Đam mê nghiên cứu khoa học, giảng viên, PGS-TS Trần Thị Thu Hà (ĐH Nông Lâm, ĐH Huế) đã nghiên cứu sáng chế ra nhiều chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh cho nhiều loại cây trồng, được ứng dụng rộng rãi vào thực tế sản xuất.
Phó giáo sư Trần Thị Thu Hà trong một lần đi thực tế
An toàn và giá thành thấp
Vừa qua, người trồng hồ tiêu phấn khởi khi sản phẩm sinh học Pseudomonas putida phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu, do nữ PGS Trần Thị Thu Hà (44 tuổi) sáng chế thành công, đã được thương mại hóa. Hiện nay, chế phẩm này được Công ty cổ phần Bình Điền Mekong ký kết hợp đồng sản xuất và phát triển đưa ra thị trường có tên thương mại là MK8 và MK8 plus. Qua áp dụng thực tế trên địa bàn các tỉnh trồng nhiều hồ tiêu như Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Gia Lai, Quảng Trị… cho thấy, chế phẩm không chỉ có khả năng phòng trừ bệnh tốt mà còn giúp kích thích sự phát triển của cây tiêu thời kỳ kiến thiết cơ bản và kinh doanh. Đối với hồ tiêu ươm giống, khi sử dụng chế phẩm cho tỷ lệ sống đạt trên 90 – 95%, cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho nhiều rễ, tạo ra cây giống khỏe. Đây là phương pháp phòng trừ bệnh sinh học rất thân thiện với môi trường, giúp nông dân sản xuất hồ tiêu theo hướng bền vững.
Giảng viên Trần Thị Thu Hà chia sẻ: “Chế phẩm sinh học là những sản phẩm được điều chế bằng phương pháp sinh học, an toàn thân thiện cho cây trồng và cả người sử dụng. Bên cạnh đó, ưu điểm của sản phẩm này là có giá thành thấp hơn nhiều so với các phương pháp khác. Nhiều lần đi thực tế, mình thấy người trồng hồ tiêu cả nước khốn khổ vì bệnh chết nhanh hay còn gọi thối gốc, rễ đã gây thiệt hại lớn về kinh tế. Tuy nhiên, vẫn chưa có một phương pháp phòng và điều trị hữu hiệu. Vì thế, mình đã cất công nghiên cứu nhiều năm nay về chế phẩm sinh học Pseudomonas với hy vọng có thể giúp người nông dân phần nào trong sản xuất hồ tiêu bền vững”.
Hỗ trợ nông dân
Là một trong số ít người được phong chức danh PGS trước năm 40 tuổi, Trần Thị Thu Hà đã có nhiều công trình nghiên cứu tiêu biểu được áp dụng thực tế. Ngoài chế phẩm sinh học Pseudomonas phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu còn có chế phẩm sinh học và phân hữu cơ vi sinh Bokashi-Trichoderma phòng trừ tuyến trùng trên cây hồ tiêu. Sản phẩm đã được thử nghiệm quy mô lớn tại Gia Lai, Đồng Nai (HTX Lâm San) và Vũng Tàu.
Không chỉ nghiên cứu trên cây hồ tiêu, nữ PGS trẻ còn chủ nhiệm một số đề tài như nghiên cứu sử dụng vi khuẩn đối kháng Pseudomonas putida phòng trừ nhóm bệnh héo rũ hại lạc do nấm; nghiên cứu sản xuất, sử dụng chế phẩm sinh học từ xạ khuẩn Streptomyces, nấm Trichoderma để phòng chống bệnh thán thư, héo xanh trên cây ớt; xác định, phân tích Aspergillus flavus và aflatoxin từ đất trồng lạc, cây lạc và phòng trừ bằng tác nhân sinh học tại Nghệ An… Bên cạnh đó, cô tham gia nhiều đề tài đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân như tạo dòng và biểu hiện gien Chitinase kháng nấm hại thực vật; xác định một số gien chủ yếu kháng bệnh đạo ôn ở các giống lúa chủ lực tại Thừa Thiên-Huế; nâng cao giá trị dinh dưỡng của các nguồn phế – phụ phẩm công nghiệp thông qua sự lên men vi sinh vật để làm thức ăn chăn nuôi; nghiên cứu kết hợp Trichoderma và Pseudomonas phòng trừ bệnh thối trắng và thối đen cổ rễ hại lạc…
Các công trình nghiên cứu của nữ PGS trẻ đã đoạt nhiều giải cao tại các hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ quy mô trong tỉnh và toàn quốc. “Hiện nay, việc sử dụng các hợp chất hóa học độc hại trong nông nghiệp khá nhiều. Vì thế, bản thân mình cũng nghiên cứu và tận dụng không gian tại nhà để trồng rau, hoa hữu cơ cho gia đình. Càng ngày, nhu cầu rau quả sạch càng cao. Việc phát triển các chế phẩm sinh học trong trồng trọt không chỉ hỗ trợ nông dân mà còn đảm bảo nguồn rau quả an toàn”, nữ giảng viên Thu Hà cho biết.