Bài I: Mảng tối trong “bức tranh” nông nghiệp – nông thôn
Nông dân không mặn mà với đồng ruộng vốn ngàn đời gắn bó, thay vào đó, họ đổ về các thành phố lớn kiếm việc làm; tỷ lệ thất nghiệp ngày càng cao, nhất là ở những nơi bị thu hồi đất nông nghiệp; giá trị sản xuất không bù lại được với sự "phi mã" của giá vật tư nông nghiệp… Tất cả những yếu tố đó đã khiến khoảng cách "quê – phố" ngày càng doãng ra, cho thấy đã đến lúc phải thay đổi hàng loạt vấn đề trong phát triển nông nghiệp – nông thôn và chính sách đối với nông dân.
Thu ít, đóng góp nhiều
Theo thống kê của Cục Hợp tác xã và PTNT (Bộ Nông nghiệp và PTNT), tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, trung bình mỗi nông hộ được giao 5 – 6 sào ruộng (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Nếu chỉ cấy hai vụ lúa với giá trị sản xuất 4, 5 triệu đồng, trừ chi phí, mỗi hộ còn thực lãi 2, 2 triệu đồng/năm, tương đương 183.000 đồng/tháng và 6.100 đồng/ngày. Trừ tiếp các khoản đóng góp do xã và các tổ chức thu (bình quân toàn vùng là 150.000 đồng/hộ), mỗi hộ chỉ còn khoảng hơn 2 triệu đồng trang trải cho cuộc sống, tính ra một hộ thuần nông chỉ được phép tiêu trong phạm vi 5.500 đồng/ngày.
Thu nhập quá thấp nhưng nông dân lại phải chịu nhiều khoản phí. Theo báo cáo của 46 tỉnh, thành phố và kết quả điều tra của Cục Hợp tác xã và PTNT, số lượng, mức thu các khoản đóng góp của nông hộ rất cao. Bình quân mỗi hộ phải chịu 30 – 40 khoản đóng góp với mức 250.000 đến 800.000 đồng/năm. Nhiều nơi, nông hộ chịu trên 20 khoản đóng góp do xã và các tổ chức thu, mức thu bình quân 300.000 – 500.000 đồng/hộ/năm và khoảng 10 khoản phí dịch vụ do hợp tác xã thu, với mức 200.000 – 300.000 đồng/hộ/năm. Cụ thể, tại Đồng bằng sông Hồng, có 26 khoản đóng góp chính thức, mức thu 350.000 – 500.000 đồng/hộ/năm; khu vực trung du miền núi phía Bắc có 28 khoản đóng góp với mức 250.000 – 450.000 đồng/hộ/năm; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ 28 khoản và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) 25 khoản, đạt kỷ lục về mức đóng góp, 300.000 – 700.000 đồng/hộ/năm. Trong các khoản đóng góp, có 2 khoản nông dân phải đóng nặng nhất là xây dựng giao thông nông thôn và trường học, bình quân 672.000 – 872.000 đồng/hộ/năm. Trong 10 khoản thu phí dịch vụ của hợp tác xã (thuỷ lợi phí, dịch vụ bảo vệ thực vật, phí bảo vệ đồng điền,…) thì thuỷ lợi phí là "nặng đô" nhất, chiếm 70% tổng chi phí dịch vụ mà xã viên phải đóng góp mỗi năm (khoảng 380.000 đồng). Tại huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận), từ vụ đông xuân 2007 trở về trước, mức thu thuỷ lợi phí được quy ra lúa là 140 kg/ha/vụ, nhân với giá lúa quy định 2.200 đồng/kg, tính ra phải nộp 260.000 đồng/ha/vụ; bước sang vụ hè thu năm 2007, thuỷ lợi phí đã tăng lên 545.000 đồng/ha. Riêng thanh long được đưa vào danh mục cây đặc sản nên mức thu cao hơn, 1, triệu đồng cho mùa khô 6 tháng.
Ở ĐBSCL, ngoài việc phải gánh các loại phí, tình trạng nông dân mua chịu vật tư nông nghiệp và "còng lưng" trả lãi suất cắt cổ với mức 8%/tháng cho các đại lý cũng đang diễn ra khá phổ biến. Để tránh tình trạng "lãi mẹ đẻ lãi con", chưa vào vụ gặt, nông dân đã bán lúa non để trả nợ, vì vậy nghèo vẫn hoàn nghèo. Lúa ngoài đồng chưa trổ, xã đã gửi "trát" xuống từng nhà, liệt kê các khoản đóng góp, lệ phí, không quên "chua" thêm một dòng: "Phải đóng trong vòng 5 ngày sau khi thu hoạch". Ai đóng chậm, "tổ công tác" của ấp, xã đến "gõ cửa" từng nhà. Và luật bất thành văn được chính quyền nhiều nơi áp dụng: Nếu không thanh toán xong các khoản phí thì không ký bất cứ giấy tờ nào dân cần như hồ sơ xin cho con đi học, thi đại học, học nghề, công chứng, thậm chí giữ cả sổ đỏ, không cấp giấy khai sinh…
Tình trạng loạn thu phí và lệ phí ở nông thôn trước hết là "con đẻ" của chính quyền địa phương. Không ít địa phương lấy việc thu phí, lệ phí làm nguồn để duy trì hoạt động của chính quyền cơ sở. Việc chi tiêu không công khai, minh bạch gây nên nỗi bức xúc trong dân. Trình độ quản lý hay nói đúng hơn là hiểu biết về pháp luật của cán bộ xã, phường còn hạn chế dẫn đến việc người dân phải gánh thêm nhiều khoản đóng góp nặng nề.
Khi ruộng không thể nuôi người
"Ăn gì mà cấy? Giá cả cứ lên vù vù trong khi giá lúa tăng không đáng kể", đó là câu trả lời của rất nhiều bà con xã Đông Phương (Đông Hưng – Thái Bình) khi được hỏi vì sao bỏ ruộng. Xã có khoảng 4.400 lao động thì có tới trên 2.000 người đi làm ăn xa, số tiền mang về cao hơn nhiều so với làm ruộng nên người dân không còn thiết tha với cây lúa. Hơn 30 mẫu ruộng thuộc quỹ đất 5% đã bị bỏ hoang. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại Đông Phương mà còn phổ biến ở nhiều địa phương trên quê hương "5 tấn". Một con số được đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc (Thái Bình) đưa ra trên diễn đàn Quốc hội khiến nhiều người giật mình, hiện có khoảng 250ha đất công ích 5% đã bị nông dân trả lại xã với lý do làm thu không đủ bù chi.
Khảo sát ở một số tỉnh Bắc Bộ như Nam Định, Ninh Bình, đa số nông dân đang có nhu cầu bán ruộng. Nguyên nhân là do giá phân bón, giống cây trồng, các loại dịch vụ tăng quá cao. Các khoản đóng góp đã vượt sức chịu đựng của dân khi đảm nhận ruộng khoán nhà nước giao. Họ sẵn sàng chấp nhận cuộc sống ly hương để kiếm 20.000 – 30.000 đồng/ngày. Nhiều người dân cho biết, nếu tính hết mọi chi phí sản xuất thì bình quân một nông dân chỉ thu được 1.000 đồng/ngày. Điều đáng nói là hiện tượng nông dân trả ruộng, thậm chí bán ruộng ngày càng nhiều nhưng đến nay hầu hết các ngành chức năng của các tỉnh vẫn chưa có giải pháp khắc phục. Ngay như ở huyện Kiến Xương (Thái Bình), nơi có phong trào nông dân trả ruộng nhiều nhất nhưng một lãnh đạo huyện vẫn khẳng định: Huyện không có hiện tượng nông dân trả ruộng, 13.700ha đất canh tác không có chỗ nào bị bỏ hoang.
Tại Quảng Ngãi, một hiện tượng chưa từng xảy ra đã xuất hiện đồng loạt tại một số xã vùng Đông thuộc huyện Bình Sơn: Nông dân bỏ ruộng, lấp đồng. Tại xã Bình Trị, số diện tích gieo cấy vụ hè thu năm 2007 bị bỏ hoang lên tới 15ha, đó toàn là những chân ruộng tốt, gần đường, không nằm trong quy hoạch hay bị thu hồi. Ông Phạm Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Nông dân bỏ ruộng đi làm thuê".
Bình Trị là "cái nôi" của Khu kinh tế Dung Quất. Trên địa bàn hiện có 15 dự án đang triển khai xây dựng nên cần nhiều lao động phổ thông với mức lương khá hậu hĩnh. Giá nhân công lao động tăng khiến nhiều nông dân Bình Trị bỏ rơi ruộng đồng, đầu quân cho các công trường. Không chỉ bỏ ruộng, nhiều hộ còn lấp ruộng để dựng lều quán kinh doanh. Mỗi ngày tại Bình Trị tập trung khoảng 5.200 công nhân, cán bộ, chuyên gia, vì vậy, nhu cầu ăn uống, giải trí, ở trọ cho lực lượng này là vô cùng lớn. Đã có 130 hộ nông dân Bình Trị chuyển qua kinh doanh nhà trọ; vài trăm gia đình khác mở quán bán thức ăn, giải khát, internet,… tất cả đều cho thu nhập cao hơn làm ruộng nên họ chẳng ngại ngần lấp đồng lấy mặt bằng mở rộng kinh doanh dù biết việc làm đó là vi phạm Luật Đất đai. Ông Thọ cảnh báo, các công trình dự án ở Bình Trị gần đến giai đoạn hoàn thiện. Nhu cầu lao động phổ thông cho dự án rồi sẽ hết, lao động tại chỗ không còn việc làm, các hoạt động dịch vụ tê liệt dần, lúc đó có muốn quay lại với đồng ruộng cũng khó vì hệ thống kênh mương đã bị phá huỷ, xuống cấp.
Tất cả những nghịch lý trên đang khiến khoảng cách giàu – nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng doãng ra. Bây giờ, no bụng không phải là vấn đề lớn của nông dân nhưng lại nảy sinh nhiều bất cập khác, bức xúc, nóng bỏng hơn như ít khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, nợ nần, mất đất, con bỏ học, không có việc làm… Thực tế, sau 20 năm đổi mới, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp vẫn diễn ra rất chậm. Năng suất lao động toàn xã hội tăng lên khá cao nhưng ở nông thôn, nơi có 57% lao động sinh sống thì chững lại. Năm 2005, năng suất lao động nông nghiệp chỉ tăng 3,7%, năm 2006, tụt xuống còn 2,64%. Trong khi chênh lệch giàu – nghèo ở nông thôn là từ 12 đến 25 lần. Hệ quả là sản xuất nông nghiệp không bền vững cả về môi trường và xã hội, dịch bệnh tràn lan, tài nguyên bị khai thác đến mức cạn kiệt, người dân khó có thể được hưởng lợi từ quá trình đổi mới và hội nhập.
Bài II: Những nghịch lý chưa được tháo gỡ