Vừa qua, khoa Cơ khí- Công nghệ và khoa Thủy sản trường Đại học Nông Lâm Huế đã tổ chức Hội thảo Thực trạng đào tạo và giải pháp xây dựng chương trình đào tạo ngành Cơ khí chế biến nông sản thực phẩm và Nuôi trồng Thủy sản theo học chế tín chỉ. Đến dự Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Minh Hiếu- Hiệu trưởng trường ĐHNL, cùng các đại diện trường ĐHNL TPHCM, ĐH Nông Nghiệp Hà Nội, ĐH Cần Thơ, ĐH Nha Trang, ĐH Vinh….
Hội thảo nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về ngành học CKBQCBNSTP và ngành NTTS ở Việt Nam thông qua các hoạt động nghiên cứu thực tiễn để thiếp lập khung chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn: đánh giá thực trạng đào tạo ngành Cơ khí chế biến nông sản thực phẩm và Nuôi trồng Thủy sản; xây dựng mục đích đào tạo ngành CKCBNS &NTTS phù hợp xu thế phát triển của xã hội; giải pháp hoàn thiện chương trình ngành học cả hai ngành trên; nhằm tạo được sự thống nhất về khung chương trình đào tạo giữa các trường. Đồng thời tạo ra sự gắn kết giữa cơ sở đào tạo, các đơn vị sản xuất kinh doanh, các nhà quản lý trong triển khai chương trình đào tạo.
Hội thảo đã đưa ra một số kết quả nghiên cứu như: kết cấu chương trình của cơ sở đào tạo; kết quả đánh giá về thực trạng đào tạo ngành Cơ khí bảo quản chế biến nông sản thực phẩm & Nuôi trồng Thủy sản từ các nhóm đối tượng: cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên.
Hội thảo cũng cho rằng: Số lượng các cơ sở đào tạo và lượng sinh viên ngành Cơ khí chế biến nông sản thực phẩm ở Việt Nam có xu thế giảm và ở chuyên ngành Nuôi trồng Thủy sản có xu thế tăng; chương trình và nội dung đào tạo của các trường chủ yếu giống nhau về các học phần chính trị và kiến thức giáo dục đại cương; về kết cấu chương trình đào tạo thích ứng với thực tiễn sản xuất còn thấp, thực tế, thực hành, thực tập chưa đảm bảo yêu cầu; phần kiến thức chuyên ngành chưa sâu, một số môn học chưa phù hợp.
Hội thảo cũng kiến nghị: xây dựng hệ thống các tiêu chuẩn để tiến hành khảo sát, đánh giá một cách cơ bản và toàn diện về năng lực đào tạo; khẩn trương xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý đủ về số lượng, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ; cần bổ sung các môn học chuyên ngành CKCB & NTTS; đầu tư nhiều hơn về trang thiết bị máy móc và chi phí thực hành thực tập liên kết tốt hơn với cơ sở sản xuất để sinh viên có đủ điều kiện tiếp xúc với thực tế.