Sẽ tăng mức cho vay tín dụng đối với học sinh, sinh viên?

gày 16.6, tại hội nghị sơ kết hai năm thực hiện tín dụng đối với HSSV, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định chính sách này nhằm giúp con em các đối tượng nghèo, cận nghèo được tiếp cận với nguồn vốn vay, không có HSSV nào phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí.

 

Mức tiền cho học sinh, sinh viên vay có thể sẽ được điều chỉnh.

Ảnh: Giang Huy.

Tuy nhiên, sau hai năm thực hiện, việc thu hồi vốn đang là vấn đề nan giải, thì nay thực tế lại đòi hỏi tăng mức cho vay…

Vẫn chưa có quy trình thu hồi vốn

Theo ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) – thống kê sau 2 năm cho HSSV vay tín dụng cho thấy, doanh số thu nợ trong kỳ đạt 146 tỉ đồng, trong khi doanh số cho vay đến nay là 13.517 tỉ đồng.

Thực tế tại Trường ĐH Đà Nẵng cho thấy, một số HSSV vay trước năm 2007 và có một số đã ra trường nên họ trả nợ vay cho ngân hàng, nhưng tỉ lệ số đã trả trên tổng số đã vay chỉ là gần 3%. Trường ĐH Lao động xã hội thì khẳng định, việc thực hiện cam kết trả nợ của HSSV được vay vốn trước khi tốt nghiệp ra trường với nhà trường là không có hiệu quả, bởi vì không có sự ràng buộc nhiều về mặt pháp lý giữa nhà trường với HSSV khi đã tốt nghiệp ra trường.

Sở LĐTBXH Đà Nẵng cũng cho rằng, do người học khó khăn trong chi phí học tập thì vay, nhưng khi trả nợ vay được hay không là do việc làm của thị trường lao động quyết định. Do vậy, khi cho vay học một ngành nghề nào đó, khó có thể biết chắc rằng ngành nghề đó khi ra trường có việc làm hay không, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Điều này ảnh hưởng đến công tác trả nợ sau này, rủi ro trong việc này là rất lớn, khó kiểm soát được.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hải đưa ra con số, tính trung bình mỗi học kỳ Nhà nước cho vay khoảng 4.000 – 5.000 tỉ đồng. Tính tổng số vốn cho vay trong 8 học kỳ, con số sẽ lên tới 35.000 – 40.000 tỉ đồng. Với số vốn không hề nhỏ này, câu hỏi đặt ra hiện nay là làm sao có thể đảm bảo thu hồi vốn đúng thời hạn, để tiếp tục vòng quay nguồn vốn cho những HSSV nghèo các khóa sau?

Do đó, tại hội nghị này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan cần phối hợp rà soát, trước ngày 15.8.2009 phải đưa ra đề án về quy trình chuẩn bị cho việc triển khai thu hồi vốn, áp dụng từ năm học tới.

Tăng mức cho vay?

Mặc dù việc thu hồi vốn vay đang là một câu hỏi khó, nhưng hiện tại có rất nhiều ý kiến đề xuất việc cần phải tăng mức vốn vay cho HSSV. Giá cả sinh hoạt biến động trong thời gian qua, cùng với những thông tin về khả năng tăng học phí nếu Đề án đổi mới tài chính ngành giáo dục được phê duyệt, khiến cho nhiều ý kiến cho rằng mức vay vốn hiện tại là không còn phù hợp.

Trường ĐH An Giang cho rằng, mức cho vay tối đa 800 nghìn đồng/tháng/1 SV đã đáp ứng cơ bản chi phí trang trải cho việc học tập, sinh hoạt của SV. Tuy nhiên, thời điểm hiện nay, giá cả sinh hoạt đã có sự biến động rất lớn, chi phí cho việc học tập tăng cao. Trường đề nghị NHCSXH thống nhất với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh mức cho vay cao hơn, đáp ứng cho việc chi phí học tập của SV trong thời gian theo học.

Sở LĐTBXH TPHCM cũng cho rằng, nếu trong thời gian tới Chính phủ quyết định điều chỉnh mức thu học phí mới thì mức cho vay hiện nay không còn phù hợp, nên tăng mức cho vay lên 1 triệu đồng/tháng/1 SV. Sở này cũng đề nghị cần giảm lãi suất cho vay, tăng thời gian trả vốn và lãi…

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hiện tại việc cấp vốn cho HSSV vay trong học kỳ I năm học 2009 – 2010 đã được thực hiện, với tổng số là 4.000 tỉ đồng. Trong trường hợp các ngành liên quan tính được mức trượt giá và đặc biệt là nếu Quốc hội và Chính phủ thông qua Đề án đổi mới tài chính mới thì mức cho vay cũng sẽ được điều chỉnh, số vốn cho vay sẽ được bổ sung thêm.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, mức cho vay sẽ được điều chỉnh theo tinh thần không để SV phải bỏ học vì không đủ tiền đóng học phí.