(Dân trí) – Bắt đầu từ năm học 2009 – 2010, mức thu học phí đối với sinh viên hệ cử tuyển đã thay đổi. Theo đó, mức học phí mà địa phương phải trả cho trường để đào tạo sinh viên hệ đại học cử tuyển của địa phương từ 50.000 – 240.000 đồng/tháng/sinh viên.
Theo quy định của Chính phủ từ ngày 01/01/2008, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chi trả kinh phí đào tạo cử tuyển (bao gồm cả học bổng chính sách, trợ cấp tiền ăn ở, đi lại và tiền học phí của người học theo chế độ cử tuyển)… trên cơ sở hợp đồng đào tạo giữa Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ sở giáo dục. Chỉ tiêu đào tạo cử tuyển được xác định trong chỉ tiêu đào tạo hệ chính quy.
Từ năm học 2008 – 2009 trở về trước, mức mà địa phương phải trả cho trường để đào tạo HS,SV cử tuyển của địa phương căn cứ theo Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể học phí dạy nghề từ 20.000-120.000đ/tháng/học sinh; học phí trung học chuyên nghiệp từ 15.000-100.000đ/tháng/học sinh; học phí cao đẳng từ 40.000-150.000đ/tháng/sinh viên; học phí đại học từu 50.000-180.000đ/tháng/sinh viên.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm học 2009 – 2010, Bộ GD-ĐT đã tăng mức học phí đối với HS,SV hệ cử tuyển. Theo đó, mức học phí mà địa phương phải trả cho trường để đào tạo HS,SV cử tuyển của địa phương căn cứ theo Quyết định số 1310/QĐ-TTg ngày 21/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể: Học phí dạy nghề từ trình độ trung cấp nghề trở xuống từ 20.000 đến 160.000đồng/tháng/học sinh; học phí trung cấp chuyên nghiệp từ 15.000 – 135.000đ/tháng/học sinh; học phí cao đẳng nghề từ 40.000 – 200.000đ/tháng/sinh viên; học phí đại học từ 50.000 – 240.000 đồng/tháng/sinh viên.
Mức thu học phí đối với HS,SV cử tuyển của từng ngành học không được phép vượt quá mức học phí của ngành học đó do nhà trường xác định theo từng năm học trong khung học phí quy định trên.