Bài 1: Những chuyện buồn trong chuỗi tiêu thụ
Có thể thấy, chuỗi tiêu thụ nông sản hiện nay tồn tại quá nhiều nghịch lý. Nông dân phải bán với giá rẻ, còn người tiêu dùng lại mua với giá cao hơn gấp 2 – 3 lần. Nguyên nhân là do việc phân phối nông sản phải qua nhiều khâu trung gian. Mặc dù Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng đã ra đời được 6 năm nhưng quan hệ giữa các "nhà" vẫn "ông chẳng bà chuộc".
Siêu thị – giấc mơ xa vời
Việc bán hàng trong siêu thị, trung tâm thương mại luôn mang lại lợi nhuận hấp dẫn nhưng không phải nông dân nào cũng đặt chân được vào đây. ông Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Đà Lạt – Lâm Đồng) cho biết: "Chúng tôi bán 1kg cà chua cho siêu thị có thể lãi thêm 30 – 40% so với bán ở ngoài. Đây là con số mơ ước của người nông dân, vì bán bên ngoài giá vừa thấp lại không ổn định".
Tuy nhiên, rất ít nông dân bán hàng trực tiếp cho siêu thị mà chủ yếu bán lẻ tại chợ hoặc qua thương lái. Tỉnh Bình Dương có gần 2.000 trang trại lớn nhỏ, sản xuất lượng nông sản lớn nhưng sản phẩm vào được siêu thị chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến ở xã Tân Định (huyện Tân Uyên) rộng 26ha, sản lượng lên tới 200 – 250 tấn rau quả/năm nhưng chỉ tiêu thụ ở thị trường tự do hoặc qua các chợ đầu mối Thủ Đức, Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh).
Ông Thừa cho hay, nông sản muốn vào siêu thị không hề dễ dàng. Tiêu chuẩn đầu tiên là phải đảm bảo chất lượng và an toàn, điều này buộc nhà cung cấp phải xuất trình được chứng chỉ về quản lý chất lượng. Ngoài ra, còn hàng loạt yêu cầu khắt khe khác như khối lượng, thời gian giao hàng, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, thủ tục thanh toán… Các siêu thị luôn đòi hỏi nhiều chủng loại nhưng số lượng hạn chế. HTX Anh Đào sản xuất 32 loại nông sản, nhưng mỗi ngày siêu thị chỉ nhập 4 loại, mỗi loại khoảng 10kg. Trong khi đó, thủ tục thanh toán rất chậm, thường phải 15 – 20 ngày sau khi giao hàng siêu thị mới trả tiền, so với "tiền tươi thóc thật" ngay tại chợ hoặc chỉ sau 3 – 4 ngày nếu bán cho thương lái thì quả là khó khăn với nông dân.
Chính vì chen chân vào siêu thị quá phức tạp và nhiêu khê nên xu hướng chung của bà con hiện nay vẫn là tiêu thụ ở chợ nhỏ hoặc các chợ đầu mối. Chị Nguyễn Thị Xuân ở Vân Nội (Đông Anh – Hà Nội) cho biết: "Vào siêu thị chắc chắn có lợi hơn nhưng rất khó, thôi thì cứ mang đến chợ làng bán cho tiện". Còn ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Trường An (Khu đô thị Văn Quán – Hà Nội), một trong những đầu mối cung cấp nông sản cho siêu thị cho biết: "Chúng tôi không thể đến từng gia đình để kiểm tra, lấy mẫu sản phẩm. Bởi vậy, bà con phải thay đổi tư duy làm ăn, liên kết lại, thành lập các tổ, nhóm và sản xuất một vài loại cây – con nhất định mà thị trường có tiềm năng".
Theo GS. TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, ở Việt Nam, việc nông sản vào siêu thị vẫn là giấc mơ xa vời… vì chất lượng hàng hoá thấp, công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch kém, sản xuất phân tán nên không đáp ứng số lượng ổn định. Tuy nhiên, theo ông Đoàn Minh Chiến, chủ trang trại tổng hợp Đoàn Minh Chiến, rào cản lớn nhất chính là vấn đề ký hợp đồng chính thức giữa bên cung cấp hàng hóa và siêu thị. Đương nhiên, các điều khoản trong hợp đồng đều có lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra, họ còn yêu cầu được mua sản phẩm loại 1, tức là loại tốt nhất. "Đó là chưa kể các siêu thị rất ít khi có kế hoạch hay hợp đồng dài hạn và thường xuyên thay đổi nhà cung cấp khiến nông dân, chủ trang trại phải chấp nhận kiểu làm ăn may rủi hơn là hợp tác hai bên cùng có lợi. Rau quả phải có thời gian sản xuất nhất định, vậy mà siêu thị chỉ báo trước vài ba ngày, dẫn tới nông dân, chủ trang trại luôn ở thế bị động", ông Chiến cho biết.
Doanh nghiệp nắm đằng chuôi
Nông sản không chỉ khó vào siêu thị mà ngay cả ở những thị trường khác, cũng thường rơi vào tình cảnh "dở khóc dở cười". Chưa lúc nào vấn đề tiêu thụ cá tra, ba sa, lúa, mía… lại rơi vào tình trạng phập phù và khó khăn như hiện nay. Tại TP. Cần Thơ, chỉ có khoảng 500.000 tấn lúa, rau màu, nấm rơm của nông dân được doanh nghiệp (DN) trực tiếp bao tiêu, còn lại phải bán qua các kênh nhỏ lẻ.
Nhiều người nuôi cá tra, ba sa ở Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, rất ít DN ký hợp đồng bao tiêu với mặt hàng này hoặc khi thảo hợp đồng, họ luôn nắm đằng chuôi mà ít quan tâm tới việc chia sẻ lợi ích với nông dân. Nhiều DN còn yêu cầu phải giao sản phẩm tại kho hàng của công ty nhưng lại không tính chi phí vận chuyển.
Ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thuỷ sản Cần Thơ bức xúc: "Phải chăng vẫn tồn tại sự gian lận trong việc ký hợp đồng bao tiêu? Khi xảy ra sự cố, DN bẻ kèo, nông dân không có đủ cơ sở để đấu tranh với họ. Thậm chí sau 30 ngày, DN cố tình "ngâm" thêm 1 – 2 tháng mới thanh toán, bà con vẫn phải bấm bụng chịu trận". Vì thế, việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng vẫn chưa phổ biến, ngay cả với những hợp đồng đã ký thì tỷ lệ thực hiện đúng các điều khoản vẫn rất thấp. Ông Nguyễn Trí Khiêm, Trưởng khoa Kinh tế Quản trị kinh doanh (Trường Đại học An Giang) cho biết: "Riêng ngành gạo của An Giang, tỷ lệ hợp đồng thành công chỉ đạt 10 – 15%".
Cũng theo ông Khiêm, hạn chế không nhỏ trong việc liên kết giữa nông dân và DN là do bà con chưa tin vào tính thực thi và lợi ích của hợp đồng bao tiêu. Khi có lợi thì 2 bên bắt tay nhau, nhưng khi xảy ra sự cố, 2 bên cùng "xù" hợp đồng. Những hợp đồng tiêu thụ lúa gạo tại An Giang luôn trong tình trạng áp lực thị trường chưa đủ mạnh để "ép" 2 bên liên kết với nhau và đã xảy ra nhiều trường hợp DN ép giá bà con khi được mùa hoặc "mang con bỏ chợ" với lý do không có thị trường tiêu thụ hay chất lượng không đảm bảo.
Đơn cử như trường hợp ký hợp đồng bao tiêu của HTX nông nghiệp Đức Thành ở Châu Phú (An Giang). HTX này thường ký hợp đồng thu mua theo phương thức giá sàn và ra điều kiện, nếu giá mua cao hơn giá sàn, 2 bên sẽ thương lượng, nếu thương lượng không thành thì hợp đồng mặc nhiên bị thanh lý. Và ai cũng thừa hiểu, DN luôn tìm cách để hưởng lợi ở mức cao nhất. Trong khi đó, chính sách khuyến khích tiêu thụ qua hợp đồng của Nhà nước chưa có điều khoản hay cơ sở pháp lý, chế tài nào xử phạt những trường hợp vi phạm các điều khoản trong hợp đồng.
Điều đáng nói là chính nông dân cũng thường xuyên vi phạm. Một số người đã ký hợp đồng bao tiêu và nhận vốn ứng trước của DN, nhưng sau khi thu hoạch, thấy giá thị trường cao hơn, họ lại bán cho thương lái. Thậm chí, nhiều hộ còn cố tình né tránh thanh toán hợp đồng cũng như kéo dài thời gian trả lại vốn ứng trước cho DN.
Thương lái lộng hành
Theo GS. TS Võ Tòng Xuân, nếu không có thương lái, nông sản do nông dân làm ra không thể hoặc rất khó đến với DN do đội ngũ này khá nhanh nhạy, nắm bắt nhu cầu của cả 2 phía. Thương lái có thể luồn lách khắp các vùng sâu, vùng xa, đến từng nhà để thu mua nông sản, trong khi với DN, điều này không thể thực hiện. Tuy nhiên, khiếm khuyết ở chỗ, thương lái thường xuyên ép giá, bắt chẹt nông dân. Gia đình ông Võ Văn Xuân ở ấp 1, xã Trí Phải (Thới Bình – Cà Mau) có 4 công ruộng (1 công = 1.000m2) chủ yếu trồng dưa leo và củ cải. Năm 2008, dưa leo rớt giá thảm hại, bán tại ruộng chỉ còn 800 đồng/kg. Trong khi đó, dưa leo tại TP. Cà Mau do thương lái vận chuyển đến bán với giá 4.000 đồng/kg. "Không chỉ bị ép giá, thương lái còn thường xuyên cân gian, bán lận để kiếm lời. Biết vậy nhưng không bán cho họ thì chúng tôi biết bán cho ai?".
Tương tự, bưởi Năm Roi ở Mỹ Hoà (Bình Minh – Vĩnh Long) vào cuối tháng 10 được thương lái mua tại vườn giá 2.500 – 3.000 đồng/kg tuỳ loại. Anh Nguyễn Minh Hoàng Em có 10 công bưởi cho biết: "Với giá này, người trồng bưởi lỗ nặng". Trong khi đó, tại cửa hàng bưởi Năm Roi Hoàng Gia cách vườn nhà anh Minh hơn 5km, giá bưởi loại 1 lên tới 8.000 đồng/kg. Và từ đây, nếu hàng được đưa đi siêu thị hoặc tiêu thụ tại các chợ đầu mối, giá có thể lên tới 12.000 – 15.000 đồng/kg.
GS. TS Nguyễn Văn Luật, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, cần tổ chức lại đội ngũ thương lái, hạn chế những mặt tiêu cực và phát huy khả năng của họ, ví dụ như bồi dưỡng kiến thức để thương lái tham gia công tác khuyến nông kết hợp thu gom nông sản, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nếu biết phát huy vai trò của họ trong chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, họ sẽ tác động tích cực đến tư duy và cách thức sản xuất của nông dân.