Theo các chuyên gia ngành sữa Trung Quốc, vụ xìcăngđan sữa có melamine tại Trung Quốc xuất phát từ nhiều vấn đề.
Đầu tiên phải kể đến nguồn cung cấp sữa là bò. Phần lớn nông dân Trung Quốc không chăm sóc bò chu đáo. Thông thường một đàn bò nhỏ từ 3-5 con được nuôi trong những điều kiện tồi tệ, thức ăn không đủ, chỗ ở bẩn thỉu, do đó không cho đủ lượng sữa cần thiết.
Để chạy đua đáp ứng nhu cầu sữa ngày càng gia tăng, người nông dân tìm cách biến ít sữa thành nhiều. Một chuyên gia cho biết đầu tiên họ pha loãng sữa với nước để làm tăng thể tích sữa bán ra khoảng 30%. Tuy nhiên, pha loãng sữa đồng nghĩa với việc làm giảm hàm lượng chất dinh dưỡng có trong sữa, đặc biệt là protein. Điều này cũng có nghĩa giá sữa sẽ bị giảm đi. Đây chính là lúc mà chất độc melamine được sử dụng. Nhờ giàu hàm lượng nitrogen, melamine tạo cảm giác rằng sữa có nhiều protein hơn trong các cuộc kiểm tra chất lượng.
Theo nguồn tin Tân Hoa xã, Tập đoàn sữa Sanlu (Tam Lộc) đã nhận được những khiếu nại về chất lượng sữa từ tháng 12-2007. Mới đây, báo New Zealand Herald cho biết Công ty Fonterra sở hữu 43% cổ phần Sanlu đã biết về hiện tượng sữa Sanlu nhiễm độc từ ngày 14-8 và thông báo cho Đại sứ quán New Zealand ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, do không có thông tin đầy đủ, mãi 17 ngày sau đại sứ quán mới báo cho Bộ Thương mại New Zealand. Thủ tướng New Zealand Helen Clark biết được vụ việc vào ngày 5-9 và lập tức thông báo thẳng cho Bắc Kinh. Tuy nhiên mãi đến giữa tháng chín chính quyền Bắc Kinh mới có động thái phản ứng. Mới đây bà Clark đã phê phán Foterra quá chậm chễ trong việc thông tin.