Bài 2: Tìm cách thích ứng
Rừng phi lao trên Cồn Lu chết đổ ngổn ngang do biến đổi khí hậu |
Ảnh hưởng của biển đổi khí hậu là điều không phải bàn cãi. Chúng ta phải làm gì để thích ứng? Các nhà khoa học đã nghiên cứu và có những kịch bản đối phó với vấn đề này.
Các kịch bản biến đổi khí hậu
Về vấn đề này, ông Ninh Văn Hiệp (Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển Kinh tế – Xã hội nông thôn và miền núi) cùng cộng sự đã có những nghiên cứu khá công phu, thể hiện qua báo cáo "Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và biện pháp ứng phó với nông nghiệp Việt Nam".
Dựa trên chuỗi số liệu từ những năm 1960 -1998, nhóm này đã phân tích xu thế biến đổi khí hậu trong 4 thập kỉ qua. Nhận định chung, nhiệt độ không khí trung bình có xu hướng tăng, cả những tháng mùa đông và các tháng mùa hè, và nhiệt độ không khí trung bình năm. Sự tăng lên của nhiệt độ có tốc độ khác nhau giữa các khu vực khác nhau, song có một xu thế là càng đi về phía Bắc, tốc độ tăng thể hiện rõ rệt hơn.
Trong báo cáo này, các phân tích đánh giá tác động của biến đổi khí hậu được xây dựng dựa trên cơ sở 2 kịch bản biến đổi khí hậu. Kịch bản 1 đã được phân tích và đánh giá trong thông báo quốc gia đầu tiên của Việt Nam, kịch bản 2 là căn cứ kịch bản 2 của Uỷ ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu, trong đó đánh giá khả năng ấm lên, nhiệt độ tăng cao hơn so với các kịch bản 1.
Ví dụ, đối với các khu vực miền Bắc, theo kịch bản 1, nhiệt độ vào năm 2020 tăng lên 0.5oC, năm 2050: 1.1oC và năm 2070: 1.5oC thì kịch bản 2, các trị số nhiệt độ tăng lên lần lượt là 0.8oC, 1.6oC và 3.0oC. Còn đối với lượng mưa thì cả 2 kịch bản đều đưa ra các trị số khác nhau, có xu thế chung là trong trạng huống 2, lượng mưa biến đổi giảm hơn so với kịch bản 1.
Sâu bệnh nhiều hơn
Sinh trưởng cây trồng sẽ phản ứng rất khác nhau đối với biến đổi các yếu tố khí hậu. Phản ứng này phụ thuộc vào giống cây, điều kiện đất đai, kỹ thuật canh tác. Hơn thế nữa, mỗi giai đoạn phát triển cây trồng lại có những phản ứng khác nhau. Tuy nhiên, các cây trồng đều có chung một ảnh hưởng là khi nhiệt độ tăng lên sẽ làm tăng tốc độ sinh trưởng phát dục của cây trồng, thể hiện là thời gian sinh trưởng của cây trồng trên đồng ruộng sẽ rút ngắn hơn so với hiện tại. Nhiệt độ tăng cao, sẽ rút ngắn các giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây lúa. Nhìn chung, với nhiệt độ tăng cao 1oC, vòng đời sinh trưởng của lúa từ khi gieo mạ đến thu hoạch sẽ có thể rút ngắn chừng 5-8 ngày.
Đối với cây khoai tây và đậu tương, các nghiên cứu cũng có kết luận tương tự. Nhiệt độ, độ ẩm, hoàn lưu khí quyển… cũng là những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển, phân bố và lây lan của sâu bệnh hại cây trồng. Nhiệt độ tăng cao là môi trường thuận lợi cho các loại sâu bệnh hại cây trồng, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng phát triển và năng suất cây trồng. Theo kịch bản biến đổi khí hậu thì đến năm 2050, nhiệt độ tăng lên từ 1.1oC (TH1) đến 1.5oC (TH2), năm 2070 là 1.5oC (TH1) đến 2.5oC (TH2).
Như vậy, nhiệt độ trong mùa đông sẽ không còn lạnh như hiện nay, thời gian bắt đầu nhiệt độ xuống dưới 20oC sẽ muộn hơn hiện nay khoảng 5-8 ngày (2005) và 7-20 ngày (2070). Căn cứ vào điều kiện nhiệt độ nói trên thời vụ lúa xuân ở Bắc Bộ sẽ được gieo trồng sớm lên, trung bình từ 5-20 ngày. Đối với lúa mùa, thời vụ lúa mùa có thể trồng cấy muộn hơn so với hiện nay từ 20-25 ngày. Nền nhiệt độ tăng cao, độ dài giai đoạn nhiệt độ trên 25oC trong 1 năm cũng kéo dài hơn, việc bố trí các cây trồng nhiệt đới trên đồng ruộng sẽ đa dạng.
"Ở ta, những cái trước mắt còn chưa nghiên cứu ra đầu ra đũa nên bàn đến biến đổi khí hậu có khi cãi nhau um, chưa biết đi nghiên cứu bắt đầu từ đâu chứ Hà Lan đã chuẩn bị xây dựng một tuyến đê phù hợp với cao trình nước biển dâng cho năm 2300", nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn |
Không chỉ trồng trọt mà chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi sự nóng lên của khí hậu. Thức ăn chăn nuôi phần lớn từ sản phẩm nông nghiệp: lúa, ngô, khoai, đậu tương… một khi sản lượng cây trồng bị sút giảm cũng gây khó khăn cho việc tạo nguồn thức ăn gia súc, giá thức ăn sẽ bị nâng cao, ảnh hưởng đến giá thành đầu tư trong chăn nuôi. Sự tăng cao của nhiệt độ, không những đối với loại gia súc hiện thích ứng với khí hậu ôn đới như bò sữa sẽ gặp khó khăn trong sinh trưởng mà nhiều loại gia súc, gia cầm khác cũng chưa thích ứng. Sự chống chịu với bệnh dịch của đàn gia súc sẽ giảm. Một số bệnh như lở mồm, long móng, nhiệt thán, tụ huyết trùng, dịch tả… có nguy cơ bùng phát với tần suất lớn hơn.
Giúp cây trồng, vật nuôi thích ứng
Theo các nhà khoa học, chúng ta nên tập trung nghiên cứu các biện pháp thích nghi và thích ứng của cây trồng, vật nuôi và kết hợp với phòng chống và cải tạo tự nhiên. Đây là các biện pháp có hiệu quả kinh tế hơn. Ví dụ, không nhất thiết phải cải tạo các vùng trũng để trồng lúa ở ĐBSH hay ĐBSCL; tăng cường nghiên cứu các cây trồng chịu hạn, chịu mặn, chịu sâu bệnh; đối với cây lâu năm cần nghiên cứu các biện pháp nông lâm kết hợp trên vùng đất dốc… Vùng ĐBSH có thể chuyển một số diện tích quá úng trũng sang nuôi cá và thuỷ sản, đặc biệt là giảm diện tích trồng lúa, nơi mà bơm nước tưới quá đắt. Nghiên cứu các giống lúa chịu hạn để gieo trồng ở các vùng đất cao.
Vùng Bắc và Nam Trung bộ cần áp dụng các biện pháp nông lâm kết hợp trong sản xuất. Nghiên cứu hệ thống cây trồng thích hợp ở vùng đất khô hạn nặng và thường xuyên thiếu nước. Dùng các giống lúa ngắn ngày để bố trí thời vụ tránh bão, lụt… Vùng ĐBSCL cần xác định các hệ thống cây trồng cho thích hợp mỗi vùng, đặc biệt lưu ý đến ảnh hưởng của nước biển dâng đối với nông nghiệp của vùng này.
"Chúng ta chỉ có thể dùng từ thích ứng trước biến đổi khí hậu. Trước mắt, cần có thông tin đánh giá chính xác về sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua và xây dựng kịch bản cho những năm trước mắt. Việc này Bộ NN-PTNT đang khẩn trương tiến hành. Ngành nông nghiệp cũng là đối tượng trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về biến đổi khí hậu. Chúng ta chỉ cố gắng xây dựng chương trình thích ứng trong vòng 10-20 năm tới trước khi có những chiến lược dài hơi", Bộ trưởng Bộ NN – PTNT Cao Đức Phát trả lời báo NNVN bên lề Hội nghị phòng chống lụt bão tại ĐBSCL, ngày 11/5. Ng. Thắng (ghi) |
Chính vì những thay đổi to lớn trên, kế hoạch và chiến lược phát triển nông nghiệp của từng vùng cũng phải thay đổi cho phù hợp với sự biến đổi khí hậu. Khi mùa đông ấm lên, mùa sinh trưởng của cây trồng nhiệt đới sẽ kéo dài, cây trồng nhiệt đới sẽ tiến lên các đới cao hơn hiện nay từ 300-500m. Cơ cấu và hệ thống cây trồng vật nuôi phải thay đổi theo.
Hiển nhiên là các cây ôn đới trồng trong mùa đông ở Bắc bộ sẽ gặp nhiều khó khăn, thời gian sinh trưởng sẽ ngắn hơn, ngược lại các cây trồng nhiệt đới sẽ tiến dần lên phía Bắc, như cao su, cà phê, hồ tiêu…, thời gian sinh trưởng của cây trồng nhiệt đới sẽ kéo dài. Thời vụ gieo trồng sẽ phải được nghiên cứu, sắp xếp lại cho phù hợp với điều kiện khí hậu ấm lên.
Phát triển và chọn tạo các giống cây trồng chống chịu với các điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt, bảo tồn và giữ gìn các giống cây trồng địa phương, thành lập ngân hàng giống. Xây dựng và phát triển các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến phù hợp với biến đổi của khí hậu.Các biện pháp kỹ thuật canh tác từ khi gieo trồng đến thu hoạch, các biện pháp chăm sóc, làm cỏ, bón phân, quản lý nước, … phòng trừ sâu bệnh cần được nghiên cứu để phù hợp với điều kiện biến đổi của khí hậu. Ví dụ, có thể bỏ các biện pháp che phủ nilon hoặc phủ tro cho mạ xuân để chống rét hoặc thay thế biện pháp gieo vãi phân đạm như hiện nay bằng phương pháp bón vo viên, do điều kiện khí hậu ấm lên, hoặc tăng cường các biện pháp giữ ẩm bằng che phủ cho cây trồng cạn…