Thông tư số 58/2009/TT-BNNPTNT nói trên, cho phép UBND tỉnh hoặc chủ rừng thu hồi lại rừng và đất rừng đã giao cho cá nhân và cộng đồng để giao cho các công ty trồng cao su mà chỉ phải bồi thường số tiền mà chủ cũ đã đầu tư.
Việc này chắc chắn sẽ dẫn đến xung đột về quyền lợi và phát sinh khiếu kiện. Cuối cùng, chúng ta vẫn sẽ đạt chỉ tiêu đưa độ che phủ củia đất nước ta lên 43% lãnh thổ theo nghị quyết của Đảng và QH bằng cách đưa diện tích cao su mới trồng vào số liệu thống kê để làm tăng độ che phủ của rừng. Như vậy, rừng vẫn bị mất, bị làm nghèo mỗi ngày nhưng số liệu về độ che phủ rừng vẫn tăng lên đều đặn hàng năm.
Cấm tiệt mua bán, chuyển nhượng đất rừng
Dễ nhận thấy rằng giá trị có thể bị lấy cắp của rừng không chỉ là gỗ, đất mới là yếu tố quan trọng và ngày một có giá hơn. Việc giữ đất, đặt ra những giới hạn chặt chẽ trong việc chuyển đổi đất rừng là điều tiên quyết. Kinh nghiệm cho thấy, không cho phép những kẻ phá rừng đươc mua bán chuyển nhượng đất, không được sử dụng đất vào mục đích khác sẽ giúp ngăn chặn những vụ phá rừng tiếp theo.
Ở Vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát, BQL đã cùng chính quyển địa phương tiến hành biện pháp điều tra, truy cứu những kẻ phá rừng, hủy bỏ cây trồng sai mục đích trên đất lâm nghiệp bất kể là người trồng mua bán sang nhượng hay khai phá đất rừng. Việc này tuy có gặp khó khăn lúc đầu nhưng đến nay đã phát huy tác dụng, nhiều năm nay không phát sinh một vụ phá rừng làm rẫy nào, việc trồng lại rừng trên đất bị bao chiếm luôn đạt và vượt kế hoạch.
Sự trợ giúp của nhà nước và các chính sách hưởng lợi từ rừng cũng hết sức quan trọng, không những với người dân mà với cả chính quyền địa phương. Các chức năng của rừng như khả năng sinh thủy, chống lũ, hấp thụ CO2, duy trì đa dạng sinh học đều có thể quy ra tiền và người hưởng thụ sẽ phải chi trả. Thủ tướng cho phép tỉnh Lâm Đồng thí điểm việc thu phí dịch vụ môi trường rừng, riêng phần thu từ thủy điện và nhà máy nước đã thừa tiền để giữ rừng. Việc khai thác một số lượng hơp lý và bền vững gỗ lâm sản phụ cũng góp phần tăng thu nhập cho bà con
Chế độ trách nhiệm phải rõ ràng, ai chịu trách nhiệm, nếu mất thì xử lý ra sao. Chính quyền địa phương, với cả hệ thống chính trị trong tay, có vai trò quyết định trong việc bảo vệ rừng. Kinh nghiệm cho thấy chỗ nào mất rừng nhiều là chỗ đó có tiêu cực, không tham ô thì cũng thiếu trách nhiệm, móc nối, chia chác… tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm một vài trường hợp thì tình hình sẽ ổn, bằng không, sự nghiệp phá rừng sẽ cơ bản được hoàn thành như cách nói vui của người dân.
* Ông Nguyễn Đình Xuân cũng là Giám đốc Vườn Quốc gia Lò Gò Xa Mát.