Chiều 18/6, TS. Lý Ngọc Kính, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, Cục đã nhận được công văn của Sở Y tế Quảng Bình về tình trạng người dân ăn gan, mật cóc và quyết định thành lập Hội đồng khoa học nghiên cứu cụ thể.
>> Cảnh báo tình trạng tự phát ăn gan, mật cóc tươi
>> Chuyện khó tin về người ăn gan, mật cóc tươi
Bị bệnh viện "trả về", hàng ngày ông Mai Xuân Khởi vẫn ăn cóc sống (ảnh: HK). |
TS. Kính cho biết, Hội đồng khoa học sẽ nghiên cứu để sớm có kết luận chính thức về vấn đề này. Hiện chưa có nghiên cứu nào nên Cục Quản lý Khám chữa bệnh khuyến cáo người dân chấm dứt ngay việc ăn gan, mật cóc vì độc tố trong gan, mật cóc có thể khiến người ăn ngộ độc, tử vong ngay. "Về trường hợp ông Mai Xuân Khởi ở Quảng Bình ăn gan, mật cóc hàng ngày mà không tử vong chỉ là hi hữu, vì thế người dân tuyệt đối không bắt chước. Còn Hội đồng khoa học sẽ làm việc, nghiên cứu cụ thể trường hợp này để đưa ra lời lý giải và tìm hiểu về khả năng khống chế ung thư bằng gan, mật cóc mà người dân phản ánh" – TS Kính nói.
Nghiên cứu khoa học cho thấy: Các tuyến sần sùi trên da cóc tiết ra chất nhầy màu trắng, thường gọi là "nhựa cóc", có chứa hỗn hợp chất độc, nếu ăn phải sẽ gây nên tình trạng ảo giác, làm nghẽn các mạch máu và tăng huyết áp động mạch. Còn trong trứng, gan và mật cóc chứa rất nhiều bufotoxine – loại chất độc cực mạnh, ăn phải sẽ gây rối loạn hệ thống tim mạch, thần kinh và đủ gây chết người với một liều rất nhỏ. Độc tố của một con cóc có thể giết chết từ 4 – 5 người khỏe mạnh. |
Cùng với quan điểm này, GS-TS. Nguyễn Bá Đức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư, nguyên Giám đốc Bệnh viện K cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn gan, mật cóc. "Gan và mật cóc rất độc, có thể gây tử vong. Ngay cả thịt cóc, người ta quan niệm bổ nên vẫn ăn nhưng cũng phải rất thận trọng vì trong quá trình chế biến, độc tố từ gan, mật, da cóc có thể dính vào thịt gây ngộ độc" – ông Đức khẳng định. Bác sỹ Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, trong Đông y chưa từng đề cập tới việc dùng gan, mật cóc sống để chữa bệnh, chỉ có vài bài thuốc có sử dụng một lượng rất nhỏ chất độc từ mật, gan cóc (liều lượng được tính toán để không gây ngộ độc) phối hợp với các vị khác để chữa một số bệnh. Về trường hợp ông Mai Xuân Khởi ở Quảng Bình ăn gan, mật cóc sống mà không chết người và khỏe mạnh hơn, theo BS Hướng, đây chỉ là cá biệt, vì lý do nào đó. BS Hướng cũng cho rằng, nên có những nghiên cứu khoa học kịp thời về những trường hợp ăn cóc sống mà không chết, lại khoẻ mạnh hơn dù đang bị ung thư để có câu trả lời xác đáng, xem chất độc từ gan, mật, trứng cóc có giá trị như thế nào về mặt y học.