“Con tàu” VAC và hành trình xóa đói giảm nghèo

KTNT – Phải khẳng định rằng, thành tích xóa đói giảm nghèo mà nước ta đạt được trong những năm gần đây là kết quả tổng hòa của toàn xã hội, sự nỗ lực của các cấp chính quyền, ngành chức năng và người dân. Đóng góp không nhỏ cho thành công đó là mô hình kinh tế VAC. Vừa giúp bà con thoát nghèo, ổn định cuộc sống, mô hình này đang từng bước chứng minh được sự bền vững của mình trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.

VAC đem lại cuộc sống ấm no hơn cho nhiều hộ gia đình.

Xóa nghèo không khó

Chủ tịch Trung ương HLV Việt Nam Nguyễn Ngọc Trìu khẳng định, muốn xóa nghèo, điều quan trọng nhất là phải tìm được phương pháp thoát nghèo hiệu quả, lâu bền. Ông nhấn mạnh: "Trên thế giới không ít quốc gia có tỷ lệ tái nghèo cao. Một phần vì họ chủ quan với những kết quả đã đạt được. Ở Việt Nam, nhờ lựa chọn những mô hình kinh tế phù hợp, bền vững, do đó, tỷ lệ tái nghèo của chúng ta thấp".

Chủ tịch Nguyễn Ngọc Trìu đưa ra ví dụ: "Nhiều người coi VAC là mô hình kinh tế bình thường, khó tạo ra bước đột biến, nhưng thực tế không phải vậy. Tôi đã từng đến thăm Trung Sơn Trầm, một thôn nghèo khó trước đây của thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Điều khiến tôi ngạc nhiên là sự phong quang, sạch sẽ, đường làng, ngõ xóm được bê -tông hoá, vườn nối vườn hoa thơm quả ngọt… Hỏi ra mới biết, cả thôn đã đầu tư khoảng 970 triệu đồng để phát triển VAC. Phần lớn các gia đình đã cải tạo vườn tạp, tổng thu từ VAC của thôn đạt gần 7 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, gần nửa số hộ trong thôn đã có cuộc sống khá giả, chỉ còn 43 hộ nghèo".

Thế mới thấy, VAC thực sự là mô hình nhiều ưu điểm, trong đó phải kể đến việc có thể khai thác triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên, tạo thành quy trình sản xuất khép kín tái sinh năng lượng không có vật thải với sản phẩm hàng hóa đa dạng, an toàn cho môi trường.

VAC mang no ấm đến mọi nơi

Ở bất kỳ vùng miền nào, mô hình VAC cũng có thể "thiên biến vạn hóa" để thích nghi và mang lại hiệu quả cao. Chẳng thế mà ở Hà Giang – nơi quanh năm thiếu nước, cơ sở vật chất khó khăn nhưng vẫn có không ít nông dân giàu lên nhờ VAC.

Gia đình ông Đoàn Hùng Tự ở thôn Quyết Thắng, xã Ngọc Đường (thị xã Hà Giang) làm trang trại tổng hợp với 500 gốc na trên 10 năm tuổi; 100 cây ổi. Ông áp dụng kỹ thuật ngắt búp, đốn cành và bọc quả kết hợp với chăm sóc thâm canh nên chất lượng quả tốt, giá bán từ 15.000 – 20.000 đồng/kg. Kết hợp làm vườn, gia đình ông đã đầu tư cải tạo ruộng trũng thành ao để nuôi cá, xây dựng chuồng trại nuôi lợn nái, lợn thịt và chăn nuôi gà thả vườn. Với mô hình trang trại VAC tổng hợp, gia đình ông có tổng thu nhập 108 triệu đồng/năm.

Xuôi xuống huyện Quế Võ (Bắc Ninh), sự hiển diện của VAC trong xóa đói giảm nghèo khá rõ ràng. Vốn là vùng chiêm trũng với 2 vụ lúa/năm, không có nghề phụ, nên thu nhập bình quân thấp. Từ khi lãnh đạo địa phương chỉ đạo HLV triển khai các dự án phát triển kinh tế, sắc diện làng quê đã thay đổi hẳn. Bằng nguồn vốn trợ cấp ban đầu, dự án giúp các hộ nông dân nghèo đầu tư vào mô hình VAC với quy mô khác nhau tùy theo điều kiện cụ thể của từng hộ. Kết quả cho thấy lợi ích từ mô hình VAC mang lại cao hơn gấp nhiều lần so với việc canh tác lúa.

Và còn rất nhiều những vùng đất cằn cỗi, hoang hóa, những ao hồ tù đọng hồi sinh và "nhả vàng" nhờ VAC. Chắc hẳn trong tương lai mô hình này sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả để trở thành nhân tố quan trọng xóa đói giảm nghèo và trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.