Bài 1: Nông dân lo… đói
Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang diễn ra nhanh, mạnh ở hầu hết các địa phương. Việc chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp khiến nhiều làng quê "thay da đổi thịt". Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất đối với nông dân bị thu hồi đất là mất ruộng đồng nghĩa với thất nghiệp.
Mất đất là thất nghiệp
Vài năm trước, những công trường ngổn ngang sỏi đá của xã An Khánh (Hoài Đức – Hà Nội) là cánh đồng cò bay thẳng cánh. Người dân quanh năm bộn bề với việc đồng áng. Bây giờ, trên cánh đồng ấy chỉ còn màu vàng quạch của những thớ đất bị cày xới; những khu biệt thự, nhà chung cư cao ngất mọc lên, thay dần đồng lúa bát ngát. Từ khi đường cao tốc Láng – Hòa Lạc khánh thành giai đoạn I (năm 2001), An Khánh – nơi chỉ cách trung tâm Hà Nội 15km, trở thành "điểm ngắm" lý tưởng của các doanh nghiệp. Đầu năm 2007, khi dự án xây dựng hai khu đô thị Nam – Bắc An Khánh khởi công thì gần 100% đất nông nghiệp ở đây bị thu hồi. Những đồng ruộng, vườn cây, ao cá nay trở thành công trường ngổn ngang gạch, đá.
Chúng tôi tìm đến thôn An Thọ (xã An Khánh) và thực sự ngạc nhiên bởi những ngôi nhà 2 – 3 tầng mọc lên như phố thị. Bà Nguyễn Thị Thành, 50 tuổi, dựng quán bán trà đá ở đầu thôn cho biết: “Những ngôi nhà này chủ yếu được xây dựng từ tiền đền bù ruộng. Nhà nào cũng được đền bù, ít thì 2 sào, nhiều lên đến hàng mẫu”. Tuy nhiên, theo bà Thành, khi nhận tiền, người dân bắt đầu “xả hơi” bằng việc xây nhà, sắm ti vi, mua xe máy… Gia đình bà cũng không ngoại lệ. Tiền đền bù 3 sào đất, bà “rót” hết vào ngôi nhà 2 tầng. Bây giờ, khi không còn thước ruộng sinh nhai, bữa cơm của cả gia đình phải trông vào những đồng tiền kiếm được từ quán trà đá.
Dù sao ở An Khánh, hoàn cảnh của bà Thành vẫn may mắn hơn nhiều hộ khác. Anh Nguyễn Hào Quang ở thôn Vân Lũng, kể: “An Khánh là xã thuần nông, 90% số dân sống nhờ nông nghiệp. Ngoài việc đồng áng, nhiều người chẳng biết làm nghề gì. Số tiền đền bù còn lại sau khi xây nhà, mua sắm đem gửi ngân hàng, lãi hàng tháng không đủ mua gạo”. Theo anh Quang, nhiều hộ tiêu hết tiền đền bù lại quyết định cắt vườn, xẻ nhà bán nốt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Hướng, Phó chủ tịch UBND xã An Khánh cho biết, xã có 5 thôn, trong đó 4 thôn (An Thọ, Vân Lũng, Phú Vinh, Yên Lũng) bị thu hồi 100% đất nông nghiệp, riêng thôn Ngãi Cầu đang chờ phê duyệt.
Đô thị "rượt đuổi" làng Đào
Vài năm trở lại đây, đào Nhật Tân không còn giữ được vị trí độc tôn trên thị trường như trước kia do xuất hiện thêm một làng trồng đào nữa chỉ cách Hà Nội gần 20km. Đó là La Cả, xã Dương Nội (TP. Hà Đông – Hà Nội). Người dân La Cả luôn tự hào khi mỗi năm, đào mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha. Tuy nhiên, họ chưa kịp vui thì thông tin dự án 15 khu đô thị nằm “trọn gói” trên cánh đồng đào khiến cả làng chết lặng. Vậy là chung số phận như Nhật Tân, đào La Cả có nguy cơ biến mất. Anh Nguyễn Trung tỉ mẩn chăm sóc những gốc đào, nhưng tâm tư thì bay nơi khác. “Giờ chẳng còn nhiệt huyết gì với vườn đào bởi chỉ vài tháng nữa chúng sẽ biến mất”, anh than thở. Anh cho biết, chính quyền địa phương đã đi đo đạc hầu khắp cánh đồng, chỉ chờ người dân nhận tiền đền bù là chặt đào.
Tại vườn đào của các ông Trung Vi, Bá Tuấn, Bá Chân, Quang Minh…, khuôn mặt ai cũng như đưa đám. Theo họ, việc chặt bỏ vườn đào không chỉ thiệt hại về kinh tế, mà còn tổn hại về tinh thần. Nghề trồng đào mất, nghĩa là La Cả sẽ mất những ngày cuối năm vui như trẩy hội.
Trên đường vào thôn La Cả, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Nhân đang lững thững đi về, khuôn mặt trĩu nặng suy tư. Bà bảo vừa lên UBND xã hỏi về việc chính quyền đã có biện pháp hướng nghiệp cho người dân khi thu hồi đất, người dân thất nghiệp chưa. “Nếu mất ruộng mà không có nghề sinh nhai thì nhiều thanh niên sẽ hư hỏng, khó thoát khỏi những tệ nạn xã hội vây quanh”, bà Nhân nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Trực, Phó chủ tịch xã Dương Nội thừa nhận, các dự án đô thị, dịch vụ, du lịch đã lấy đi 90% đất nông nghiệp của xã. Mong mỏi của người dân là có thể giữ lại một phần đất trồng đào và sớm xúc tiến các điểm công nghiệp làng nghề để giải quyết việc làm cho những hộ mất đất. “Hiện chúng tôi đang khẩn trương triển khai phát triển nghề dệt truyền thống, nhằm khắc phục khó khăn trước mắt cho nông dân”, ông Trực nói.
Bài 2: Đồng ruộng tan hoang vì khu công nghiệp
Đất canh tác bỏ hoang
Xã Hưng Thịnh (Bình Giang – Hải Dương) là một trong những địa phương có mật độ các khu công nghiệp dày đặc. Tuy nhiên, phía sau hệ thống nhà máy, xí nghiệp là diện tích lớn đất trồng lúa bị bỏ hoang. Chị Nguyễn Thị Hạnh, một người dân địa phương cho biết: "Trước đây, khu đồng này thuộc loại màu mỡ nhất xã. Nhưng từ khi các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động, nhiều ruộng lúa gần đó không thể canh tác được. Ban đầu, chúng tôi nghĩ do đất hoặc giống lúa bị thoái hóa nhưng sau đó mới té ngửa con mương dẫn nước thải công nghiệp đổ thẳng vào ruộng khiến lúa chết. Chúng tôi lội xuống ruộng cũng bị ngứa ngáy, khó chịu".
Men theo con mương dẫn nước thải công nghiệp, chúng tôi có mặt tại cánh đồng sát Nhà máy Sản xuất và Chế tạo máy nông nghiệp Toàn Phát. Nước thải đen sì, hôi thối được đổ thẳng ra ruộng lúa. Khoảng 1ha đất đã bị bỏ hoang, cỏ mọc cao hơn đầu người, đi tới đâu chuột chạy loạn xạ đến đó. Ông Trần Quang Hợi, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Thịnh khẳng định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhiều nhà máy không đầu tư hệ thống xử lý nước thải mà xả trực tiếp ra kênh mương tưới tiêu, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Điển hình là Công ty TNHH Omic, Nhà máy Sản xuất và Chế tạo máy nông nghiệp Toàn Phát và Công ty TNHH Vạn Lợi. "Toàn xã đã có 13ha đất phải bỏ hoang, 11ha đất khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tuy vẫn cấy được nhưng năng suất giảm đáng kể", ông Hợi cho biết.
Việc đất canh tác bị bỏ hoang ở Hải Dương không phải là chuyện hiếm. Dọc Quốc lộ 5, nhiều phần đất nằm gần khu công nghiệp đang "chết dần, chết mòn". Tại thị trấn Phú Thái (huyện Kim Thành), nước thải công nghiệp đã khiến 4ha đất không thể canh tác được. Bà Vũ Bích Hường than thở: "Hai sào ruộng nhà tôi bỏ hoang từ 5 năm nay. Nếu không có biện pháp ngăn chặn thì những thửa ruộng còn lại cũng rơi vào tình cảnh tương tự".
Hệ thống thuỷ lợi tan nát
Vì lợi ích của mình các doanh nghiệp không những không hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi phục vụ nông nghiệp mà còn phá vỡ hạ tầng đã xây dựng từ trước. Tại huyện An Dương và Thuỷ Nguyên (Hải Phòng), người dân đang rất bức xúc trước tình trạng năng suất lúa ngày càng giảm do khâu tưới tiêu không đảm bảo. Anh Bùi Văn Hoàng ở xã An Hồng (An Dương) cho biết, vào mùa đông, nhiều thửa ruộng của gia đình anh phải "mót" từng gầu nước. Nhiều lần, muốn có nước tưới, vợ chồng anh phải tát qua 3 cầu (từ sông vào mương lớn, từ mương lớn qua mương nhỏ, từ mương nhỏ vào ruộng).
Thiếu nước trong mùa đông đã đành nhưng lúc có nước, người dân cũng khốn khổ không kém. Chị Hoàng Thị An ở xã Phục Lễ (Thuỷ Nguyên) có 1 sào ruộng gần khu công nghiệp. Khi mưa lớn xảy ra, toàn bộ thửa ruộng của chị không thể thoát nước kịp thời do các nhà máy đã bịt kín mọi kênh tiêu nước. Nhìn ruộng lúa ngập trắng băng, chị An chỉ biết than trời.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và PTNT Thuỷ Nguyên, toàn huyện có khoảng 60ha đất nông nghiệp không thể canh tác được do gặp khó khăn về thuỷ lợi. Một nửa trong số đó là đất bị kẹt giữa các nhà máy, xí nghiệp, hệ thống thuỷ lợi bị phá vỡ hoặc hiệu quả kém. Nhiều ý kiến cho rằng, việc khắc phục những diện tích đất bỏ hoang do ô nhiễm, không chủ động được tưới tiêu nước là rất khó. Tuy nhiên, dù khó cũng không thể để một số doanh nghiệp làm ẩu còn nông dân phải chịu thiệt.
Bài 3: Tiếng vọng từ Lâm Sơn
"Ốc đảo" giữa sân golf
Nhìn bề ngoài, Lâm Sơn không khác gì một phố thị với những ngôi nhà cao tầng khang trang, đường bê-tông sạch sẽ, thanh niên ăn mặc "sành điệu"… Nhưng chính sự phồn hoa vội vã này đang khiến hàng trăm người dân lâm vào cảnh lao đao. Ông Hoàng Văn Nghị ở xóm Rổng Tằm than thở: "Không chỉ thất nghiệp, nhiều người còn đang đứng trước nguy cơ phá sản". Nguyên nhân là ở xã có hàng chục trang trại nuôi gia súc, gia cầm nhưng không biết đưa sản phẩm ra ngoài bằng cách nào bởi mọi con đường đã bị sân golf rào kín.
|
Để vào xóm Thung Dâu, chúng tôi phải thuê một thanh niên tên Thọ dẫn đường. Thọ bảo, muốn vào Thung Dâu không còn cách nào khác là đi bộ. Trước kia, từ Quốc lộ 6 đến Thung Dâu chỉ khoảng 3 – 4km, nay do phải đi vòng nên đoạn đường đã gấp 3 lần.
Chúng tôi đến Thung Dâu thì trời đã xế chiều. Anh Hoàng Văn Xuân đứng ở đầu làng, than thở: "Từ ngày sân golf khánh thành, Ban quản lý không cho người dân đi tắt. Trẻ con đi học tối mịt mới về đến nhà. Khổ nhất là có người ốm đau phải đưa đến bệnh viện. Vì xe máy không còn đường đi nên người dân phải khiêng bộ đường rừng".
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Đức Hiển, Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết, nan giải nhất vẫn là việc di chuyển các sản phẩm nông nghiệp của người dân ra bên ngoài. Hiện xóm Thung Dâu có hơn 20 trang trại, trong đó có hàng chục hécta luồng đang bị bỏ mốc. Những đàn lợn, gà đến tuổi xuất chuồng nhưng do đường sá đi lại khó khăn nên lợi nhuận giảm đáng kể.
Nỗi lo "Làng ung thư"
Dự án xây dựng sân golf Long Sơn và Khu du lịch Làng văn hoá các dân tộc tỉnh Hoà Bình được triển khai từ năm 2000 với hơn 300 ha đất nông nghiệp, đất sinh hoạt bị thu hồi. Năm 2005, 350 hộ dân ở Lâm Sơn phải chuyển đến 2 khu tái định cư là Rổng Yòng và Rổng Cấn. Theo kế hoạch, trước khi đến nơi ở mới, họ phải được cung cấp nguồn nước sạch. Thế nhưng, đã hơn 3 năm, hàng trăm hộ dân ở đây phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm từ sân golf thải ra.
Ông Nghị kể, trước khi có sân golf, người dân Lâm Sơn chủ yếu sử dụng nguồn nước từ suối Rổng Tằm. Nhưng bây giờ nước suối đã chuyển thành màu đen, nổi váng và dòng chảy bị thu hẹp. ông Nghị bảo: "Sống hơn 60 năm nhưng chưa bao giờ tôi thấy dòng suối cạn đến mức kỷ lục như ba năm nay. Khi xây sân golf, họ kè ngang phía thượng nguồn để tưới cỏ nên dòng suối không còn trong lành, dồi dào nước như trước kia".
Ông Hiển cho biết, để cung cấp nước sạch cho người dân, năm 2005, dự án xây dựng nhà máy nước tại Lâm Sơn được khởi công, dự kiến đến năm 2006 sẽ đem nước sạch đến với người dân. Tuy nhiên, theo phản ánh của bà con, nhà máy này chỉ khoan được một lỗ sâu 70m rồi ngưng trệ. Hôm chúng tôi đến khảo sát, "dấu tích" duy nhất của nhà máy nước đang bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm và không có đơn vị nào quản lý.
Hiện bà con xã Lâm Sơn rất lo lắng nếu tiếp tục phải sử dụng nguồn nước thải từ sân golf có thể mắc các căn bệnh về ung thư như rất nhiều làng quê bị ô nhiễm khác. Nguồn nước sinh hoạt sặc sụa mùi thuốc sâu, và nỗi lo của bà con đang lớn lên từng ngày.
Bài 4: Nông dân Hà Nam trước nguy cơ mất đất
Những con số đáng lo ngại
Tại tỉnh Hà Nam, những xã bị chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang công nghiệp nhiều nhất phải kể đến Đồng Văn, Duy Minh, Hoàng Đông (huyện Duy Tiên). Tại các địa phương này, có tới 60 – 80% đất nông nghiệp bị giải phóng mặt bằng (GPMB) để xây dựng các khu công nghiệp. Tuy nhiên, chỉ số ít người nông dân tại đây được tuyển vào các nhà máy, xí nghiệp, còn đa phần đều thất nghiệp.
Năm 2006, huyện Duy Tiên có 8.200ha đất hai lúa, nhưng đến nay chỉ còn chưa đến 6.000ha. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục quy hoạch thêm 3.300ha đất nông nghiệp để phát triển các khu công nghiệp. Rất có thể chẳng bao lâu nữa, những cánh đồng lúa bội thu của Duy Tiên sẽ chỉ còn là quá khứ.
Tại xã Duy Minh (Duy Tiên), nơi được mệnh danh là "điểm nóng" vềỡ việc chuyển đổi đất nông nghiệp, toàn xã có 300ha đất tự nhiên, nhưng đất dành cho khu công nghiệp đã lên tới 130ha. Hầu hết đất nông nghiệp của các thôn đều bị thu hồi trên 50%. Nhiều thôn như Tú, Trung, Ninh Lão, số đất nông nghiệp phải nhường chỗ cho công nghiệp lên tới 70%.
Còn nhiều trăn trở
Bà Dương Thị Hoài, Chủ tịch UBND xã Duy Minh cho biết: "Hiện xã có trên 2.500 lao động. Sau nhiều đợt tuyển dụng của các nhà máy, mới chỉ có 1.300 lao động được tuyển, còn hơn 1.000 lao động phải chịu cảnh thất nghiệp. Xã cũng đang lúng túng trong việc giải quyết công ăn việc làm cho họ để tránh nảy sinh những tệ nạn xã hội. Phần lớn số lao động thất nghiệp này đều ở độ tuổi trên 30. Số người có sức khoẻ thì đi làm thợ hồ, làm thuê hay vào các tỉnh phía Nam để kiếm việc, số còn lại đành ngồi chơi xơi nước".
Tính từ năm 2003 đến nay, trên địa bàn xã Duy Minh có tới 6 dự án phát triển khu công nghiệp với tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi là 97ha. Việc này đã ảnh hưởng tới 1.440 hộ dân trong xã. Với số tiền được đền bù hơn chục triệu đồng, gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng ở thôn Chuông hiện không còn tấc đất để cấy hái. Đứa con trai lớn đang học đại học, còn cô con gái thứ hai xin được vào làm tại nhà máy ở khu công nghiệp Đồng Văn. "Trước đây có mấy sào ruộng gia đình tôi cũng đỡ vất hơn. Còn bây giờ thì chẳng biết làm gì để kiếm ra tiền, sức khoẻ cũng yếu rồi, lại không có tay nghề nên không chỗ nào chịu nhận. Hôm qua đứa con trai lớn lại gọi điện về xin tiền mà chưa biết xoay ở đâu". Với mức đền bù 21.000 đồng/m2 , bình quân mỗi hộ chỉ nhận được hơn chục triệu đồng. Số tiền này đủ để họ sắm được cái xe máy hay chiếc ti vi; còn về lâu dài, họ không thể tìm được một công việc ổn định.
Tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của Hà Nam chưa nhiều nhưng tỉnh này đã mất hàng trăm hécta đất "bờ xôi ruộng mật" thuộc các huyện trọng điểm nông nghiệp như Đồng Văn, Bình Lục, Thanh Liêm.
Vấn đề là các nhà đầu tư, lãnh đạo địa phương lại cứ nhằm đất tốt để lấy. Trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều nơi đất nông nghiệp chỉ làm được 1-2 vụ lúa/năm với năng suất thấp. Diện tích đất xói mòn trên địa hình dốc thuộc hai huyện Kim Bảng và Thanh Liêm lên tới 7.924ha, diện tích bị rửa trôi 2.892ha. Quá trình chua hoá xảy ra trên địa bàn tỉnh ngày càng mạnh. Giá như, những vùng đất xấu này được lấy làm công nghiệp, để lại đất tốt để sản xuất thì chắc người nông dân Hà Nam sẽ không phải lo lắng, trở trăn nhiều cho cuộc mưu sinh.
Bài 5: Nhọc nhằn thân phận "két -đi"
Thôn nữ kiếm tiền "đô"
Chiếc ôtô chuyên dụng hình dáng như con bọ hung chở chúng tôi thong dong trên những cánh đồng cỏ uốn lượn của sân golf C.L. Số lượng khách khá nhiều vì đây là sân golf thuộc loại lớn nhất Việt Nam. "Khách chơi golf chủ yếu là dân VIP (người vô cùng quan trọng), mà các VIP thì phải phục vụ tận tình", tài xế tên Định chỉ tay về đoàn khách thổ lộ. Mỗi đoàn đều có 10 – 20 nhân viên đi theo phục vụ.
Khoảng 12giờ, đồng cỏ đã vãn người cũng là lúc các "két" được nghỉ ăn trưa. Họ ngồi túm tụm dưới tán cây, mỗi người bưng một chiếc cặp lồng. N.T.T., 23 tuổi, có kinh nghiệm 2 năm làm "két" cho biết: "Trừ thứ Hai, còn chúng em phải làm việc tất cả các ngày trong tuần. Đông khách nhất là thứ Sáu và thứ Bảy".
Theo T., lương của "két" dao động từ 1, 5 đến 2 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, còn một khoản khác mà các "két" gọi là "típ" do khách thưởng. "Sau mỗi buổi phục vụ, bao giờ chúng em cũng được khách "típ". Người ít nhất là 50.000 đồng, có nhân viên còn được 300.000 đồng", T. bộc bạch. Chính vì thế, việc "két" kiếm 3 – 5 triệu đồng/tháng, tiêu tiền "đô" (đôla) không phải là điều mới mẻ ở sân golf này.
T. tiết lộ, có "két" kiếm được 400 USD/tháng nhờ nói thành thạo tiếng Anh. Họ có thể tham vấn cho khách về cách đánh bóng, và tiếng Anh cũng là ranh giới phân loại đẳng cấp các "két".
12 giờ 30 phút, các vị khách từ phía nhà điều hành trung tâm kéo ra như đàn ong vỡ tổ. Không gian tĩnh mịch bỗng bị xé toang bởi tiếng la hét, thúc giục của "két trưởng". Chỉ trong giây lát, các "két" lại tay gậy, tay bóng tất bật chạy đến với đoàn khách của mình.
"Muối mặn" đời "két"
Trung bình, khách chơi xong 18 lỗ nhanh nhất cũng mất 4 – 5 giờ đồng hồ. Với người tập chơi, phải mất 8 – 9 tiếng mới hoàn thành. Suốt thời gian đó, "két" phải ở bên cạnh phục vụ khách.
Một "két" tên Vân Anh nhẩm tính, mỗi ca phục vụ, họ phải đi bộ 10 – 15km. "Song cũng tùy thuộc vào trình độ của khách. Có người đánh chuyên nghiệp, chúng tôi chỉ đi bộ tầm 4 – 5km, gặp người mới chơi thì quãng đường tăng gấp 4 lần", Vân Anh bộc bạch.
Nhưng khổ cực nhất đối với "két" là khách đến chơi không kén ngày đẹp trời. Tuấn béo, tay nghiện chơi golf đất Hà thành nói, trời càng nắng gắt hoặc mưa lớn khách chơi golf càng hăng. Bởi thế, dù đã có đồ bảo vệ da nhưng "két" nào cũng đen nhẻm. Nhiều thôn nữ mới bước vào nghề đã ốm, có cô ngất xỉu giữa sân golf, thậm chí không ít "két" phải bỏ nghề khi chưa kịp nhận tháng lương đầu tiên.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết "két" là những thôn nữ địa phương được nhận vào làm việc sau khi đã nhường đất nông nghiệp cho sân golf. Do đặc thù công việc thường phải đi sớm, về muộn nên nhiều người đã nghĩ sai về nghề của họ. "Hàng xóm láng giềng không hiểu được công việc của chúng em cứ dị nghị này nọ, họ bảo nếu không có gì sao cứ phải đi sớm về khuya…", một "két" nói.
Tuy nhiên có một thực tế, dù sống được nhờ nghề vác gậy nhặt bóng cho người chơi golf song hầu hết các "két" mà tôi tiếp cận đều không có ý định gắn bó lâu dài với công việc này. Do tính chất công việc khá vất vả, đòi hỏi phải có thời gian và sức khoẻ dẻo dai, nên đến một độ tuổi nhất định, khi không đáp ứng được yêu cầu, "két" sẽ xin nghỉ việc. Hoặc đơn giản hơn, khi lập gia đình, có con cái, không còn nhiều thời gian rỗi rãi, họ đành nghỉ. Tuy vậy, cũng có một số "két" sau khi nghỉ sinh con trở lại làm việc bình thường bởi dẫu sao đây cũng là nghề cho thu nhập khá cao.
Bài 6: Trăn trở đào tạo nghề cho nông dân
Ông Lều Vũ Điều, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề hỗ trợ việc làm nông dân (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) cho biết, tình trạng thất nghiệp trong lao động nông thôn đang gia tăng, nhất là ở những vùng thiếu đất sản xuất hoặc không còn đất sản xuất do chuyển đổi mục đích sử dụng. Vì thế, việc đào tạo nghề cho nông dân đang là nhu cầu bức thiết.
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hình thức dạy nghề đa dạng như: dạy nghề ngắn hạn gắn với doanh nghiệp; dạy nghề tại các xã, thôn, bản; dạy nghề gắn với dự án… Ngoài đào tạo, việc hỗ trợ nông dân sau khi học nghề cũng rất quan trọng như: chuyển giao khoa học kỹ thuật; tín chấp vay vốn; bán vật tư phân bón trả chậm; thành lập tổ hợp tác; hướng đến xuất khẩu lao động…
|
Tuy nhiên, ông Điều cũng thừa nhận, trên thực tế, quy mô và chất lượng của công tác dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân còn nhiều hạn chế so với nhu cầu; phương thức tổ chức hoạt động còn đơn điệu, chưa có nhiều hình thức phù hợp với từng địa bàn, khu vực và nhóm đối tượng. Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ sở vật chất và nguồn nhân lực còn yếu; kinh phí phục vụ dạy nghề và hỗ trợ việc làm cho nông dân thiếu, có nơi hầu như chưa có. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn dẫn đến tình trạng ở một số nơi, công tác này chỉ dừng ở mức độ vận động chứ chưa thực sự tạo nghề. Ngay cả tài liệu phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập vẫn còn thiếu. Ngoài một số giáo trình dạy nghề ngắn hạn do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, sở Lao động – Thương binh và Xã hội một số địa phương tự xây dựng, đa số các đơn vị chưa xây dựng được giáo trình chuẩn. Hơn nữa, tại nhiều địa phương, chính quyền cơ sở chưa thực sự quan tâm hoặc tìm nguồn hỗ trợ tạo điều kiện cho nông dân được học nghề một cách chính quy.Mỗi năm Nhà nước thu hồi khoảng 70.000ha đất nông nghiệp, đồng nghĩa với việc hàng triệu nông dân có nguy cơ mất việc làm. Điều đáng nói là không phải nông dân nào cũng có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp. Ông Điều cho rằng: "Để đào tạo nghề cho nông dân bị thu hồi đất, khi giao đất nông nghiệp cho các doanh nghiệp, địa phương phải ràng buộc bằng việc gắn trách nhiệm dạy nghề, tạo việc làm cho nông dân bị thu hồi đất để tránh tình trạng thất nghiệp đang ngày càng gia tăng".
Năm 2008 là năm đầu tiên Trung ương Hội Nông dân Việt Nam được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ kinh phí dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia. Những năm qua, hệ thống trung tâm dạy nghề của Hội Nông dân đã tổ chức dạy nghề cho 511.559 người. Riêng năm 2007, các cấp Hội đã tổ chức dạy nghề cho 172.684 người, trong đó: dạy nghề thường xuyên tại chỗ 142.550 người; sơ cấp nghề 25.237 người; phối hợp dạy trung cấp nghề 4.897 người. |