CPI tăng cao nhất từ đầu năm đến nay: Lại lo lạm phát

Việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TPHCM từ 0,22% tháng 8 đã tăng vượt ngưỡng lên 1,59% trong tháng 9, còn Hà Nội dù khiêm tốn hơn cũng tăng 0,77% đang làm dấy lên nỗi lo lạm phát.

  <!–

Tháng đầu tiên kể từ cuối năm 2008, CPI tháng 9 ở 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM lại tăng “phi mã”.

–>

CPI tăng cao là do giá xăng dầu tăng liên tiếp trong những tháng gần đây

Tháng đầu tiên kể từ cuối năm 2008, CPI tháng 9 ở 2 TP lớn là Hà Nội và TPHCM lại tăng "phi mã". Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, có 2 nguyên nhân chính làm cho CPI tăng đột biến, đó là tác động tiêu cực của giá xăng dầu sau nhiều lần tăng, trong đó 2 lần gần đây nhất tăng 1.500 đồng/lít, và hầu hết các trường ĐH, CĐ đều tăng học phí lên mức trần theo khung học phí được Thủ tướng phê duyệt hôm 21/8.

Bà Trần Thị Hằng, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại- dịch vụ và giá cả (Tổng cục Thống kê) cho rằng, đây có thể là dấu hiệu của tình trạng lạm phát đã quay trở lại, trong khi nền kinh tế bắt đầu có dấu hiệu hồi phục thì nếu xảy ra lạm phát ở thời điểm này là một yếu tố bất lợi. "Nguyên nhân chính khiến CPI tăng cao là do giá xăng đã tăng liên tiếp, mà xăng dầu chính là đầu vào quan trọng của nhiều ngành kinh tế, đo đó nó đã gián tiếp đẩy giá hàng hóa, vận chuyển và các dịch vụ lên cao", bà Hằng phân tích.

Liên quan đến chỉ số giá các mặt hàng từ nay đến cuối năm, căn cứ vào nhận định của nhiều chuyên gia trong ngành thống kê, có thể thấy rằng, với xu thế tiêu dùng hiện tại không tăng mạnh và nguồn cung hàng hóa vẫn còn nhiều, chỉ số giá tháng 10/2009 sẽ không đủ "lực đẩy" để tăng cao như trong tháng 9. Tuy nhiên, với tác động tiêu cực và mang tính hiệu ứng "đô-mi-nô" của tăng giá xăng dầu thì khả năng tăng cao của CPI từ nay đến cuối năm là điều không thể loại trừ.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế – xã hội Hà Nội nhận xét rằng, thông lệ mọi năm, trong khoảng 3 tháng, từ tháng 8 đến tháng 10, CPI luôn trong ngưỡng tăng thấp, từ 0,1% đến 0,4%/tháng. Tuy nhiên, năm nay lại đi trái với quy luật, điều này chứng tỏ rằng, khi nền kinh tế được phục hồi bằng hàng loạt các giải pháp mang tính hệ thống của Chính phủ, thì cũng là lúc các dấu hiệu của mặt trái xuất hiện. Đây là minh chứng cho tình trạng lạm phát, và nếu không được giải quyết kịp thời, có thể ảnh hưởng xấu đến hàng loạt kế hoạch về điều hành kinh tế vĩ mô.

Các chuyên gia của Bộ KH- ĐT cho rằng, CPI năm nay có thể chỉ tăng khoảng 7% so với tháng 12/2008. Tuy nhiên, nếu không có các biện pháp quản lý phù hợp, nhiều khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ vượt quá ngưỡng kế hoạch 25-30% và điều này sẽ tác động mạnh đến tăng mặt bằng giá trong năm 2009 và cả năm sau.

Như vậy, từ đầu năm đến nay, CPI của 9 tháng đã lên đến mức gần 2 con số. Mặc dù những diễn biến trên thị trường cho thấy, áp lực tái lạm phát trong năm nay không còn quá nặng nề như lo ngại của không ít chuyên gia kinh tế, song vẫn có những ý kiến cho rằng, rất có thể một chu trình tăng giá mới đang bắt đầu. Theo dự báo của ông Phong, nhiều khả năng trong tháng tới, tốc độ tăng chỉ số CPI sẽ cao hơn, do giá một số mặt hàng trên thế giới sẽ tăng, qua đó tác động tới giá cả thị trường trong nước. Ông Phong là người luôn cảnh báo khả năng tái lạm phát.

Theo phân tích của các nhà hoạch định chính sách của Bộ KH- ĐT, giá dầu thô hiện đã lên tới trên 70 USD/thùng, cao hơn gần gấp 2 lần mức giá thấp nhất trong quý I. Tình hình phục hồi, giá cả thế giới tăng và các yếu tố tăng tổng cầu có khả năng thanh toán…cũng sẽ ảnh hưởng tới giá cả trong nước. Tuy khó có khả năng xảy ra cú sốc giá như trong năm 2008, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát vẫn cần được xem là một trong những nguy cơ lớn đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô.