Nhà báo Đức Trung (NNVN): Đáng sợ nhất là sự vô cảm
Nhà báo Đức Trung |
Năm 2004, khi tốt nghiệp ngành Báo chí, tôi may mắn được vào hàng ngũ của những người làm báo NNVN. Càng gắn bó với báo, càng đi nhiều, biết nhiều, tôi đã tìm thấy ở NNVN một người tri kỷ lạ kỳ. Ở đó, tôi được thỏa sức viết, nhất là trong lĩnh vực chống tiêu cực, luôn được lãnh đạo quan tâm, tạo mọi điều kiện để phát huy tối đa và đặc biệt không có chuyện "can thiệp giữa chừng".
Chính vì thế, các bài điều tra chống tiêu cực trên NNVN luôn giữ được bản sắc riêng, có đầu, có cuối. Điều này là vô cùng quan trọng trong môi trường báo chí hiện nay, và không phải cơ quan nào cũng may mắn có được. Cái sung sướng của người làm báo NNVN là vậy, chính vì thế, với tôi điều trăn trở là làm sao để những phản ánh của mình ngày một thiết thực hơn, hữu ích hơn và được cơ quan chức năng quan tâm giải quyết một cách thấu đáo nhất.
Xác định NNVN luôn là tờ báo hàng đầu ngành nông nghiệp, góp phần định hướng dư luận xã hội về ngành, tôi càng thận trọng hơn từng mẩu tin, bài viết vì bạn đọc của NNVN luôn tin tưởng những vấn đề báo nêu. Thế nhưng, hiện nay ở không ít cơ quan chức năng còn tình trạng dè dặt trong việc cung cấp thông tin, thậm chí lảng tránh không tiếp xúc với báo chí nhất là nội dung của nó liên quan đến tiêu cực, sai phạm…
Điều đó, đã và đang là những rào cản lớn cho tôi, các phóng viên của NNVN và các báo bạn. Không những thế, tình trạng thờ ơ vô cảm của không ít cơ quan hữu quan về hàng loạt những dấu hiệu sai phạm mà NNVN nêu đã và đang là những điều không chỉ dư luận mà những người cầm bút chúng tôi thấy rất sợ. Nói đâu xa, đơn cử gần đây nhất mà chúng tôi vừa thực hiện là vụ "Những kiểu lộng quyền của TGĐ Seaprodex Sài Gòn (Cty CP XNK Thủy sản Sài Gòn), dấu hiệu sai phạm của vị tổng giám đốc đã rành rành, thế nhưng vụ việc vẫn mãi trong vòng thanh tra…
Nhà báo Kha Thoa (Đài truyền hình Việt Nam):
Tôi suy nghĩ nhiều về một khu vực thông tin riêng cho nông thôn
Nhà báo Kha Thoa |
Trong quá trình theo dõi mảng nông nghiệp, điều tôi thường xuyên trăn trở đó chính là vấn đề thông tin cho nông thôn, cách tiếp cận thông tin của bà con nông dân và ngược lại, thông tin từ nông dân, đời sống nông thôn đến các nhà hoạch định chính sách. Năm 2008, giữa lúc khắp Đồng bằng Sông Cửu Long rất nóng bỏng chuyện thừa ế cá da trơn, tôi cũng có mặt ở đó và được nghe rất nhiều bà con nói rằng "chúng tôi đang sản xuất mù".
Quả đúng như vậy, bao năm qua, ngành thuỷ sản kêu gọi, hô hào nuôi cá da trơn xuất khẩu, song ngặt một nỗi, nông dân chỉ biết thông tin qua đài báo là Nhà nước khuyến khích nuôi cá da trơn xuất khẩu chứ không thấy nói nuôi bao nhiêu là vừa và được nuôi ở những vùng nào. Kết quả, nhiều người đốn cây, bỏ lúa để đào ao nuôi cá. Và chỉ đến khi doanh nghiệp từ chối mua cá thì lúc đó nông dân cũng mới biết rằng trên thị trường vẫn còn một lượng lớn cá da trơn chưa tiêu thụ hết.
Hay nói ngay với giống lúa IR 50404, cả năm 2008 và năm 2009, vụ đông xuân được mùa, được giá, đến vụ hè thu lại thừa ế và thương lái không mua. Nông dân đã dường như không biết đến khuyến cáo của cơ quan chức năng về những bất lợi của giống lúa này trong vụ hè thu.
Qua những câu chuyện này cho thấy, vấn đề ở đây không chỉ là chính sách mà trong rất nhiều trường hợp, thông tin đã không đến được với bà con hoặc đến không đầy đủ. Tại nhiều vùng nông thôn, bà con nghe nói có những chính sách hỗ trợ vốn vay, nhưng họ không biết phải vay ở đâu và làm những thủ tục gì, mặc dù có thể ngân hàng không gây khó, địa phương có lẽ cũng sẵn sàng xác nhận giấy tờ liên quan, nhưng nông dân không biết phải bắt đầu từ đâu…
Theo số liệu điều tra, tại các tỉnh phía Bắc có tới 90% người dân nông thôn không đọc báo viết, miền trung con số này còn cao hơn. Đài phát thanh, số người thường xuyên nghe cũng chỉ còn khoảng 40%. Chủ yếu bà con lấy thông tin trên truyền hình. Tuy nhiên, các chương trình truyền hình cũng bập bõm, lúc có lúc không, mặc dù gần đây, thời lượng về các vấn đề nông nghiệp nông thôn đã tăng lên khá nhiều. Kênh thông tin chính ngạch là qua chính quyền địa phương thì chẳng phải mỗi lúc họ lại họp dân để thông báo, chỉ có các nghị quyết được thông qua kênh này, còn lại các thông tin về luật, về thị trường, về chính sách đầu tư… bà con không được cung cấp đầy đủ.
Cũng vì vậy mà có những chính sách đưa ra với thiện chí của các nhà quản lý là nhằm hỗ trợ nông dân, song một số chính sách lại không được nông dân đón nhận. Hiện nay, với gói chính sách hỗ trợ 100% lãi suất để nông dân mua vật tư nông nghiệp, sau gần hai tháng triển khai, bà con nông dân tại miền Bắc không hào hứng.
Thực tế, mỗi gia đình có dăm bảy sào ruộng, tiền mua vật tư nông nghiệp nay vài trăm, mai vài ba trăm, số tiền không quá lớn và không tập trung, chính vì vậy, phải làm gần chục loại giấy tờ để vay một triệu, không khả thi lắm với bà con. Tuy nhiên, với Đồng bằng sông Cửu Long, chính sách này lại rất có ý nghĩa. Là vùng sản xuất hàng hoá lớn, bà con Đồng bằng Sông Cửu Long, mỗi vụ, có gia đình mua hàng trăm triệu tiền vật tư nông nghiệp. Khoản tiền vay lớn, số tiền được hỗ trợ lớn, bà con sẽ đón nhận nhiều hơn. Như vậy, các nhà hoạch định chính sách có vẻ như đã thiếu thông tin trong việc xây dựng chính sách này.
Như vậy, câu chuyện về thông tin và truyền thông đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hầu như chưa được tính đến. Nhất là việc làm thế nào để mọi chủ trương, chính sách, mọi thông tin hỗ trợ sản xuất và nâng cao dân trí đến được đầy đủ và kịp thời với bà con nông dân.
Chính vì vậy, lâu nay tôi đã suy nghĩ rất nhiều về một khu vực thông tin riêng cho nông thôn. Đây sẽ phải là phương tiện có sức mạnh nhất, khu vực thông tin này cũng phải rất chuyên biệt, dành riêng cho nông dân và những nhà quản lý, những người hoạch định chính sách cho nông thôn. Với những điều tra, nghiên cứu riêng về nông thôn, nông dân và nông nghiệp, khu vực thông tin này cũng đồng thời là một đơn vị tư vấn nhanh nhất, gần gũi nhất với bà con nông dân trong mọi lĩnh vực.
Nhà báo Lê Trường Duy (Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM):
Nông dân còn chịu nhiều thua thiệt
Nhà báo Lê Trường Duy đại diện cho nhà đài đi thăm hỏi, tặng quà những người già, neo đơn |
Trong cơ quan, tôi luôn được lãnh đạo đánh giá là phóng viên xông xáo, nhiệt huyết gắn bó với Ban Nông thôn của đài. Về những trăn trở của người chuyên theo dõi mảng nông nghiệp, theo tôi cái khó nhất của lĩnh vực này là phải đi về vùng sâu, vùng xa thì mới có thể tiếp cận và phản ánh được cuộc sống chân thực của người dân, vì thế đó là một trở ngại lớn nếu không rèn tính chịu khó và chịu lắng nghe.
Tuy nhiên, nếu thực sự đam mê với công việc của mình thì sẽ thấy đây là một lĩnh vực có rất nhiều thú vị bởi đất nước chúng ta vẫn là đất nước nông nghiệp. Mặc dù vậy, trong công việc tôi vẫn thường gặp không ít khó khăn để tiếp cận với những cán bộ, quan chức địa phương vì tâm lý còn dè dặt khi tiếp xúc với nhà báo.
Thực tế cho thấy, bà con nông dân của chúng ta vẫn còn chịu nhiều thua thiệt. Mặc dù là người trực tiếp sản xuất ra nông sản nhưng lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất đó không bao nhiêu nếu so với những người đi buôn bán chính sản phẩm của họ. Không những thế, nông dân phải chịu biết bao bức xúc như vật tư nông nghiệp giả, dởm, kém chất lượng mà không biết kêu ai.
Từ đó, tôi luôn đi sâu vào những bức xúc của người dân để phản ánh. Ngoài ra, là người phụ trách chuyên đề khuyến nông, trước tình hình biến đổi khí hậu toàn thế giới hiện nay đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp do đó tôi luôn tìm hiểu về những cây, con giống mới có năng suất cao, những hiến kế của những nhà khoa học, giáo sư đầu ngành nông nghiệp để tuyên truyền phổ biến cho bà con nông dân những mong đem lại hiệu quả tốt nhất…