Bài cuối: Chính sách của Chính phủ về hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau quả, chè an toàn
Khó phân biệt rau an toàn và không an toàn
Lâu nay, nhiều nông dân vẫn đùa rằng, làm theo quy trình an toàn nghĩa là "đánh bạc" với số phận, bởi đầu ra không ổn định, giá bán không cao hơn so với trồng theo phương pháp truyền thống, trong khi phí sản xuất tốn kém hơn. Chính vì thế, không ít nơi sau khi triển khai mô hình đã bế tắc trong bài toán tìm đầu ra. Đây chính là lý do vì sao, hiện cả nước mới chỉ có 5% diện tích rau an toàn, trong tổng số 850.000ha trồng rau.
Những ngày này, Hợp tác xã rau an toàn (HTX RAT) Tân Phú Trung (TP. Hồ Chí Minh) đang phải vật lộn tìm đầu ra cho sản phẩm bởi giá bán quá thấp, không đủ chi phí đầu tư. Nhiều xã viên đành để đất trống. Ông Nguyễn Quốc Toản, Chủ nhiệm HTX than thở: "Giá RAT rớt thê thảm. Trước đây, các siêu thị mua hàng chục tấn/ngày nhưng bây giờ chưa đến 1 tấn/ngày. Nhiều xã viên phải mang ra chợ bán với giá 1.500 – 2.000 đồng/kg, bằng rau thường. Trong khi đó, giá thành sản xuất lên tới 3.000 đồng/kg. Do đó, chương trình RAT của TP. Hồ Chí Minh với diện tích hàng ngàn hécta đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời".
|
Năm 2000, tỉnh Thái Nguyên xây dựng Đề án phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè an toàn. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, phần lớn sản phẩm bán ra vẫn dưới dạng thô, giá thấp, chủ yếu là nội tiêu, xuất khẩu chỉ đạt 25% sản lượng chế biến. Nguyên nhân là do chè Thái Nguyên chưa có thương hiệu cũng như hệ thống quản lý chất lượng. Hầu hết nông dân ở đây sống bằng nghề trồng chè nhưng số gia đình thực hiện quy trình an toàn chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Điều này khiến cho các chương trình, dự án tuyên truyền, hỗ trợ nhằm định hướng bà con sản xuất chè an toàn gặp bế tắc. Xã La Bằng (Đại Từ) trong hai năm đã triển khai tới 9 lớp tập huấn quy trình trồng chè an toàn, thành lập 2 HTX nhưng vẫn không "hút" được người dân tham gia. Ông Trần Trọng Bình, Chủ nhiệm HTX chè La Bằng cho biết, rất nhiều người xin rút khỏi HTX chỉ vì sản phẩm trôi nổi trên thị trường quá nhiều, không thể phân biệt được đâu là chè an toàn và đâu là không an toàn.
Lý giải điều này, TS.Trần Thị Bá (Trường Đại học Cần Thơ) cho rằng, muốn trồng các sản phẩm nông nghiệp an toàn, trước hết, nông dân phải an tâm về đầu ra. Thực tế cho thấy, áp dụng quy trình an toàn chi phí sản xuất cao, đầu tư nhiều (nhà lưới, phân bón…) nhưng lại "hẻo" nơi thu mua, cũng như chưa có các cửa hàng chuyên biệt bán hoặc xuất khẩu với số lượng lớn nên khó thu hút nông dân. TS. Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết, sản phẩm rau, quả, chè an toàn của Việt Nam muốn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, nhất thiết phải sản xuất theo tiêu chuẩn chung của thế giới. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình không hề đơn giản.
Thương hiệu và an toàn là một
Không thể phủ nhận thời gian qua, một số địa phương khi triển khai sản xuất an toàn đã thu được kết quả lớn, đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt. Điều này một lần nữa khẳng định, sản xuất nông nghiệp an toàn là hướng đi tất yếu. Mô hình trồng RAT của HTX RAT Xuân Hương (TP. Đà Lạt – Lâm Đồng) đã mở ra hướng đi mới, đó là gắn thương hiệu với an toàn. Hiện, HTX có hàng chục loại rau cung cấp cho thị trường TP. Hồ Chí Minh, trong đó chỉ riêng xà lách đã có trên 10 loại. Toàn bộ rau được trồng trong nhà lưới. Tuy chi phí sản xuất cao gấp 3 lần so với cách trồng truyền thống nhưng xã viên vẫn có thu nhập 2 triệu đồng/sào (1 sào Trung Bộ = 500m2). Theo ông Trần Đức Quang, Chủ nhiệm HTX, cái được của xã viên là thông qua HTX, lượng rau được tiêu thụ với giá ổn định và quan trọng hơn, người tiêu dùng quen dần với thương hiệu RAT Xuân Hương. Đây cũng là đơn vị tiên phong, định hình thương hiệu RAT có chất lượng cao. Tuy nhiên, muốn có thêm nhiều cơ hội và ổn định thị trường thì những chính sách hỗ trợ của Nhà nước là rất cần thiết.
Bắt đầu từ tháng 9, thanh long Bình Thuận có cơ hội vi vu sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, để được cấp "visa", người Bình Thuận đã phải tất bật chuẩn bị, trong đó vấn đề sản xuất sạch được ưu tiên hàng đầu. Anh Nguyễn Thuận, Chủ nhiệm HTX thanh long EurepGAP Hàm Minh, đơn vị duy nhất được lựa chọn cho biết: "Để có được ngày này, chúng tôi đã phải đầu tư rất nhiều để điều chỉnh, thêm một số công đoạn trong quy trình bảo quản thanh long".
Từ sự kiện trái thanh long cho thấy, sản xuất an toàn cộng với việc xây dựng thương hiệu là con đường ngắn nhất để các sản phẩm rau, quả có cơ hội xuất khẩu.
Quy hoạch vùng trồng hợp lý
Một trong những giải pháp được nhiều địa phương áp dụng nhằm thúc đẩy việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả an toàn là quy hoạch lại vùng chuyên canh.
Bà Trần Thanh Phong, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang cho biết: Tỉnh đã quy hoạch vùng sản xuất RAT với quy mô 500ha (giai đoạn 2007- 2010), tập trung ở khu vực Thân Cửu Nghĩa (Châu Thành) và thị xã Gò Công. Từ đó, tạo cơ sở hình thành HTX sản xuất RAT cung cấp cho thị trường trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh, từng bước hình thành vùng chuyên canh rau màu an toàn 15.000ha vào năm 2010. Theo Thạc sĩ Phạm Văn Quỳnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Cần Thơ: "Mô hình trồng RAT đã được tập huấn kỹ thuật sản xuất từ 3 năm qua. Hiện, Sở đang tiếp tục triển khai dự án RAT ở Bình Thủy và Phong Điền. Ngoài ra, còn mở rộng ra một số quận, huyện".
Không chỉ có các địa phương quan tâm về vấn đề này, ngay cả một số tổ chức phi chính phủ cũng đã có những dự án nhằm giúp nông dân sản xuất theo hướng an toàn. Chương trình hợp tác hỗ trợ xuất khẩu rau, quả sang thị trường EU giữa Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Xúc tiến Nhập khẩu (CBI) Hà Lan đã được ký kết. Theo đó, nông dân sẽ được hỗ trợ sản xuất, quy hoạch vùng trồng rau, quả an toàn.
Hàng năm, EU tiêu thụ 75 triệu tấn trái cây tươi, 62 triệu tấn rau tươi. Do vậy, việc quy hoạch vùng trồng rau, quả… an toàn trở thành vấn đề thời sự của nhiều địa phương. Vì chỉ có quy hoạch vùng trồng hợp lý cùng những điều kiện cần thiết để xây dựng chuỗi sản xuất – tiêu thụ rau, quả an toàn thì mới có số lượng và chất lượng đồng nhất, đáp ứng nhu cầu của đối tác khi cần nguồn hàng ổn định.