Kinh tế Việt Nam vượt qua giai đoạn suy giảm

ND – Mặc dù chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với yếu kém nội tại của nền kinh tế, nhưng trong năm 2009, nhìn tổng thể, nền kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn suy giảm nhờ những giải pháp kịp thời và linh hoạt.

Sản xuất xe Vespa tại Công ty Piagio
Việt Nam (Khu công nghiệp Bình Xuyên,
Vĩnh Phúc). Ảnh: HUY HÙNG

Trong vòng chưa đầy một năm, nền kinh tế nước ta đã có hai bước ngoặt về sử dụng chính sách kinh tế vĩ mô để thích nghi với tình hình cụ thể, trong đó Chính phủ chủ yếu sử dụng hai nhóm chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để điều tiết vĩ mô, đặc biệt chính sách hỗ trợ lãi suất mang tính đặc thù của nền kinh tế nước ta.
Thành công của gói kích thích kinh tế
Nếu căn cứ vào mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2009 là ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thì kết quả của các giải pháp thực hiện từ tháng 12-2008 đến nay là cơ bản đạt được, thể hiện các mặt sau đây:
Thứ nhất, đà suy giảm tốc độ tăng GDP đã dừng lại từ quý I-2009 nhờ các biện pháp "ứng cứu" kịp thời, đúng đối tượng và tương đối đồng bộ trong hầu hết các lĩnh vực như an sinh xã hội, kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tín dụng để duy trì sản xuất, kinh doanh, tăng đầu tư nhà nước về hạ tầng kỹ thuật và xã hội…
Thứ hai, tuy còn nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX và làng nghề tiểu thủ công nghiệp còn nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều duy trì được sản xuất, cá biệt còn tăng quy mô và tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2008 nhờ nhận được nguồn vốn tín dụng ngắn hạn hỗ trợ lãi suất. Hoàn toàn không xảy ra tình trạng hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa hay phá sản như đã cảnh báo hồi đầu năm 2009. Sức mua của thị trường vẫn tăng trưởng khá (tăng hơn 10%, nếu loại trừ yếu tố tăng giá).
Thứ ba, không xảy ra tình trạng tăng số người thất nghiệp ở đô thị. Thậm chí hiện nay đang thiếu lao động trong các khu công nghiệp, các ngành may mặc, da giày, xây dựng… Sức cầu lao động và tiền lương đang có xu hướng tăng.
Thứ tư, xuất khẩu là lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng tình hình xuất khẩu cả năm vẫn đạt được kết quả tương đối khá hơn tình hình chung của thị trường thế giới. Kim ngạch xuất khẩu năm 2009 ước đạt 56,5 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ, nhưng vẫn khá hơn so với nhiều nước (giảm từ 20-30%). Nhập siêu giảm còn ở mức 11 tỷ USD, chiếm 16,5% kim ngạch xuất khẩu (năm 2008 con số tương ứng là 18 tỷ USD và 28,8%).
Thứ năm, tình hình kinh tế vĩ mô được ổn định hơn. Lạm phát được kiểm soát dưới 7% so với tháng 12-2008; hệ thống tài chính, tín dụng ngân hàng ổn định hơn. Lãi suất và tỷ giá hối đoái được điều chỉnh tương đối linh hoạt, phù hợp tình hình thị trường; hệ số an toàn của các ngân hàng thương mại được nâng lên; chưa có dấu hiệu tăng nợ xấu…
Thứ sáu, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ vừa tập trung, vừa linh hoạt nên có tác dụng làm tăng hiệu quả của các chính sách vĩ mô; củng cố niềm tin cho doanh nghiệp; tác dụng tích cực đến tâm lý nhân dân, góp phần ổn định đời sống chính trị, xã hội.
Kinh tế phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, tình hình kinh tế còn một số vấn đề sau đây:
Nền kinh tế tuy vượt qua giai đoạn suy giảm sâu, nhưng vẫn còn nguyên vẹn những hạn chế cố hữu của cơ cấu kinh tế; những nguyên nhân bên trong gây bất ổn về vĩ mô. Dưới tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, bài học được rút ra quan trọng cho nền kinh tế nước ta là sự bất cập của mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều ngang, chủ yếu dựa vào sự tăng vốn đầu tư, sử dụng lao động rẻ, khai thác tài nguyên thô và gia công hàng xuất khẩu…
Tuy nền kinh tế đã vượt qua "đáy suy giảm", nhưng tốc độ phục hồi còn chậm và đang chịu ảnh hưởng của những biến động của thị trường thế giới, nên sự trì trệ còn có thể kéo dài trong nửa đầu năm 2010. Nhiều doanh nghiệp đã phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn, tiếp tục hoạt động trong trạng thái "cầm cự" để tồn tại, lúng túng về hướng kinh doanh, do sức mua của thị trường tăng trưởng chậm. Do đó, cần đề phòng xảy ra tình trạng nền kinh tế phục hồi theo dạng chữ W, nếu có những biến động bất lợi của thị trường thế giới vào thời điểm đầu năm 2010.
Việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất, tăng dư nợ tín dụng, cùng với việc tăng bội chi ngân sách đang tạo ra nguy cơ gây tái lạm phát trong thời gian tới do độ trễ của vòng quay tiền. Cho đến nay chưa lường hết "tác dụng phụ" của gói kích thích kinh tế đã và đang áp dụng, nhất là khó kiểm soát vòng quay của nguồn tín dụng ngắn hạn có nguy cơ sử dụng sai mục đích, tạo áp lực lạm phát hoặc tạo "bong bóng" ở những lĩnh vực nhạy cảm với đầu cơ.
Tiến độ triển khai các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội rất chậm, nên tác dụng của việc tăng chi ngân sách để kích cầu còn nhiều hạn chế. Việc phát hành trái phiếu của Chính phủ gặp khó khăn về thị trường và có khả năng không thực hiện được theo kế hoạch đã báo cáo Quốc hội. Cần lưu ý, việc sử dụng biện pháp tăng chi ngân sách để kích cầu trong điều kiện nền kinh tế đang thiểu phát, sức cầu thấp chỉ là biện pháp ngắn hạn, mang tính cơ hội, nếu triển khai chậm, khi tình hình đã thay đổi thì sẽ ít hiệu quả và có nguy cơ gây áp lực lạm phát. Ðây là vấn đề cần lưu ý về gói giải pháp tăng chi ngân sách để tăng đầu tư công đang thực thi.
Hướng đến mục tiêu hồi phục bền vững
Diễn biến tình hình kinh tế thế giới từ đầu năm đến nay cho thấy, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chắc chắn không dẫn đến một cuộc đại khủng hoảng kinh tế như thời kỳ 1929 – 1933 mà đã có nhiều người lo lắng. Tác động của khủng hoảng tài chính đã dẫn đến suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng đến nay có thể tin rằng, sự suy giảm đã chạm đáy. Có thể nói thế giới đang thật sự bước vào thời kỳ hậu khủng hoảng. Các quốc gia đang nỗ lực thực hiện các chiến lược riêng của mình; một cuộc chạy đua mới đang diễn ra, mặc dù tốc độ phục hồi chung của nền kinh tế toàn cầu rất chậm và phần nào đó trì trệ cho đến giữa năm 2010, khi niềm tin của nhà đầu tư và tính ổn định của nền tài chính được củng cố.
Ðối với nền kinh tế nước ta, nếu xét về hệ thống tài chính tín dụng, thì thời điểm khó khăn nhất đã rơi vào quý II-2008, còn tăng trưởng kinh tế khó khăn nhất cũng đã rơi vào quý I-2009. Năm 2010 có thể xem là thời kỳ phục hồi và trên thực tế nền kinh tế nước ta đang phục hồi ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Nếu tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, kinh tế toàn cầu không có biến động lớn, với sự năng động vốn có của doanh nghiệp Việt Nam, thì mục tiêu tăng GDP năm 2010 với mức 6,5% là có tính khả thi.
Vấn đề trọng tâm của giai đoạn "sau suy giảm" là tổ chức lại nền kinh tế nhằm chuyển nền kinh tế từ tính chất gia công sang sản xuất; tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; chuyển nền kinh tế từ lệ thuộc sang tương thuộc trong quá trình hội nhập nhằm xác lập vị thế của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ "hậu khủng hoảng" của thế giới với sự dự báo sẽ diễn ra cuộc chạy đua nhằm thay đổi trật tự kinh tế quốc tế trong quan hệ toàn cầu và khu vực. Do đó, Chính phủ cần có một Chương trình tổng thể để thực hiện mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, với một lộ trình rõ ràng, có mục tiêu định lượng cụ thể, kèm theo các chính sách kinh tế, tài chính bảo đảm cho việc thực thi các mục tiêu đề ra. Một chương trình như vậy cần được ban hành sớm để thực hiện từ năm 2010 nhằm hỗ trợ và định hướng đầu tư cho doanh nghiệp ngay từ giai đoạn phục hồi, góp phần đưa nền kinh tế bước sang giai đoạn hồi phục theo hướng bền vững.
Từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, có thể nhìn thấy những "thị trường mới nổi" nào phục hồi nhanh đều khai thác có hiệu quả thị trường nội địa của họ. Ðiều kiện tiên quyết để có thể chuyển hướng nhanh từ thị trường xuất khẩu sang thị trường nội địa là tỷ trọng nội địa hóa cao trong cơ cấu giá trị hàng hóa được sản xuất ở nước đó. Với tính chất của một nền kinh tế có tỷ trọng nội địa hóa hàng hóa sản xuất trong nước thấp, thì khó có thể khai thác có hiệu quả thị trường nội địa. Thực tế cho thấy, khi Chính phủ ban hành Quyết định số 497/QÐ-TTg về hỗ trợ tín dụng cho khu vực nông thôn đã vấp ngay trở ngại về "hàng nội địa", nên hiệu quả rất thấp. Chủ trương của Bộ Chính trị khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam là đúng đắn, nhưng để chủ trương này mang lại kết quả cao, cần tổ chức lại nền sản xuất, xây dựng thương hiệu Việt Nam, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước. Chính sách và giải pháp kinh tế hiện nay cần định hướng cho các doanh nghiệp đầu tư mở rộng thị trường nội địa và gắn vấn đề này với việc hỗ trợ tín dụng trung hạn, dài hạn cho các doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, phát triển sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong hai năm qua, nhất là giai đoạn nền kinh tế có dấu hiệu lạm phát cao từ cuối năm 2007 đến giữa năm 2008, do biến động của kinh tế vĩ mô và phần nào do yếu tố tâm lý, việc huy động vốn trung hạn, dài hạn gặp khó khăn. Hoạt động của thị trường chứng khoán chủ yếu ở thị trường thứ cấp; doanh nghiệp không có khả năng huy động vốn trực tiếp trên thị trường, mà phải dựa vào các định chế tài chính – tín dụng trung gian nên nguồn vốn đầu tư trung hạn, dài hạn phải dựa vào hệ thống ngân hàng thương mại. Vừa qua để bảo đảm an toàn của hệ thống, ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh cơ cấu tín dụng trung hạn, dài hạn trong dư nợ tín dụng của ngân hàng thương mại từ 40% xuống còn 30% nên nguồn tín dụng này sẽ căng thẳng trong thời gian tới. Ðể hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng thời cơ đầu tư chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, cơ cấu thị trường, thì cần phải có giải pháp cho nguồn vốn trung hạn, dài hạn ngoài hệ thống ngân hàng thương mại thông qua vai trò của thị trường chứng khoán và các định chế đầu tư.