Việt Nam được coi là 1/5 nước chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Và không chỉ có vựa lúa ĐBSCL nằm ven biển phải hứng chịu mà cây cà phê chót vót trên Tây Nguyên cũng không thoát khỏi những tác động đó.
Ở Peru nước SX cà phê lớn thứ ba ở Nam Mỹ sản lượng cà phê năm 2009 giảm 30% do sự biến đổi khí hậu và thiếu lao động. Sản lượng cà phê ở Kenya giảm 4% do mưa nhiều. Indonesia là nước sản xuất cà phê lớn thứ hai ở châu Á sản lượng cà phê năm nay giảm do mưa lớn suốt thời kỳ cà phê nở hoa. Sản lượng cà phê của Ấn Độ cũng giảm 19% do mưa.
Ở nước ta, chúng ta không thể không nói đến những đợt mưa lớn cuối mùa kéo dài ở Tây Nguyên năm 2008. Chính hiện tượng đó đã tác động lớn đến sản lượng và chất lượng cà phê tại đây. Thường thường tháng 11 hàng năm chỉ có những trận mưa cuối mùa với lượng mưa không lớn, nhưng năm 2008 lượng mưa trung bình tháng 11 hàng năm ở Buôn Ma Thuột là 94,4mm, con số này đã tăng lên đến 149mm. Cũng như thế lượng mưa trung bình hàng năm tháng 11 ở Pleiku là 46,5mm đã tăng lên 165mm vào năm 2007 và 83mm vào năm 2008.
Cà phê thường bắt đầu thu hoạch vào tháng 10 hàng năm. Vào vụ hái cà phê, mưa lớn đã gây trở ngại nhiều. Vụ thu hoạch phải kéo dài do cà phê nhiều nơi bị nẫu. Cà phê hái về phải ủ đống chờ sân phơi dẫn đến cà phê ủng, lên men, khi chế biến cà phê nhân bị đen nhiều. Do mùa mưa kéo dài dẫn đến cà phê ra hoa nhiều đợt ảnh hưởng đến tình hình đậu quả, nuôi quả và sau này quả chín lai rai.
Ở thái cực khác, sự biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao lên và lượng mưa giảm rõ rệt sẽ tác động mạnh đến sự thiếu hụt nước ngọt do sự biến đổi khí hậu mang đến. Ông Ayumi Konishi- GĐ quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nói: "Lượng mưa có thể bị giảm đáng kể ở Việt Nam trong vài thập niên tới và trên 12 triệu người sẽ bị tác động bởi sự thiếu nước. Cây cà phê cần được tưới nước trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4. Sự thiếu nước sẽ làm quả cà phê bị nhỏ đi và làm giảm sản lượng".
Sự biến đổi khí hậu sẽ đem đến những tác hại cho cây cà phê như thế nào? Hầu như nhiệt độ ở vùng nhiệt đới sẽ tăng 2 độ C vào cuối thế kỷ 21. Vì cà phê có một giới hạn trên về nhiệt độ, sự tăng cao hơn nhiệt độ giới hạn đó năng suất sẽ bắt đầu giảm nghiêm trọng, như thế có nghĩa là giới hạn cho độ cao trên mực nước biển mà cây cà phê có thể trồng có hiệu quả sẽ tăng lên 3- 4m/năm, tức là 10mm/ngày. Cả đến ở nơi có độ cao trên mực nước biển cao hơn, ở đó trồng được những giống cà phê chất lượng tốt nhất nhưng khi nhiệt độ cao hơn nó sẽ bị giảm chất lượng vì quả cà phê chín quá nhanh trước khi quả cà phê đã phát triển đầy đủ.
Ngành cà phê Việt Nam sẽ đối phó với sự biến đổi khí hậu như thế nào? Đây là một vấn đề lớn cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Cần sớm có định hướng đúng đắn chuẩn xác cho cây cà phê. Và khi xem xét cây cà phê không thể không liên quan đến nhiều cây khác trong cùng một điều kiện. Theo TS Peter Baker của Anh, đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu người ta có thể giải quyết theo 4 sự lựa chọn sau: thay đổi quy hoạch, đưa cây cà phê lên các vùng khác, làm giảm nhẹ tác động của sự biến đổi khí hậu, thích nghi với sự biến đổi khí hậu và đa dạng hóa sản phẩm.
Ở một số vùng thấp, khô hạn có thể phải bỏ cây cà phê và như thế người ta phải tìm những cây thích hợp khác thay thế như cây điều chẳng hạn. Việc đưa cây cao su lên phía bắc Việt Nam sẽ trở thành thích hợp không cần bàn cãi. |
Về vấn đề quy hoạch, cây cà phê có thể di chuyển theo hai hướng, lên cao về vĩ độ và lên cao hơn so với mực nước biển. Ở nước ta vấn đề phân vùng quy hoạch cây cà phê Robusta có lẽ không đáng lo ngại về mặt nhiệt độ vì cây cà phê Robusta được trồng tập trung ở Tây Nguyên là vùng đã ở độ cao cả về vĩ độ và độ cao trên mực nước biển. Vấn đề ở đây là kỹ thuật trồng trọt chăm sóc và nhất là vấn đề nước tưới.
Vấn đề chủ yếu là cây cà phê Arabica vì cái ngưỡng về độ cao tối thiểu với các vùng cà phê Arabica ở Việt Nam lâu nay là 600-700m trên mực nước biển thì nay phải đưa lên cao hơn. Khi đó vấn đề đặt ra là nước tưới cho cà phê. Tình hình khô hạn sẽ tác động đến các vùng có tưới cà phê. Do đó ở nước ta vấn đề phân vùng nông nghiệp, quy hoạch sử dụng tài nguyên thiên nhiên đất đai cho mục tiêu an toàn lương thực, cho cây công nghiệp dài ngày, cho các loại cây năng lượng cần được xem xét các yếu tố về nguồn nước.
Về kỹ thuật nông nghiệp, phải quan tâm đến các biện pháp trồng cây che bóng vừa để cải thiện điều kiện về khí hậu trong vườn cà phê vừa để đa dạng hóa cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm trong vùng cà phê. Các biện pháp dùng nhiều phân hữu cơ, trồng cây phủ đất, tủ gốc cho cây cà phê…là những biện pháp kỹ thuật quan trọng cần được áp dụng. Cũng cần chú ý biện pháp kỹ thuật tỉa cành tạo hình cho cây cà phê để cây cà phê phát triển "hợp lý" hơn, bớt tiêu hao dinh dưỡng và nước hơn, cho hiệu quả cao hơn.