Bài 6: Biến đổi ở một “ga chim”
Bãi Bòng Trắng khi nước lên, ngập trắng khiến chim không có chỗ đậu |
"Chim di cư báo hiệu sự chuyển mùa, giờ không còn đúng nữa. Ngày xưa, cứ xuất hiện chim cà kheo là chấm hết mùa mưa bão, nay cà kheo về vẫn có bão", ông Nguyễn Viết Cách chỉ ra những biến đổi mà ông gọi là kỳ lạ ở Vườn quốc gia Xuân Thuỷ.
Cá heo mất dạng, sâm cầm bặt tăm
Vườn quốc gia Xuân Thuỷ là một vùng bãi bồi thuộc huyện Giao Thuỷ (Nam Định) có tổng diện tích 7.100ha. Nơi đây bảo tồn một mẫu chuẩn điển hình của hệ sinh thái đất ngập nước. Hàng năm cứ vào tháng 11, 12, đàn chim từ phương bắc di cư xuống phía nam tránh rét đã chọn Xuân Thuỷ làm nơi dừng chân. Vì thế, Xuân Thuỷ được ví như một "ga chim" quốc tế với 9 loài chim quý có trong sách đỏ quốc tế như cò thìa, mòng bể mỏ ngắn, choắt mỏ thìa, bồ nông…
Là người gắn bó với vùng đất ngập nước hơn chục năm, ông Nguyễn Viết Cách – Giám đốc Vườn quốc gia Xuân Thuỷ kể với tôi những hiện tượng lạ kỳ, những thay đổi mà cứ như lời anh bảo là "khủng khiếp bởi theo từng mùa, từng năm một". Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Xuân Thuỷ, anh Vũ Dần, thì không nhận xét mà chỉ dẫn tôi xem bằng chứng hiển hiện là nhà Trạm môi trường xây năm 1994 giờ không thể dùng vì nước ngập tới cỡ 1m dù đã mấy lần nâng nền.
"Lúc đầu không hề ngập, năm 2000 bắt đầu bị ngập sân, mỗi năm vài lần nước lớn có lúc ngập cả nhà, từ 2003 ngập thường xuyên, không thể ở được nữa". Những đợt triều cường, ngập diễn ra với tần suất lớn, cao trình ngập càng ngày càng lớn. Chỉ tính riêng từ năm 2003 tới nay, mực nước biển ở đây đã cao hơn 0,5m so với mực nước cao nhất ngày xưa. Đặc biệt đáng sợ những những biến đổi về chim thú, cây cối. Tôi cùng ông Cách ra bãi Bòng Trắng ở Cồn Ngạn. Bãi này rộng trên 100ha là địa điểm lý tưởng để mùa chim nước, cò, rẽ về kín đặc. Giờ khi nước lớn, ngập gần hết cả ngọn những cây lớn khiến lũ chim không đậu được nữa mà phải di chuyển sang đồi cát cao ở Cồn Lu.
Những cây có chiều cao, chịu ngập mặn tốt như bần chua không bị ảnh hưởng mấy nhưng những sú, ô rô ngập nước nhiều, đã có hiện tượng chết lác đác, nhất là những vùng đệm tỷ lệ chết cỡ 5-10%. Đứng trên chòi canh lộng gió, ông Cách giải thích: "Chim di cư báo hiệu sự chuyển mùa, giờ không còn đúng nữa. Ngày xưa, cứ xuất hiện chim cà kheo là chấm hết mùa mưa bão, nay cà kheo về vẫn có bão. Bình thường cò thìa về khi tháng 10, tháng 11 nhưng có những năm tháng 12 mới về khiến cho giới báo chí ầm ĩ một dạo cũng bởi do năm đấy mùa đông ấm. Khi bãi bị ngập nước, chim phải ăn theo con nước, sẽ thay đổi liên hoàn cả chỗ kiếm ăn, chỗ nghỉ ngơi, phải tìm điểm thích ứng khác nên giờ giấc ra vào cũng khác".
Hoàng hôn ở Xuân Thuỷ, thiếu vắng bóng chim trời |
Vườn có trên 60 cá thể cò thìa, cá heo thì năm nào cũng có mấy đàn về cửa sông Hồng. Hễ mùa mưa bão từ tháng 6-9, cá heo vào trú ẩn giờ đây cũng vắng bóng, nếu có cũng chỉ là cá đã chết, có con nặng trên tạ bị sóng đánh dạt vào. Ngỗng trời hiếm dần nhưng thi thoảng vẫn còn thấy chứ chim sâm cầm gần như biến mất. Về thủy sản con voọp, nhuyễn thể móng tay, con cùm cụp nhiều loài gần như không xuất hiện.
Nỗi lo bãi bể, nương dâu
Chuyện biến đổi khí hậu ảnh hưởng rõ rệt đến hàng ngàn hộ dân của 5 xã ăn theo hoa lợi tự nhiên của Vườn. Nuôi tôm thì bờ đầm cũ nước dâng cao, tràn vào hết, phải tôn bờ, nhà canh, cống dẫn nước mà làm ăn vẫn phập phù vì năng suất giảm (nhiều yếu tố tác động – PV). Cũng do trong đầm, nước ngập sâu và lâu hơn, cây vẹt tiếng là chịu nước mặn tốt là thế cũng chết, dân phải chặt bỏ hàng loạt…
Biến động lớn nhất là sự bất thường đến ngạc nhiên của bờ bãi. Có bãi mất đi, có bãi bồi nhưng không phải bằng vật liệu tự nhiên mà bằng… chất thải sinh hoạt. Chuyện kể rằng mới đây thôi, có hai con cá heo chết vùi ngoài bãi Cồn Lu, đã cẩn thận đánh dấu bằng cọc để một thời gian nữa lấy xương làm tiêu bản nhưng vài tháng sau ra kiếm đỏ mắt, bãi đó không còn. Trước đây, cũng đã mất mấy xác cá voi, cá đầu ông sư, cá heo vùi ở Cồn Lu trong một tình huống tương tự. Mỗi đợt lũ, bão ở thượng nguồn nước về, nhân viên của Vườn lại phải cặm cụi ngồi vẽ lại bản đồ địa hình, thổ nhưỡng.
"Lúc nghe chúng tôi nói chuyện biến đổi khí hậu 50 năm tới nhiệt độ sẽ tăng bao nhiêu, 100 năm tới nhiệt độ sẽ tăng tới mức nào có vị lãnh đạo địa phương bảo sau lưng là: mấy thằng hâm, bày đặt toàn chuyện đâu đâu. Buổi tối, ở bữa tiệc chiêu đãi dù chúng tôi đã mời thân tình nhưng các vị toàn chuồn đi, không thèm đến" – Một cán bộ nghiên cứu về biến đổi khí hậu tâm sự với chúng tôi. |
Vị giám đốc Vườn lắc đầu: "Đành rằng là bãi bể nương dâu" rất hay thay đổi nhưng gần đây thay đổi đột ngột quá. Đến ngay cả đường tuần tra trên bộ của Vườn làm năm 2005 với cao trình 2,5m, giờ đã bị ngập, phải thay đổi thiết kế, cao trình lên 3,5m, kinh phí từ 3,2 tỉ lên gần 7 tỉ. Có bãi Vườn đã quy hoạch để trồng rừng ngập mặn vì đất ở đấy rất tốt nhưng sau một trận bão, cát tràn vào đành bỏ không. Đến ngay cả con sông Trà đã bị lấp mất một đoạn. Xưa giàn khoan dầu khí nặng cả trăm tấn, sau khi thăm dò không có tín hiệu khả quan liền bị bỏ ở giữa Cồn Lu, giờ lại nằm trơ ngoài bãi biển. Rừng phi lao rộng hàng trăm mét, kéo dài vài cây số trồng từ năm 1996 ở vị trí cao nhất Cồn Lu – nơi chưa bao giờ bị ngập mặn mà cũng bị nước biển lấn vào, cây chết la liệt, cả rừng cỡ 100ha chỉ còn sót lại vài chục ha."
Thuê một chiếc thuyền của ngư dân, chúng tôi từ sông Trà, đi len lỏi qua hàng cây số các lạch nước, ngách rẽ để đến cồn Lu để rồi sững người trước sự trơ trọi của hàng trăm, hàng ngàn cây phi lao chết đứng. Cây thì bị bật trơ gốc, cây đổ gục xô vào nhau, cây ngả nghiêng như say rượu. Những cái thân bị gió cát bào mòn, bóc hết vỏ, trắng lốp đến nhức mắt trong nắng hè. Anh Phạm Minh Tuyên, bộ đội đóng ở căn cứ quân sự trên cồn, kể, anh đã ra đây ba năm mà chứng kiến quá nhiều sự khác biệt.
"Ba năm trước, những đàn cá heo rất hay vào bờ biển chơi đùa. Giống này rất khôn và hiếu động. Bộ đội chạy ra vỗ tay, hò hét, tung hô là chúng cứ giỡn sóng nhảy lên ầm ầm. Giờ chẳng còn một mống. Ngày xưa, căn cứ ở giữa rừng phi lao rậm rì, đi từ biển vào chập choạng tối, nhiều lúc lạc cả lối về. Lá phi lao rơi dày đến cả chục phân, nhiều lúc tuần tra về mệt anh em tôi cứ ngả lưng xuống, một lúc là ngáy khò khò, êm còn hơn cả đệm mút. Giờ, cả rừng phi lao bị chết gần hết, đồn bị trơ ra trước mặt biển, gió cứ thốc ào ào.
Xưa, đến mùa rét chim đậu đen cả bãi biển, mỗi sáng, chịu khó đi nhặt dưới mỗi lớp lá phi lao là có vài ba chục trứng vịt trời, cái giống ấy lòng đỏ ăn ngậy và bùi phải biết. Trứng chim rơi nhiều đến nỗi nếu mà nhặt trứng cò có khi được cả thúng nhưng trứng vịt trời ngon hơn nhiều không thèm nhặt. Giờ vịt trời còn chẳng thấy bóng chứ không nói đến chuyện nhặt trứng"…