|
Chăm sóc rau mùa ở HTX Hòa Bình, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội). |
Nông thôn sau hơn 20 năm đổi mới Sau hơn 20 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Ở khu vực nông thôn giá trị sản lượng nông nghiệp tăng trưởng trung bình 4,5-5%/năm. Ngành nghề, dịch vụ và làng nghề truyền thống tăng trưởng 15%/năm. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch tích cực theo hướng đa dạng. Tỷ trọng ngành nghề và dịch vụ tăng lên 35%. Nhiều nghề truyền thống như thêu, dệt thổ cẩm, gốm sứ, mây tre đan được khôi phục. Ðến nay, 95% số xã có đường ô-tô đến khu trung tâm, hơn 85% xã có điện. Tỷ lệ dân nông thôn có nước sinh hoạt đạt 62%. Trong gần mười năm qua, Bộ NN và PTNT đã hai lần triển khai mô hình xây dựng NTM. Năm 2001, Ban Kinh tế T.Ư phối hợp Bộ NN và PTNT chọn 14 xã xây dựng NTM (sau tăng lên 18 xã), đồng thời các tỉnh cũng chọn thêm 200 xã xây dựng mô hình thí điểm. Ðến năm 2007, Bộ NN và PTNT triển khai đề án xây dựng NTM cấp thôn, bản theo chủ trương dựa vào nội lực và do cộng đồng làm chủ. Theo đánh giá của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, qua hai lần triển khai thí điểm, bên cạnh việc làm thay đổi rõ nét bộ mặt cơ sở hạ tầng các xã được đầu tư thì cũng có nhiều bài học kinh nghiệm được tổng kết, như phần lớn các xã thường quá chú trọng đến đầu tư xây dựng cơ bản, chưa quan tâm đúng mức phát triển sản xuất, chưa đầu tư thỏa đáng cho phát triển ngành nghề, công nghiệp nông thôn, dịch vụ. Ða số các dự án còn dàn trải, quy hoạch phát triển chưa phù hợp do đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Các phương án quy hoạch xã điểm đều do các cơ quan tư vấn soạn thảo, thiếu tính khả thi, chưa sát với thực tiễn địa phương và nhu cầu thiết thực của người dân. Phương châm đầu tư là dựa vào nguồn lực tại chỗ là chính, Nhà nước hỗ trợ một phần, nhưng chỉ có khoảng một nửa số xã, nhân dân đóng góp 47 – 55% tổng vốn đầu tư, còn lại mức huy động chỉ đạt 10% tổng vốn đầu tư. Do không xác định rõ nguồn vốn, quá trình triển khai thiếu nguồn lực cụ thể, không thu hút được đóng góp của dân, dẫn đến hiệu quả còn hạn chế. Khơi dậy sự sáng tạo Thực tế tại nhiều địa phương cho thấy, việc xây dựng chương trình NTM trong những năm gần đây chủ yếu vẫn mang tính đơn lẻ, mỗi địa phương có cách làm khác nhau. Tiến độ xây dựng NTM vẫn dừng lại ở dạng mô hình thí điểm. Rất ít địa phương có chương trình tổng thể, hoặc có nhưng còn lúng túng, thụ động, chưa quyết liệt trong triển khai, thực hiện. Theo đồng chí Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục PTNT Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có 230 xã, phường. Trong 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, các xã mới chỉ đạt khoảng 63% các tiêu chí đó, trong đó riêng tiêu chí về chuyển dịch cơ cấu lao động mới chỉ đạt gần 40%. Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch đến năm 2011 có chín xã đạt tiêu chuẩn NTM (tám xã triển khai cùng lúc với Tân Thịnh), năm 2015 có 40 xã và 2020 có 85 xã đạt 19 tiêu chí này. Xác định chặng đường như thế, nhưng "Nếu không giải quyết triệt để vấn đề chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp thì rất khó đạt mục tiêu đề ra". Ðây cũng là khó khăn lớn nhất của hầu hết các địa phương khác trong quá trình xây dựng NTM. Nam Ðịnh nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lương thực – thực phẩm của đồng bằng Bắc Bộ, mỗi năm sản xuất khoảng một triệu tấn lương thực, hơn 50 nghìn tấn lợn thịt, có gần 80% dân số sống ở nông thôn. Theo Sở NN và PTNT Nam Ðịnh, việc xây dựng NTM là nhiệm vụ lớn, nhiều vấn đề mới, nhưng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành chưa cụ thể, đồng bộ, cho nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Nhu cầu vốn lớn, trong khi khả năng đầu tư của địa phương và đóng góp của dân hạn chế. Một số huyện chưa thật sự quan tâm xây dựng mô hình NTM nên tiến độ triển khai chậm. Chi cục trưởng Chi cục HTX và PTNT Nam Ðịnh Nguyễn Mạnh Quyết cho biết: Ngoài mô hình NTM ở Hải Ðường, Nam Ðịnh lựa chọn mười xã cùng làm thí điểm mô hình NTM với kỳ vọng sự thành công của các mô hình này sẽ tạo tiền đề để nhân rộng ra toàn tỉnh. Tỉnh Hải Dương hiện có 263 xã, phường, thị trấn, trong đó có 234 xã vùng nông thôn, có gần 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động và 80% lao động làm nông nghiệp. Hơn 20 năm đổi mới, nông nghiệp, nông thôn và nông dân Hải Dương có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh ba năm (2006-2008) đạt bình quân 3%/năm; giá trị một ha đất canh tác tăng từ 42,7 triệu đồng lên 67,2 triệu đồng/năm. Ðến hết năm 2008, số hộ nghèo của tỉnh vẫn còn ở mức cao (9,9%); thu nhập bình quân đầu người đạt 10,5 triệu đồng/năm (mức trung bình ở vùng đồng bằng sông Hồng). Trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân đang bộc lộ nhiều bất cập: Chỉ có gần 10% số lao động nông nghiệp được đào tạo; hơn 15 nghìn lao động nông nghiệp không có việc làm do bị thu hồi đất để phát triển khu công nghiệp, nhưng việc đào tạo nghề và chuyển nghề cho nông dân vùng bị thu hồi đất còn hạn chế; khoảng cách giàu-nghèo ngày càng xa; một số chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp chưa phát huy hiệu quả; quy hoạch phát triển nông thôn chậm; ô nhiễm môi trường nông thôn ngày càng tăng. Là xã trung du thuộc huyện Lạng Giang (Bắc Giang), Tân Dĩnh thuận lợi nhờ có vị trí địa lý tương đối bằng phẳng, nằm ở vùng ngoại ô TP Bắc Giang, dân cư sống tập trung và có thu nhập bình quân 13 triệu đồng/người/năm. Gần mười năm trước, Tân Dĩnh là một trong ba xã đầu tiên trong tỉnh được Bộ NN và PTNT đầu tư xây dựng mô hình NTM. Hầu hết các hạng mục đầu tư chủ yếu là xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương, hệ thống nước sạch, hình thành tổ dọn rác. Tuy nhiên, theo Bí thư Ðảng ủy xã Nghiêm Ðình Vân, cái được lớn nhất là cơ sở hạ tầng được xây dựng, thuận tiện cho phát triển sản xuất, nhưng cách làm, cách đầu tư thì cần phải rút kinh nghiệm. Trong nhận thức của các cấp chính quyền còn coi đó là dự án của T.Ư đầu tư, nên chưa tập trung nội lực và huy động các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh vào cuộc. Thay đổi cách đầu tư Theo TS Vũ Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm PTNT, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN và PTNT), đạt chuẩn NTM không phải chỉ là phần cứng (hạ tầng nông thôn) mà còn về tổ chức xã hội, thể chế mới, văn hóa mới, một nông thôn vừa giữ được tính truyền thống mà vẫn đáp ứng được yêu cầu văn minh hiện đại. Khó khăn lớn nhất vẫn là cơ chế, chính sách để cộng đồng dân cư nông thôn, các doanh nghiệp, chính quyền địa phương chủ động vào cuộc, không trông chờ ngân sách Nhà nước. Hơn nữa, việc bố trí vốn ngân sách hỗ trợ, cơ chế sử dụng vốn cũng là điều cần thay đổi so với các chương trình dự án trước kia. Do vậy, ưu tiên hàng đầu là Nhà nước cần nghiên cứu xây dựng chính sách, cơ chế mới theo định hướng khuyến khích hộ gia đình, doanh nghiệp, các địa phương, các hiệp hội, HTX, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ… xây dựng NTM. Hơn nữa, để không đi vào "lối mòn" các chương trình trước kia, nguồn vốn cho xây dựng NTM nên dành một phần xây dựng các Quỹ hỗ trợ phát triển của từng xã để cho nông dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh vay đầu tư hạ tầng, sản xuất. Quy hoạch nông thôn và cơ cấu lao động trong nông nghiệp Thực tế tại các địa phương đang triển khai xây dựng phong trào NTM, chúng tôi nhận thấy hai tiêu chí quy hoạch và giải quyết cơ cấu lao động nông nghiệp là những vấn đề khó giải quyết, nhất là đối với các tỉnh trung du. Theo thống kê, cả nước hiện chỉ có khoảng 2% số xã được quy hoạch, phần lớn các phong trào xây dựng NTM vẫn phát triển theo kiểu tự phát, đầu tư thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả và bền vững, nguyên nhân chính vẫn do thiếu một quy hoạch tổng thể, bền vững. Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2010 sẽ có 100% số xã phải hoàn thành quy hoạch. Tại các tỉnh trung du, miền núi, công tác quy hoạch lại càng khó khăn hơn do địa hình chia cắt, đời sống nhân dân còn nghèo. Theo TS Vũ Trọng Bình, để giải quyết vấn đề quy hoạch nông thôn, cần nghiên cứu xác định rõ chiến lược, định hướng phát triển kinh tế-xã hội nông thôn cả nước, từng vùng. Quy hoạch nông thôn cần phù hợp với từng vùng, nhằm bảo đảm tính đặc trưng, có ranh giới công khai, để các địa phương tiến hành quy hoạch chi tiết. Việc quy hoạch ổn định 20-50 năm theo vùng, theo đúng các quy định của pháp luật là hết sức cần thiết để doanh nghiệp, người dân yên tâm đầu tư lâu dài và làm cho thị trường đất đai ổn định, không làm giá đất nông thôn xáo trộn. Kinh nghiệm từ triển khai xây dựng NTM cấp thôn, bản cho thấy, để có thể hoàn thành sớm công tác quy hoạch, ngoài sự giúp sức của các cơ quan chức năng, ở mỗi xã, thôn cũng cần tự xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch của làng mình trên cơ sở sự tham gia trực tiếp của cộng đồng dân cư. Ở các tỉnh đồng bằng và những nơi thuận lợi về giao thông, được quy hoạch phát triển gắn với khu công nghiệp, việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp thuận lợi hơn những xã thuần nông hoặc có địa hình, điều kiện sinh thái khó khăn. Chính vì vậy, để phong trào xây dựng NTM ở những xã nghèo có tính khả thi, vấn đề mấu chốt là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Chúng tôi nhớ mãi lời của bác Chức ở thôn Lèo: "Không thể xây dựng NTM nếu như người dân còn nghèo khổ. Cho dù có đầu tư nhiều tiền xây dựng bộ mặt làng, xã khang trang, nhưng đời sống nhân dân nghèo, thu nhập thấp sẽ không đủ "lực" để góp vốn, không thể xây dựng NTM".
19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới Ngày 16-4-2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 491/QÐ-TTg, ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về NTM bao gồm 19 tiêu chí, được chia thành năm nhóm cụ thể: nhóm tiêu chí về quy hoạch, về hạ tầng kinh tế-xã hội, về kinh tế và tổ chức sản xuất, về văn hóa-xã hội-môi trường và về hệ thống chính trị. Ðó là các tiêu chí quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập bình quân đầu người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và an ninh, trật tự xã hội… Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đề ra mục tiêu đến năm 2020, trên 50% số xã đạt chuẩn, cơ bản xây dựng kết cấu hạ tầng theo chuẩn nông thôn mới, tăng thu nhập của người dân lên gấp 2,5 lần hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo dưới 3%… Từ nay đến 2010, phấn đấu sẽ quy hoạch xong 100% xã NTM. Các xã NTM phải đáp ứng được 19 tiêu chí. Sẽ có 11 đề án để hiện thực hóa chương trình này. Trung bình, mỗi xã cần đầu tư 120-150 tỷ đồng, trong đó 6-7 hạng mục dự kiến được Nhà nước hỗ trợ 100% hoặc một phần (30-90%) tùy từng vùng và nội dung hỗ trợ.
|
Kỳ 1: Diện mạo mới của làng, xã |