Bài cuối: Chăn nuôi an toàn, thân thiện với môi trường
Mất vệ sinh và ô nhiễm
Thống kê của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) – Bộ Y tế cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến các vụ ngộ độc thực phẩm ngày càng gia tăng là do sản phẩm thịt gia súc, gia cầm không đạt tiêu chuẩn. PGS -TS.Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục VSATTP nhận định, thực trạng sản xuất, chế biến thực phẩm của ta có quá nhiều vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm; việc hướng dẫn và quản lý sử dụng thuốc kháng sinh còn lỏng lẻo, tình trạng sử dụng các chất bổ trợ trong thức ăn chăn nuôi khá tuỳ tiện. Về dư lượng kháng sinh trong thức ăn hỗn hợp, tiến hành phân tích 20 mẫu thì có đến 8 mẫu sử dụng kháng sinh. Việc kiểm soát vệ sinh giết mổ còn hạn chế, có quá nhiều cơ sở giết mổ nằm ngoài tầm quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Điều tra hiện trạng giết mổ 258 trong tổng số 4.703 lò mổ thuộc 43 tỉnh, thành phố, phân tích 630 mẫu thịt cho thấy, 87,5% không đạt tiêu chuẩn.
Song song với vấn đề mất VSATTP là tình trạng ô nhiễm do chăn nuôi gây ra. Chỉ tính riêng năm 2007, lượng chất thải từ chăn nuôi khoảng 61 triệu tấn, nhưng chỉ 40% trong số này được xử lý, còn lại xả trực tiếp ra môi trường.
Theo số liệu của Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định và Hà Tây cũ, qua khảo sát tại xã Trực Thái (Trực Ninh – Nam Định) có 91,13% hộ nuôi lợn và xã Trung Châu (Đan Phượng -Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội) với 93,33% số hộ nuôi lợn, quy mô 3-43 con/hộ thấy mức độ ô nhiễm đang ở tình trạng báo động. Khí độc NH3, H2S có trong không khí cao hơn mức cho phép 4,7 lần, nhiễm khuẩn trong chuồng trung bình là 18.675 vi sinh vật (cao hơn tiêu chuẩn của Nga 12 lần), nước thải nhiễm E.Coli và 25% số mẫu nhiễm trứng giun với mật độ 4.025 trứng/500ml nước thải. Hàm lượng COD (nhu cầu ôxy hoá học) là 3.916mg/l, trong khi tiêu chuẩn cho phép chỉ từ 100 đến 400mg/lít. Một ví dụ khác, ở các trại lợn tại xã Đức Sơn (TP. Đồng Hới) của Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Quảng Bình, hàng ngày thải ra lượng chất thải lớn không được xử lý làm 50 hộ dân quanh vùng không thể sử dụng nguồn nước ngầm do có váng vàng, mùi hôi tanh. Tỷ lệ người dân mắc bệnh tiêu chảy, mẩn ngứa, ghẻ lở rất cao. Chăn nuôi lợn ở xã Tô Hiệu (Thường Tín – Hà Nội) với việc xả thẳng phân, nước tiểu lợn ra cống rãnh và hệ thống thoát nước làm môi trường ở đây ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân.
Chất gây ô nhiễm môi trường không chỉ là phân mà còn có lượng lớn chất độn chuồng, thức ăn thừa, xác gia súc, gia cầm chết. Ngoài ra, còn có chất thải rắn trong lò mổ như chất thải trong ống tiêu hóa còn máu, mỡ, phủ tạng hoặc sản phẩm bị loại bỏ trong quá trình kiểm soát giết mổ.
Chỉ tại manh mún, nhỏ lẻ…
Nguyên nhân của thực trạng trên là do sản xuất nông nghiệp nước ta quá nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu ở quy mô hộ gia đình. Cả ba khâu của ngành là chăn nuôi, giết mổ, lưu thông đều chưa kiểm soát được. Mặt khác, chúng ta chưa có đủ bộ máy quản lý chuyên ngành ở tỉnh, huyện. Hiện nay, công tác quản lý VSATTP chủ yếu là kiêm nhiệm nên không đủ khả năng để kiểm soát. Về nhận thức của các đối tượng trong chuỗi cung cấp thực phẩm: người sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và quản lý còn hạn chế.
Theo Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Nguyễn Xuân Dương: "Do không có quy hoạch nên nhiều xí nghiệp chăn nuôi, lò mổ, xí nghiệp chế biến thực phẩm còn nằm trong khu dân cư, kể cả trong các quận nội thành; phân bố rải rác và manh mún, lợi nhuận thấp, giá cả bấp bênh, thị trường ít ổn định. Vì vậy, sức đầu tư vào khâu xử lý môi trường trong chăn nuôi còn thấp. Số lượng các lò mổ đạt yêu cầu vệ sinh mới chiếm khoảng trên 30%. Hiện tượng giết mổ gia súc, gia cầm bị bệnh, không qua kiểm soát cũng là nhân tố làm tăng ô nhiễm môi trường".
Trong khi đó, chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 đặt mục tiêu là nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp: đạt 32% vào năm 2010, 38% năm 2015, 42% năm 2020 và cung cấp những sản phẩm an toàn, chất lượng. Để đạt được mục tiêu này, Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Kim Giao cho biết: "Chăn nuôi an toàn là cần thiết. Ngành đang chú trọng đầu tư chăn nuôi tập trung, công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn dịch bệnh, gắn với giết mổ, chế biến tập trung. Xác định các mô hình sản xuất phù hợp như: trang trại chăn nuôi, tổ hợp tác, doanh nghiệp, công ty cổ phần với những tổ chức liên hoàn về chăn nuôi, chế biến, dịch vụ. Các tổ chức chăn nuôi phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất và VSATTP. Thực hiện quản lý chặt từ nguồn giống đến chất lượng thức ăn; kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ, bảo quản và chế biến; nâng cao kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, thú y…".
Hầm biogas, chế phẩm sinh học, bước khởi đầu cho chăn nuôi sạch
Hiện nay, để xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, có rất nhiều công nghệ hiện đại. Tuỳ theo đặc điểm của từng vùng, từng mô hình mà người chăn nuôi sử dụng các biện pháp khác nhau. Trong đó, hai biện pháp được đánh giá có nhiều ưu điểm là sử dụng công nghệ khí sinh học biogas và chế phẩm sinh học EM. Việc xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải từ chăn nuôi là biện pháp mang lại tác dụng lớn. Chất thải sau khi đưa vào bể chứa được phân huỷ hết, giảm mùi hôi, kí sinh trùng hầu như bị tiêu diệt. Bên cạnh đó, sử dụng hầm biogas còn có thể tái tạo được nguồn năng lượng sạch, phục vụ việc đun nấu, thắp sáng.
Theo GS. TS. Nguyễn Quang Thạch, Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp (Trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội): "Ngoài hầm biogas, sử dụng chế phẩm sinh học EM trong chăn nuôi sẽ làm cho chất thải phân huỷ nhanh, khử mùi tốt và giảm quần thể côn trùng, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. Cho gia súc, gia cầm uống hoặc ăn thức ăn thô có trộn EM còn giảm được nguy cơ mắc bệnh đường ruột".
Ở Vương quốc Anh, chuỗi siêu thị Wal -Mart đã giới thiệu những quả trứng "xanh" với tên thương phẩm là Respecful vào tháng 6/2007. Đây là sản phẩm của đàn gà được nuôi chăn thả tự do trên đồng cỏ, ăn thức ăn hạt sản xuất tại địa phương, sử dụng năng lượng mặt trời, gió thay cho năng lượng hoá thạch trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của trại nuôi gà. Tại đây, đàn bọ sữa cũng được nuôi theo chế độ giảm sản sinh khí mêtan (CH4), hạn chế tác động đến hiệu ứng nhà kính. Hình thức này được gọi là "chăn nuôi xanh" hay chăn nuôi thân thiện với môi trường. "Chăn nuôi xanh" nhắm vào 3 yêu cầu, một là giảm thiểu ô nhiễm đất và nước, hai là giảm thiểu tác động đến hiệu ứng nhà kính và ba là giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch.
Ngoài ra, có biện pháp rất hữu hiệu và bền vững để xử lý chất thải chăn nuôi tiến tới nền nông nghiệp sạch là phát triển mô hình VAC. Gắn kết chặt chẽ trồng trọt với chăn nuôi, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường, vừa sử dụng ít phân bón hoá học, tiết kiệm năng lượng. Và đây cũng là mô hình dễ làm, ở đâu cũng có thể xây dựng được, hiệu quả kinh tế lại cao.