Thời gian qua, việc triển khai xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các địa phương được chọn làm thí điểm đã gặp không ít khó khăn như thời gian thực hiện ngắn, khả năng đối ứng vốn của dân có hạn, thủ tục hành chính về xây dựng cơ bản còn rườm rà, quy hoạch chưa có…
Năm 2020, mục tiêu của Đề án là có 50% số xã trong cả nước đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. |
Bài II: Làm “nông thôn mới” kiểu Thầy Ký
Theo nhiều chuyên gia, để thực hiện tốt 19 tiêu chí nông thôn mới vừa ban hành, phấn đấu đến năm 2015 có 20% và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới, cần khắc phục triệt để những vướng mắc trên.
Vẫn còn quan niệm chưa đúng
Xã Hải Đường (Hải Hậu – Nam Định) là một trong 11 địa phương được chọn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Là xã thuần nông, có 3.140 hộ làm nông nghiệp, diện tích canh tác bình quân 504m2/khẩu, chủ yếu là trồng lúa, rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, vì thế, tổng nguồn thu ngân sách của xã bình quân hàng năm chỉ đạt 2-2,2 tỷ đồng, trong đó thu ổn định 1,1 tỷ đồng. Chi xuyên quân 1,4-1,6 tỷ đồng/năm, chi phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng hạ tầng chủ yếu từ hỗ trợ của ngân sách, thu từ cấp quyền sử dụng đất và đóng góp của nhân dân. Điều này để nói lên rằng, việc huy động sự đóng góp và phát huy nội lực của cộng đồng trong việc xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn, bởi ngoài việc huy động nguồn vốn đối ứng khá lớn trong thời gian hai năm liên tiếp với Chương trình nông thôn mới ở thôn Hoành Đồn còn phải huy động sức dân đóng góp làm các chương trình khác như: đường giao thông nông thôn, cải tạo lưới điện, xây dựng nhà văn hóa, đình, chùa.
Ông Nguyễn Thế Trưởng, Trưởng phòng Ngành nghề nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn Nam Định cho biết: “Xây dựng nông thôn mới là cả một quá trình và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, trong 2-3 năm không thể giải quyết được mọi vấn đề. Nhu cầu vốn lớn, trong khi chủ trương chỉ dựa vào nội lực là chính, sức đóng góp của dân có hạn không thể đáp ứng được yêu cầu”.
Qua tìm hiểu thực tế chúng tôi thấy, không ít cán bộ địa phương và nhân dân quan niệm đây là dự án hỗ trợ thông thường như xóa đói giảm nghèo. Do đó, khi đề xuất nội dung xây dựng đã yêu cầu chỉ chú trọng xây dựng hạ tầng, Nhà nước cho ít hay nhiều đều rất tốt và không cần huy động hoặc huy động không đáng kể sự đóng góp của cộng đồng. Sự trông chờ ỷ lại của một bộ phận cán bộ cơ sở, dân cư là khá lớn, vẫn tồn tại quan niệm xin – cho. Vì thế, họ chỉ chú trọng đến việc giải ngân tốt mà không quan tâm nhiều đến mục tiêu chất lượng của chương trình.
Điều dân muốn
Xã Đồng Thanh (Kim Động – Hưng Yên) có 6 thôn và Thanh Sầm là thôn được Nhà nước chọn làm điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Trong quá trình triển khai, việc huy động sức dân tuy thuận lợi hơn các địa phương khác nhưng đây là chương trình mới, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên không tránh khỏi bỡ ngỡ. Vì thế, những cán bộ trực tiếp tham gia chương trình cũng như người dân đều mong muốn các thủ tục cần giảm sự phức tạp, rườm rà như thủ tục lập dự toán, thiết kế, phê duyệt, ký hợp đồng trách nhiệm, chuyển kinh phí, thanh quyết toán.
Trưởng thôn Thanh Sầm Trương Công Chức cho rằng: “Chủ trương dựa vào nội lực là chính thì nên để cho nhân dân làm chủ. Chẳng hạn, những công trình đơn giản như cầu, cống tự nhân dân có thể làm và chịu trách nhiệm giám sát chứ không cần cơ quan khác đến giám sát thi công, thiết kế bản vẽ. Làm như thế, dân thấy phát huy được quyền làm chủ của mình mà Nhà nước lại đỡ tốn kinh phí”.
Ông Trưởng cho rằng: “Người dân và chính quyền rất muốn mô hình này thành công, nhưng không nên đặt thành vấn đề phải đạt ngay 19 tiêu chí trong vòng vài ba năm, mà nên có lộ trình để phấn đấu. Như vậy, vừa hợp sức dân, vừa đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước là xây dựng nông thôn mới dựa vào nội lực là chính”. Người dân vẫn trông chờ vào các nhà làm chính sách, các cơ quan tư vấn hỗ trợ trong các công việc lớn lao như quy hoạch tổng thể và chi tiết tất cả các lĩnh vực, và phải luôn bên cạnh họ trong suốt quá trình xây dựng nông thôn mới. Nói cách khác, việc xây dựng nông thôn mới cần sự vào cuộc của rất nhiều “nhà”.
Bài IV: Mâu thuẫn giữa tăng thu nhập cho nông dân và giữ bản sắc làng